Bến xe Hồng Lĩnh nằm ở vị trí khá đắc địa, sát quốc lộ 1A nhưng nhiều năm nay hoạt động cầm chừng - Ảnh: NGỌC THẮNG |
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, tại tỉnh Hà Tĩnh hiện nay có 8 bến xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, bến xe trung tâm thành phố Hà Tĩnh được Sở Giao thông vận tải điều hành, còn 7 bến xe tuyến huyện được gom về một ban quản lý chung.
Cả 7 bến xe này đều được đầu tư hàng tỉ đồng, xây dựng ở những vị trí khá đắc địa, tuy nhiên đến nay đều rơi vào tình trạng chung là phải hoạt động cầm chừng vì lượt xe ra vào quá ít.
Bến xe thị xã Hồng Lĩnh được xây dựng năm 2010 với số vốn 8 tỉ đồng trên khu đất rộng 15.000m2 tại phường Đậu Liêu, nằm sát quốc lộ 1A.
Bến xe được thành lập với mục tiêu đón hàng trăm lượt xe ra vào mỗi ngày, vì thế cơ sở vật chất như sân bãi, phòng chờ được đầu tư khang trang, sạch sẽ.
Bên trong bến xe Hồng Lĩnh lâu nay vắng bóng hành khách đến mua vé - Ảnh: NGỌC THẮNG |
Bà Hồ Thị Lành (46 tuổi) - nhân viên bến xe - cho hay thời gian đầu mới hoạt động, bến xe quản lý 50 đầu xe, nhưng từ năm 2013 chỉ có 7 đầu xe ra vào bến.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do có nhiều điểm bán vé xe liên tỉnh đặt ở ngoài đường. Vì thế hành khách khi đón xe chỉ chờ ở điểm bán vé, không vào trong bến để mua.
Các nhà xe hiện còn nâng chất lượng cao hơn bằng việc có xe trung chuyển đến đón khách tận nhà, ngoài ra ô tô cá nhân tăng nhanh cũng là nguyên nhân gây ra việc này.
Xe vào bến quá ít, cộng thêm người dân vào mua vé không có khiến bến xe thị xã Hồng Lĩnh lao đao, hoạt động cầm chừng vì không có lợi nhuận.
Đến nay bến xe chỉ có 3 người là 1 trưởng bến và 2 nhân viên bán vé, nhưng chỉ đến bến để trông coi, quét dọn vệ sinh.
"Có ngày bến không có xe nào ra vào, giờ chỉ hoạt động cầm chừng chờ phương án đơn vị chủ quản sáp nhập hoặc giải thể", bà Lành nói.
Bến xe Can Lộc giờ chỉ còn cây xăng và mặt bằng bỏ trống - Ảnh: NGỌC THẮNG |
Bến xe Can Lộc (huyện Can Lộc) được doanh nghiệp đầu tư xây dựng từ năm 2008 trên khu đất rộng 11.000m2 với kinh phí hàng chục tỉ đồng, thời gian đầu mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ra vào, chủ đầu tư xây thêm cả cây xăng để phục vụ. Đến nay bến xe Can Lộc chỉ còn lại cây xăng và bãi đất trống, toàn bộ mặt bằng bỏ không.
Trong khi các bến xe hoạt động không hiệu quả thì năm 2014 Hà Tĩnh lại cho xây mới bến xe huyện Cẩm Xuyên với diện tích 5.000m2, có tổng mức đầu tư gần 30 tỉ đồng do Ban quản lý bến xe Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Chỉ cần hoàn thành nốt thủ tục đấu nối với QL1, bến xe này có thể đưa vào sử dụng nhưng năm 2015 dự án này bị dừng, các hạng mục ‘no mưa, no nắng’ cho đến nay.
Bến xe Cẩm Xuyên lâu ngày bỏ không, trở thành nơi phơi thóc của người dân - Ảnh: NGỌC THẮNG |
Do nhiều năm không được sử dụng nên rất nhiều hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Sân bãi cỏ mọc um tùm, nhiều góc trở thành nơi đổ rác thải, nhiều thiết bị ở nhà điều hành và bán vé bị hư hỏng, gỉ sét. Thậm chí mùa hè người dân địa phương còn đem thóc ra phơi, đem bò ra chăn thả.
Ngoài ra một số bến như bến xe Đức Thọ, bến xe Kỳ Anh cũng hoạt động cầm chừng, không hiệu quả nhiều năm qua.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Thành Trung - phó trưởng Ban quản lý bến xe khách Hà Tĩnh - cho biết trước đây 8 bến xe khách ở Hà Tĩnh quản lý khoảng 300 đầu xe, song từ khi bến xe thành phố Hà Tĩnh tách riêng, đơn vị chỉ quản lý chưa đầy 100 xe đường dài, giảm hơn 70% các khoản thu.
Cũng từ năm 2015 đến nay, hầu hết các bến xe khách đều hoạt động cầm chừng. Trong đó, có bến xe khách Can Lộc vì không hoạt động hiệu quả đã xin giải thể, bến xe khách Cẩm Xuyên được đầu tư hàng chục tỉ song chưa thể đi vào hoạt động.
Theo ông Trung, nhiều nhà xe đã phải bán xe hoặc giảm lượt xe chạy đường dài vì không đủ chi phí, nhiều năm nay đơn vị vẫn đang chờ tỉnh có phương án sáp nhập hoặc cổ phần hóa các bến xe để tiếp tục hoạt động.
Tác giả: NGỌC THẮNG
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