Cựu binh Lê Văn Hòa kể lại những chuyến đi trên đoàn tàu không số |
Đất nước thống nhất, ông Lê Văn Hòa - người cựu binh trên đoàn tàu không số năm xưa cùng đồng đội trở về với cuộc sống đời thường. Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng những chuyến đi dài lênh đênh trên biển với biết bao gian khổ, hiểm nguy để vận chuyển thuốc men, súng đạn, lương thực vào chiến trường miền Nam vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông.
Những chuyến tàu lịch sử
Ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1949) ở làng chài ven biển xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi học hết lớp 7, chàng thanh niên làng chài gia nhập vào HTX Hải Đằng (ở xã Thạch Kim) phát triển kinh tế biển.
Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Văn Hòa chính thức nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, anh được điều về Đoàn 126, Bộ Tư lệnh Hải quân. Lúc bấy giờ, những đoàn tàu không số đã làm nên nhiều kỳ tích trên biển khiến cho bao chàng trai trẻ mơ ước được một lần đặt chân lên boong tàu. Vốn sinh ra và lớn lên từ làng biển, từng ra khơi vào lộng, có nhiều kinh nghiệm đi tàu thuyền, Lê Văn Hòa đã lọt qua được những điều kiện khắt khe khi gia nhập đội ngũ những chiến sỹ trên đoàn tàu không số.
"Hiếm có gia đình nào ở địa phương lại có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình ông Hòa. Trở về sau chiến tranh, mang theo chất độc da cam, không chỉ ảnh hưởng đến đời con mà còn cả cháu. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng ông bà luôn sống lạc quan, yêu đời, được làng trên, xóm dưới yêu quý."
Ông Nguyễn Duy Bính
Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng
Ông kể: Những người lính tham gia đoàn tàu không số phải thực hiện các quy định nghiêm khắc. Mọi liên lạc với gia đình đều được kiểm duyệt khắt khe. Mọi “từ khóa” liên quan đến tàu, chuyến đi, công tác… đều bị cấm. Trước khi đi, vật dụng cá nhân của người lính được gói ghém cẩn thận, gửi vào kho đơn vị, được đề địa chỉ cụ thể để khi có bất trắc gì thì gửi về. Khi đã bước chân xuống tàu là chỉ biết ngày đi mà không biết ngày trở về. Gian khổ, nguy hiểm là thế nhưng ai được đứng trong hàng ngũ đó cũng thấy hãnh diện.
Sau một thời gian được đào tạo tại Tiên Yên, Quảng Ninh, cuối năm 1969, ông Hòa chính thức hành quân cùng chuyến tàu không số V641 thuộc đoàn 125. Để rồi một chặng đường dài 7 năm, ông đã có mặt trên hơn 15 chuyến tàu Bắc - Nam, làm nhiệm vụ tiếp viện cho miền Nam.
Ông Hòa vẫn nhớ, tháng 3/1971, tàu V641 xuất phát từ bến K15 ở Đồ Sơn chở vũ khí vào miền Nam. Sau khi vật lộn với những cơn sóng bão dữ trên biển Đông, qua mặt được tai mắt của địch, con tàu của ông và 21 cán bộ, chiến sỹ cùng nhiều vũ khí đạn dược tiến vào lạch Bến Đước ở huyện Năm Căn, Cà Mau. Lúc đó là 5h sáng, nhưng không bắt được tín hiệu liên lạc, tàu phải quay ra, quay vào và bị mắc cạn. Lúc này, 2 tàu khu trục của địch đang đi tuần tra; trên trời, máy bay trực thăng địch bắn pháo sáng. Sau một lúc xoay xở, khi tàu cũng thoát khỏi bãi cạn thì đúng lúc bắt được tín hiệu. Ngay sau đó, thuyền ba lá của quân dân miền Nam vây quanh tàu ngụy trang thành cả rừng đước…
Sau khi tàu khu trục của địch rút đi, ông Hòa cùng 2 người nữa trèo lên 1 gò đước gần đó làm nhiệm vụ canh gác cho bộ đội chuyển súng đạn từ thuyền lên. Và tại thời điểm này, ông đã nhiễm thứ chất độc tàn ác mà kẻ thù rải xuống, để đến mãi sau này ông mới biết là chất độc da cam. “Lúc mình nhìn lên thì thấy chỉ là gò đất bình thường, nhưng khi bước lên có cảm giác nhão như bùn. Hỏi thì mọi người nói, máy bay Mỹ rải chất hóa học xuống”, ông Hòa nhớ lại.
