Ảnh minh hoạ. |
Bệnh nhân Nguyễn Văn L. (46 tuổi) ở thôn 5, Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh, vào viện với biểu hiện đau bụng từng cơn, nôn nhiều, bụng chướng, bí trung đại tiện. Bệnh nhân đã được thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, được chẩn đoán tắc ruột do bã thức ăn.
Sau khi hội chẩn chuyên môn, kíp phẫu thuật gồm BSCKII Nguyễn Ngọc Thuần, PTK Ngoại tiêu hóa và ThS.BS Nguyễn Huy Tuấn đã ứng dụng phẫu thuật nội soi giải phóng khối ruột bị tắc. Qua 30 phút phẫu thuật, khối bã thức ăn gây tắc ruột đã được đẩy xuống đại tràng.
Hiện tại sau 5 ngày điều trị bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.
Bác sĩ Thuần cho biết, phẫu thuật nội soi điều trị tắc ruột do bã thức ăn có nhiều ưu điểm hơn so với mổ hở, khối bã thức ăn được đẩy xuống đại tràng mà không phải mở ống tiêu hóa. Là phẫu thuật ít xâm lấn, ít đau sau mổ và thời gian nằm viện ngắn, do đó giảm chi phí và thời gian điều trị cho bệnh nhân.
Tắc ruột là một cấp cứu thường gặp trong ngoại khoa. Trong đó tắc ruột do bã thức ăn hay gặp ở những người già (sức nhai kém) và trẻ em, tuy nhiên cũng có thể gặp ở những lứa tuổi khác. Đối tượng có nguy cơ cao là những người ăn phải những thức ăn có nhiều xơ, sợi dai, khó tiêu hóa như măng, hạt thị, xơ mít... kèm theo các bệnh lý có giảm độ toan dịch vị, viêm xơ tụy, không nhai được do đau răng, răng rụng, sau cắt đoạn dạ dày...
Hậu quả của tắc ruột bã thức ăn
Tắc ruột do bã thức ăn nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới hậu quả như mất nước, rối loạn điện giải, mất thăng bằng kiềm toan, tình trạng bụng chướng cũng ảnh hưởng đến vấn đề hô hấp và diễn biến xấu.
Cách phòng tránh
Tránh các thói quen không tốt như ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những yếu tố nguy cơ gây tắc ruột bã thức ăn.
Thức ăn phải được nấu chín, ninh nhừ, uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày.
Không nên nuốt những thức ăn dai, cứng như gân, sụn để tạo thành nhân cho các thực phẩm khác kết dính, vón cục hay ăn trái cây (nhãn, vải, táo...) mà nuốt luôn cả hạt.
Tác giả: Khánh Ngọc
Nguồn tin: Báo Infonet