Hà Tĩnh: Nữ thạc sĩ say mê chuyển lời tiếng Anh để bảo tồn ví giặm
Sinh ra trong một gia đình không ai theo con đường nghệ thuật, nhưng bằng niềm đam mê câu hò, điệu ví, Thạc sĩ Đặng Thị Anh Phương (32 tuổi, giáo viên trường THPT Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã thổi hồn đam mê ấy vào chính những thế hệ học trò của mình.
Thẩm thấu từ lời bà ru
Tìm đến nhà Anh Phương vào một buổi chiều chủ nhật, hình ảnh hai mẹ con đang cặm cụi ngồi ôn lại những câu hát trong bài ví giặm vừa đặt lời khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.
Bước vào ngôi nhà cấp bốn khá gọn gàng, không gian được trang trí đơn giản, nhưng lại đưa đến hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Rót bát nước chè xanh mời khách, chị hát một đoạn ví giặm Nghệ Tĩnh thay lời chào. Khoảng cách khách – chủ không còn, chúng tôi trò chuyện gần gũi. Chị kể về tình yêu với dân ca xứ Nghệ và hành trình đưa câu ví giặm vào các tiết học của mình.
Ngoài đời cũng như hóa thân vào chính bài hát, Anh Phương luôn nhiệt huyết, say mê câu hò, điệu ví
Anh Phương từng theo học khoa tiếng Anh của trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Tốt nghiệp,chị được phân về dạy ở một trường cấp ba của tỉnh mình. Chị luôn sáng tạo những cách nhớ từ vựng thông qua các bài hát hay liên tưởng đến những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống để giúp học sinh nhớ từ vựng nhanh và lâu hơn. Ngoài thời gian dạy học ở trường, niềm đam mê lớn nhất của chị là ví giặm. “Hồi bé, bố mẹ tôi bận đi làm, tôi ở với bà, thường nghe bà hát. Câu ví giặm đã theo tuổi thơ và đi cùng tôi vào từng giấc ngủ. Mỗi lần căng thẳng, tôi thường nghe một câu ví, điệu hò để tinh thần thư thái hơn”- Anh Phương trải lòng.
Khi cuộc sống ngày càng tất bật, dường như những nét đẹp xưa, những làn điệu ví giặm dần dần bị giới trẻ quên lãng, thay vào đó là những thể loại như: Rock, pop, ballad… thu hút họ hơn. “Nhiều bạn trẻ nghe ví giặm thường hay nhận xét khô khan, cổ hủ. Chúng chưa thực sự lắng nghe bằng cả tâm hồn nên không thẩm thấu được cái hay của ví giặm”- tôi thấy trong đôi mắt chị chứa những trăn trở.
Chuyển lời ví giặm từ tiếng Việt sang tiếng Anh
Trăn trở với nỗi lo một ngày nào đó loại hình âm nhạc dân gian này sẽ bị biến mất, càng thôi thúc chị làm một điều gì đó để giữ lại. Chị bắt đầu sưu tập những làn điệu dân ca ví giặm rồi tự mình hát phổ nhạc. Là một giáo viên dạy ngoại ngữ, lợi thế biết hai ngôn ngữ nên chị tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi dịch lời sang tiếng Anh, rồi đến những buổi ngoại khóa hay sinh hoạt câu lạc bộ ví giặm của trường để đem ra trao đổi.
Chị Phương (thứ hai từ trái qua) trong một lần đi biểu diễn với CLB ví giặm của trường THPT Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Không ngờ, việc làm này của chị được học sinh hưởng ứng. Nó như luồng gió mới, để học sinh học tiếng Anh và tiếp cận ví giặm mà không theo kiểu miễn cưỡng hay ép buộc. “Ngoài thời gian học ở trường, các em không có nơi để thực hành những kiến thực mình học được từ trên lý thuyết. Bởi vậy, tôi lên ý tưởng mở thêm câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh, để các em có cơ hội được giao tiếp, được nói chuyện và học những từ vựng mới không bị căng thẳng. Đồng thời các bài ví giặm được dịch sang tiếng Anh cũng được đưa vào làm ví dụ để thực hành kĩ năng nói. Chính những buổi ngoại khóa đó đã tạo cảm hứng không hề nhỏ với học sinh” – chị chia sẻ.
Thành công từ đam mê
Ngày mới thành lập, CLB ví giặm của trường THPT Nghi Xuân – Hà Tĩnh có rất ít thành viên. Nhưng một năm sau, đã có 60 thành viên chính thức, mỗi tháng sinh hoạt một lần. Tại các buổi sinh hoạt, mọi người được học các lời mới của các bài ví giặm, đồng thời cùng nhau thảo luận cách để phát triển CLB của mình, để nhiều người tham gia và cùng nhau bảo vệ di sản mà ông cha để lại. Chị cũng trải lòng, những câu ví giặm chính là hồn quê hương, hồn dân tộc, bởi vậy nhìn nó bị tàn lụy, mai một chị thực sự không nỡ lòng nào.
Dường như những tâm huyết của chị đã dần thành công. Khi tháng 1.2016, CLB ví giặm của trường THPT Nghi Xuân đã bảo vệ thành công đề tài “Bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh bằng các hoạt động trải nghiệm ở CLB dân ca ví giặm trường THPT Nghi Xuân” tại hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở giáo dục Hà Tĩnh tổ chức và giành giải nhì.
“Thực sự cô Phương đã làm sống lại những điệu ví giặm. Không chỉ nhiệt huyết trong chuyên môn mà cô còn có những đam mê hiếm người nào có được. Nhờ cô mà những điệu ví giặm không bị lãng quên” – là lời khen mà thầy Vũ Minh Thiện – Hiệu trưởng trường THPT Nghi Xuân dành cho đồng nghiệp của mình.
Chia tay chị Phương khi chiều muộn, nhưng những âm vang về câu ví giặm vẫn văng vẳng bên tai. Và tôi mong gặp lại chị, để được nghe chị đứng trên sân khấu, hát bằng đam mê, nhiệt huyết và bằng cả trái tim.