Gác tình riêng, lên đường vận tải
7 năm trên đoàn tàu không số, số lần ông Hòa về thăm quê chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tháng 2/1974, lần đầu tiên ông Hòa được đơn vị cho về tranh thủ 12 ngày, gia đình bắt ông cưới vợ. Nghĩ tới cảnh bố mẹ già không ai chăm sóc, trong lúc mình bôn ba ngoài đại dương, ông Hòa vâng lời cha mẹ, đồng ý cưới cô gái trẻ Nguyễn Thị Liên cùng làng. Lễ cưới của ông bà được tổ chức vào ngày thứ 10 về tranh thủ, cưới buổi trưa, buổi chiều ông đã xách ba lô lên đơn vị. “Lúc đó tôi tính, còn 2 ngày nữa, đủ để đi từ quê ra đơn vị nên quyết định cưới luôn. Cưới xong, tôi xách ba lô lên đường, mấy anh chị ở quê nói để xin đơn vị cho nghỉ thêm ở nhà nhưng tôi không chịu. Ra đến đơn vị, thấy tôi thực hiện nghiêm quá, thủ trưởng thưởng cho 15 ngày phép”, ông Hòa cười nói.
Năm 1975, giải phóng vùng nào là đoàn tàu không số chở quân vào tiếp quản vùng đấy. Sau giải phóng Sài Gòn, ông Hòa lại tham gia chở quân ra tiếp quản các đảo Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca… Hồi ấy, những hòn đảo này chỉ có bãi cát và san hô. Chiến tranh kết thúc, ông xin trở về nhà.
Trở về với gia đình, năm 1975, vợ chồng ông sinh người con đầu lòng. Nhưng ngặt nỗi, đứa con sinh ra có lớn mà không có khôn. Hai vợ chồng ông cũng không hiểu chuyện gì. Đưa con đi chữa trị khắp nơi, các bác sỹ đều “lắc đầu” không biết bệnh gì. Đến lúc biết được con mình bị nhiễm chất độc da cam từ bố thì bao nhiêu gia sản dành dụm được đã khánh kiệt.
Vừa chăm bẵm đứa con đầu không được “lành lặn”, ông bà lại nuôi hi vọng về những người con ra đời sau đó. Nhưng rồi, hi vọng bao nhiêu lại thất vọng bấy nhiêu, lần lượt 6 người con nữa ra đời, chỉ duy nhất người con gái thứ 3 là khỏe mạnh, 5 người còn lại, người mất, người đãng trí, người mờ mắt…
“Khổ lắm chú ạ! Người đời họ không xa lánh mình nhưng nghe đến chất độc da cam thì cũng ái ngại. Con gái thứ ba của tôi khỏe mạnh, lại được ăn học cũng phải bỏ xứ mà đi mới lập được gia đình, hiện cháu làm giáo viên trong miền Nam”, ông Hòa chua xót nói.
Nỗi đau vẫn dai dẳng khi các con ông dù không bình thường, vẫn lấy vợ nhưng sinh ra những người con không lành lặn. “Thằng thứ 3 lấy được vợ, sinh 2 lần ra hai bọc máu; thằng thứ 4 sinh được một cháu gái thì thi thoảng cứ đờ người ra, không nhận biết được gì. Thằng thứ 5 mới sinh một cháu được 5 tháng tuổi, tôi ngày đêm cầu khấn ông trời cho cháu tôi được mạnh khỏe, bình an”, ông Hòa nói trong nước mắt.
Trước nỗi đau, nỗi vất vả của đồng đội, năm 2013, Ban Liên lạc Đoàn tàu Không số phối hợp với các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương cắt đất và xây dựng cho gia đình cựu binh Lê Văn Hòa một căn nhà cấp 4 tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà. Hàng ngày, dù tuổi cao sức yếu, nhưng người cựu binh già vẫn chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Tác giả: Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông