Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở mảnh đất Cẩm Yên (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh), ngay từ nhỏ, chị Nguyễn Thị Dung luôn là học sinh giỏi của huyện nên chị luôn nung nấu ước mơ trở thành bác sĩ cứu người. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, với tấm lòng yêu nước chị đã tạm gác lại ước mơ, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để tình nguyện nhập ngũ vì tinh thần hữu nghị quốc tế.
Tháng 5 năm 1979, cô gái trẻ Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1960 viết đơn tình nguyện lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Chị được giao nhiệm vụ bảo vệ kho yếu phẩm và tiếp tế lương thực cho triến trường C tại Campuchia. Trong một lần kho yếu phẩm bị cháy do kẻ địch đánh phá, chị lao vào cứu kho hàng và đã bị bỏng toàn thân. Được đồng đội cứu sống và đưa về nước điều trị tại bệnh viện Quân Y 103. Trong thời gian này, chị nhớ lời Bác dạy “Tàn nhưng không phế”, dẫu vết thương hết sức đau đớn nhưng với đam mê làm cán bộ y tế để có cơ hội chăm sóc người bệnh, chị đã thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội.
Thương binh – BS Nguyễn Thị Dung đang ân cần chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng
Sau 6 năm miệt mài học tập, chị cầm trong tay tấm bằng bác sĩ chuyên khoa Nhi trở về quê hương phục vụ người bệnh tại khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện đa khoa tỉnh). Chị chia sẻ: “Làm việc ở khoa Hồi sức tích cực, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh éo le, nhiều người bệnh vật vã vì đau đớn, chia lìa tôi đều chứng kiến tất thảy. Mỗi khi bắt gặp những hoàn cảnh bi thương, tôi lại tự nhủ lòng phải sống xứng đáng với niềm tin, sự hy vọng của người bệnh khi sự cứu cánh đối với họ chính chúng tôi – người Bác sĩ”.
Năm 2009, chị tình nguyện về khoa Truyền nhiễm phục vụ người bệnh, vì ở đây bệnh nhân quá tải, mô hình bệnh tật lại mang tính đặc thù, phức tạp. Nhất là những thời điểm dịch bùng phát, khoa Truyền nhiễm trở thành nơi đầu sóng ngọn gió chóng chọi với các dịch bệnh. Hiện nay, khoa chỉ có 4 bác sĩ, 2 người nghỉ dài hạn còn một người cũng mới về. Công việc chủ yếu một mình chị cáng đáng. Hầu hết thời gian chị dành cho bệnh nhân, kể cả nghỉ trực chị cũng ở lại khoa. Nhiều khi nửa đêm vừa bước chân về nhà chưa kịp nghỉ ngơi chị lại phải lên bệnh viện. Điển hình trong mùa dịch sởi vừa rồi chị dành thời gian 24/24 cho bệnh nhân. Nhiều bệnh nhân biến chứng viêm phổi nặng do bệnh sởi đã được chị điều trị khỏi mà không cần chuyển lên tuyến Trung ương.
Khó khăn, vất vã là vậy nhưng chưa bao giờ một lần chị trễ hẹn với bệnh nhân, chưa bao giờ chị thờ ơ với nỗi đau của người bệnh. Cảm động với tầm lòng “Lương y như từ Mẫu” nhiều bệnh nhân đã viết thư cảm ơn, mới đây nhất người nhà của bệnh nhân đã làm thơ khen ngợi tấm lòng nhân hậu bác sĩ Trưởng khoa và cán bộ khoa Truyền nhiễm. Với những cống hiến của chị, năm 2012, chị Nguyễn Thị Dung được UBND tỉnh tăng Bằng khen “đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ”; nhiều năm liền chị được công nhận chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Ngoài ra, rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của chị được công nhận và đưa vào thực tiễn. Tuy nhiên, chị chia sẻ, thành tích lớn nhất đối với chị là 2 con gái chăm ngoan, học giỏi. Bệnh nhân, đồng nghiệp luôn tin tưởng, yêu mến.
Thanh Nga