Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh: Phát hiện thêm vị trí thành cổ của nghĩa quân Lê Lợi

Chiều 12/1, ông Lê Bá Hạnh – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, các cán bộ chuyên môn vừa phát hiện vị trí địa điểm đóng quân nằm trong hệ thống tường lũy cổ xây bằng đá của nghĩa quân Lam Sơn thời Lê Lợi (thế kỷ XV) thuộc phía Tây trên dãy núi Thiên Nhẫn (xóm Thiên Nhẫn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Theo đó, trong quá trình điều tra điền dã, khảo cứu các Di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), các cán bộ chuyên môn phát hiện một khu đất cao, bằng phẳng, rộng chừng 1.000m2, nằm trên đỉnh một ngọn núi có tên là núi Đồn (theo cách gọi của người dân địa phương) thuộc phía Tây dãy núi Thiên Nhẫn, ở xóm Thiên Nhẫn, huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh). Xung quanh khu đất được xây dựng các đoạn thành lũy bằng đá kiên cố để bảo vệ, tuy nhiên do người dân địa phương trồng cây Thông nên lá thông rụng phủ kín.

Tintuchatinh

Vị trí đóng quân của nghĩa quân Lê Lợi trên núi Thiên Nhẫn.

Đoạn tường thành phía trước có kích thước chiều dài 200m, thành cao 2,50m, bề rộng mặt trên thành 2m, bao phía tây nam thành dài 300m, cao 1m (do quá trình bồi đắp), mặt trên thành rộng 2m, kéo dài đến tận đỉnh núi cột Cờ. Còn lại đoạn phía đông và phía bắc thành do vị trí cao của đỉnh núi, nên người xưa đã tận dụng các phiến đá núi lớn tự nhiên ghép lại chắc chắn để bảo vệ thành. Phía sau về phía bắc tường thành còn sót lại cây Đa cổ thụ hàng trăm năm, nay đã lên cây con, theo người dân địa phương cũng đã tồn tại hàng chục năm nay.

Nhiều đoạn bờ thành cổ vẩn giử được nét nguyên vẹn như xưa.

Theo các cán bộ chuyên môn cho biết, đây có thể là Khu doanh trại của nghĩa quân Lam Sơn do danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy. Được coi là vị trí tiền tiêu vòng ngoài nhằm bảo vệ căn cứ địa Đỗ Gia đóng ở Động Tiên Hoa, khoảng 2km thuộc xã Sơn Phúc, nơi đóng Đại Bản Doanh của vua Lê Lợi. Đồng thời là vị trí tiền tiêu nhằm án ngữ bảo vệ phía bắc, nhằm ngăn chặn các cuộc tập kích bắt ngờ của quân Minh từ thành Nghệ An tấn công bằng đường bộ vào căn cứ Đỗ Gia trong những năm 1418-1425(thế kỷ XV).

Đoạn đường thành cổ bảo vệ phía Nam doanh trại.

Được biết, năm 2014, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện một hệ thống thành lũy đá cổ phòng thủ kiên cố do danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1418 – 1425, kéo dài khoảng 3km qua các xã Sơn Tiến, Sơn Thịnh, Sơn Tân thuộc huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) và được bao bọc bởi dãy núi Thiên Nhẫn trùng điệp và sông Ngàn Phố với địa hình hiểm trở là căn cứ địa vững chắc của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh xâm lược trong những năm đầu của thế kỷ XV.

“Dự kiến trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật và nghiên cứu tổng thể hệ thống thành luỹ đá cổ thời Lê và sưu tầm các tài liệu hiện vật cùng các dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh) để phục vụ cho công tác nghiên cứu”, ông Lê Bá Hạnh – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm.

Bùi Trung – Trọng Dân/VTOTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP