“ Em bỏ học là vì thấy nghề mình theo đuổi không có tương lai. Mặc dầu đã xong năm thứ 2, còn một năm nữa ra trường, tiêu mất của bố mẹ vài con bò, nhưng em đành chia tay với bạn bè để tìm một con đường khác. Dẫu biết lựa chọn vào trường nghề cũng do mình. Nhưng khi biết sai lầm phải dũng cảm, kiên quyết sửa chữa ngay” – Vinh kể.
Vinh (ảnh giữa) và Lãnh đạo đoàn huyện Vũ Quang đang dự định thành lập Hợp tác xã Thanh niên |
Cuối năm 2012, Vinh từ trường về cũng đúng vào dịp tết. Vinh không đi chơi cùng bè bạn mà một mình len lỏi vào rừng sâu tìm bãi có chăn nuôi trâu bò. “Bỏ học, về quê đi chăn bò, câu chuyện của em không hài hước tí nào mà nghiêm túc. Vì em nghĩ rằng chăn bò, phát triển trang trại chăn nuôi có thể trở thành giàu có. Và đó là một nghề. Nghề chân chính” – Vinh không ngần ngại chia sẻ.
Mồng 8 tết, khi làng quê vẫn chưa hết không khí lễ tết, Vinh âm thầm lặng lẽ băng rừng vào thung lũng Cơn Trôi, giáp ranh giữa 3 huyện Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang dựng lều, phát đường. Thung lũng Cơn Trôi như lòng chảo, bạt ngàn cỏ. Đây là nơi xa làng, xa bản, chưa mấy ai đặt chân tới để khai phá. “ Bây nghĩ lại như một giấc mơ. Giấc mơ cỏ. Giấc mơ đàn trâu bò phát triển, béo tốt mỡ màng” – Vinh xúc động nhớ lại.
Dựng lều, dụng chuồng trại, vay vốn trên 500 triệu đồng, Vinh lùa cả đàn trâu bò hơn 40 con vào thung lũng Cơn Trôi. Cỏ bạt ngàn. Trâu bò ăn là lớn, là sinh sôi nảy nở. Không chớp cơ hội là mất. Nên “nuốt lưỡi búa” làm liều. Liều sau khi đã tính toán kỹ càng.
Vinh tự bỏ tiền mở con đường vào trang trại |
Nhà Vinh bên sông Ngàn Trươi, ở cạnh ga xép Hòa Duyệt. Con đường vào Cơn Trôi quanh co, hiểm trở phải qua ba con khe: Khe Đá Bạc, đập Cơn Trâm và hói Rọng Trâm. Chỉ cần vài trận mưa là nước ba bề bốn bên núi đổ xuống chia cắt không thể đi lại. Thế mà Vinh đã âm thầm lặng lẽ một mình kiên nhẫn phát cây, xẻ núi, mở đường vào thung lũng.
Vinh chỉ cho tôi mấy cây dao phát, lưỡi cuốc con gà đã vẹt mòn làm nên con đường len lỏi dưới cây rừng, ven suối. Cho nên đến với Vinh, ám ảnh tôi nhất là con đường.
Bây giờ con đường vào trang trại Vinh đã được mở rộng bằng vốn tự đầu tư hàng trăm triệu đồng. Một con đường đất đỏ ba zan có thể đi xe máy vào tận trang trại. Dừng xe ở trang trại, là cả một thung lũng quy hoạch, được sắp xếp với bàn tay khối óc của con người. Nào là dãy chuồng cho trâu bò. Nào là ngan vịt gà đầy sân. Dưới khe thì ao cá. Cá trắm cỏ, rô phi, trê phi từng đàn. Giữa núi xanh đàn trâu bò gần 60 con đang ung dung gặm cỏ. Quanh sườn núi là cam chanh mượt mà màu xanh.
Mới gần 3 năm mà Vinh đã biến nơi rừng núi hoang dại thành trang trại vừa chăn nuôi gia cầm, gia súc, vừa trồng trọt nhất là phát triển cây có múi hiệu quả kinh tế cao. Gần một ngàn gốc cam được sức mơn mởn xanh tốt chỉ cần hai năm nữa sẽ cho thu hoạch.
Tôi quá bất ngờ và không thể nào hiểu nổi làm sao chàng sinh viên mới 26 tuổi đầu, mặt chữ điền, hiền khô, trẻ măng, chưa phải lòng một cô gái nào cả lại có thể dám cả gan táo bạo xẻ đường vào núi thành lập trang trại chăn nuôi và trồng trọt?
Vinh đang chăm sóc cam |
Hai mươi sáu tuổi có trong tay đàn bò tiền tỷ, nhưng quan trọng hơn chính là kho báu dám nghĩ, dám làm. “Rất may cho cháu là chớp được cơ hội. Cơ hội lớn nhất là thung lũng này, là rừng đầu nguồn chưa ai khai phá. Thứ 2 là cháu phát triển trang trại đúng vào thời kỳ mà Chính quyền xã khuyến khích tạo điều kiện để nhân dân phát triển mô hình trang trại, gia trại. Cho nên hiện cháu có 15ha . Có đất, có rừng là có tất cả. Gần đây, bố mẹ cháu luôn động viên giúp đỡ và tạo điều kiện cho cháu phát triển kinh tế! Nếu cháu vẫn tiếp tục học thì cơ hội này không bao giờ đến với cháu cả” – Vinh chia sẻ.
Vinh đã từng nếm thất bại. Vào năm đầu, do chuồng trại sơ sài, trâu bò thả rông trong rừng nên mắc bệnh. Trận lũ quét năm 2012 , do chủ quan, nên nước suối dâng cao cuốn mất mấy con bò. Bây giờ Vinh đã rút kinh nghiệm. Chuồng trại hè mát, đông ấm. Thức ăn dự trữ khô để phòng xa cho mùa rét.
Khi được hỏi dự định sắp tới, Vinh nhỏ nhẹ: “Hiện trang trại cháu giải quyết công ăn việc làm cho 5 lao động. Cháu đang muốn thành lập Hợp tác xã Thanh niên. Vì Đức Liên quê cháu có lợi thế để thành lập mô hình trang trại tổng hợp”.
Anh Trần Minh Công- Phó Bí thư Đoàn xã Đức Liên cho biết mấy năm gần đây phong trào xây dựng nông thôn mới tại Đức Liên xuất hiện 40 mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó có trên 10 mô hình của thanh niên.
Nhờ Vinh mở đường mà trên con đường rừng khoảng 4km, anh Võ Mạnh Trường , Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Văn Vượng, Võ Bá Tạo nhiều hộ dân xã Đức Liên đã vào cắm đất mở trang trại, khai hoang trồng cam chanh. Cả một khu rừng thâm u đã được thức dậy.