Trước đó, trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi để doanh nghiệp khai thác trái phép đá bạc. Phải chăng có sự câu kết giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp?
Vị ĐBQH này đặt câu hỏi tại sao Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường và người dân địa phương thấy sự việc khai thác đá bạc trái phép rõ như ban ngày mà công an, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lại không nhìn thấy?
Về vấn đề này, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với các địa phương liên quan đến các bài viết về tình trạng khai đá bạc trái phép, dẫn đến nhiều ngọn đồi bị “xẻ thịt” tại xã Kỳ Lạc, xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh và phường Kỳ Long, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
“Có 2 xe đá thì tài nguyên khoáng sản gì?”
Tại thị xã Kỳ Anh, sáng 11/3 trao đổi với Phóng viên Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND phường Kỳ Long cho hay, việc khai thác đá bạc trái phép chủ yếu ở địa bàn khác (địa bàn huyện Kỳ Anh - PV), còn một điểm khai thác tại phường Kỳ Long như báo nêu là do hộ ông Cao Văn Thông (người dân địa phương) cải tạo vườn của họ. Lúc cải tạo thì phát hiện đá bạc nên có chở khoảng 2 xe tải đá bạc ra ngoài.
Phóng viên đặt câu hỏi, tại sao phát hiện người dân vận chuyển tài nguyên khoáng sản ra ngoài nhưng địa phương không có biện pháp ngăn chặn xử lý, vị này thản nhiên trả lời: “Nói là tài nguyên khoáng sản nhưng có hai xe đá thì tài nguyên khoáng sản gì, thà khai thác cả ngọn đồi…”.
"Khoáng tặc" khai thác đá bạc tại Phường Kỳ Long, Thị xã Kỳ Anh. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Còn ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, trên địa bàn chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác đá bạc. Sau khi báo nêu, UBND thị xã cũng đã kiểm tra, phát hiện tại bãi tập kết, mỏ đá thuộc Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Trung Hậu (đóng tại phường Kỳ Long). Còn việc khai thác đá bạc tại phường Kỳ Long thì thị xã chưa nắm được.
Trung tá Bùi Thanh Tùng, Trưởng Công an thị xã Kỳ Anh cho hay, vừa rồi lực lượng chức năng tập trung phòng chống dịch Covid, rồi bão lũ, rồi Tết, sau khi báo chí nêu, thấy có cơ sở thì đơn vị đã cho xác minh, xử lý.
“Lúc lực lượng vào kiểm tra tại bãi tập kết, chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp để nguyên hiện trạng để phục vụ công tác điều tra”, Trung tá Tùng nói.
Đá bạc được các đối tượng khai thác trái phép tại xã Kỳ Lạc. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Tại huyện Kỳ Anh, địa phương có 2 điểm khai thác đá bạc trái phép tại xã Kỳ Lạc và xã Lâm Hợp. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, phía xã Kỳ Lạc đã có báo cáo ban đầu xác nhận thông tin báo nêu.
“Tôi đã cho công an vào cuộc ngăn chặn và gửi công văn cho các xã để kiểm điểm những cá nhân vi phạm. Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện cũng quán triệt các xã, nếu địa phương nào không phát hiện kịp thời mà để báo chí phản ánh thì sẽ xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh chia sẻ.
Một ngọn đồi bị "xẻ thịt" tại xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Mới đây, UBND huyện Kỳ Anh đã có văn bản số 289 về việc “tăng cường ngăn chặn, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện” gửi các xã trên địa bàn cùng Công an huyện.
Theo văn bản này, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu UBND các xã báo cáo, giải trình cụ thể tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như Tạp chí Kinh tế Môi trường đã đăng tải ngày 6/3/2021 vừa qua. Đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan gửi UBND huyện trước ngày 15/3/2021.
Ông Hồng là ai?
Quá trình xác minh, thu thập thông tin, trong vai là một thương gia có nhu cầu mua đá bạc, nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tiếp cận được một người đàn ông tên T. (tại huyện Kỳ Anh).
Trao đổi qua điên thoại, T. cho biết tại điểm khai thác đá bạc của anh này đang làm, mỗi ngày khai thác được khoảng 15 xe tải, mỗi xe 10 khối. “Anh làm đây là làm cho ông Hồng. Ông ấy bỏ vốn cho làm, làm ăn theo khối lượng, nếu bán được ở đâu hơn thì cứ bán, mọi thứ ông Hồng lo”, anh T. nói.
Từ những thông tin trên, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu xem “ông Hồng” mà người đàn ông tên T. nhắc đến là ai? Theo ghi nhận của PV, thời điểm Công an huyện Cẩm Xuyên bắt giữ đoàn xe chở đá bạc vào đêm 5/3, sau 2 giờ bị bắt, xuất hiện 2 người đàn ông đi trên ôtô 7 chỗ, mang BKS 38A – 087.XX có mặt tại trụ sở Công an huyện Cẩm Xuyên. Lãnh đạo Công an huyện Cẩm Xuyên xác nhận 2 người đàn ông này đến cung cấp một số giấy tờ liên quan đến đoàn xe chở đá bạc vừa bị bắt, một người tên Hồng, người còn lại tên Phương.
2 người đàn ông đi ôtô 7 chỗ mang BKS: 38A - 087.XX đến Công an huyện Cẩm Xuyên, xuất trình một số giấy tờ liên quan đến lô hàng đá bạc. (Ảnh: Tiến Đạt) |
Qua xác minh tại Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh, ôtô 7 chỗ mang BKS: 38A – 087.XX có chủ sở hữu là Công ty Cổ phần xây dựng công nghiệp và Thương mại Xuân Hồng, có trụ sở tại tổ dân phố 3, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, người đại diện pháp luật của công ty ông Phan Xuân Hồng.
Được biết, ông Phan Xuân Hồng cũng là Phó Giám đốc của Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Trung Hậu, là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thị xã Kỳ Anh.
Trước đó, trả lời PV Tạp chí Kinh tế Môi trường, Đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận và đánh giá cao việc Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh về hoạt động khai thác đá bạc trái phép trên địa bàn huyện Kỳ Anh vừa qua. Sau khi đăng tải, Ban Giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo cơ quan điều tra truy vết ngay để xử lý. “Tôi sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm, kể cả cán bộ, doanh nghiệp liên quan đến hành vi vi phạm. Với tư cách là Thường vụ Tỉnh ủy, tôi sẽ ý kiến đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như xã, huyện liên quan đến địa bàn để xảy ra vi phạm”, Đại tá Lê Khắc Thuyết chia sẻ.
|
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Tác giả: Tiến Đạt
Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn