Tin Hà Tĩnh

ĐBQH Phạm Văn Hòa: Địa phương có làm ngơ trước việc khai thác trái phép đá bạc ở Hà Tĩnh?

ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, việc khai thác đá bạc tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm minh.

Cuối tháng 12/2020, nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được thông tin từ người dân về việc có một nhóm người đưa máy móc, thiết bị vào núi thuộc địa phận huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để khai thác đá bạc. Việc khai thác này diễn ra rầm rộ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như môi trường xung quanh. Hàng trăm hecta đồi núi bị "xẻ thịt", nhiều cây cối bị đốn hạ.

Một trong 3 ngọn đồi bị xẻ thịt để khai thác đá bạc trái phép tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.


Theo một số người dân đia phương, tình trạng khai thác trái phép đá bạc đã diễn ra trong thời gian dài, từ khoảng đầu năm 2020. Việc khai thác rầm rộ, cho thấy những đối tượng này đã bất chấp quy định của pháp luật về việc nghiêm cấm khai thác khoảng sản trái phép.

Nghiêm trọng hơn, ngoài khai thác đá bạc khiến các đồi núi bị "xẻ thịt", những “khoáng tặc” này còn khai thác đá ngay tại đập dâng Lạc Tiến, nơi có dự án đập tích trữ nước để phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng. Việc khai thác này dẫn đến nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, mất an toàn cho dự án.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Hoàng Trường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc xác nhận những vị trí khai thác đá bạc mà PV phản ánh đều chưa được cấp phép. "Tôi sẽ cho anh em kiểm tra", vị Chủ tịch xã nói.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, những vị trí mà Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh trên địa bàn chưa có mỏ nào được cấp phép khai thác đá bạc, đơn vị cũng đã có chỉ đạo theo dõi, xử lý những trường hợp vi phạm.

Hành vi đốn rừng để khai thác đá bạc trai phép là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh


Về vụ việc này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khẳng định, đây là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh. “Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi để doanh nghiệp khai thác trái phép như vậy. Phải chăng có sự câu kết giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp? Tại sao phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường và người dân địa phương thấy sự việc khai thác đá bạc trái phép rõ như ban ngày mà công an, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương lại không nhìn thấy?”.

“Trách nhiệm của những người đứng đầu chính quyền xã, huyện ở đâu. Họ ‘bận’ làm gì hay làm ngơ mà để doanh nghiệp khai thác trái phép rầm rộ từ đầu năm đến giờ không có biên bản cũng như thanh tra xử lý. Qua đây thấy rõ rằng chính quyền địa phương hết sức lơ là, không tham gia để phản ánh, xử lý vi phạm. Phải chăng cơ quan chức năng và doanh nghiệp ‘đi đêm’ với nhau để khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên của đất nước như vậy”, ĐBQH Phạm Văn Hòa đặt nghi vấn.

Vị này nhấn mạnh, việc khai thác đất nông nghiệp, lâm nghiệp đặc biệt là đất rừng, các ĐBQH đã có rất nhiều ý kiến. Bất cứ doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nào đó khai thác rừng trái phép đó là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm minh.

Trước đó, trả lời PV Tạp chí Kinh tế Môi trường, Đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận và đánh giá cao việc Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh về hoạt động khai thác đá bạc trái phép trên địa bàn huyện Kỳ Anh vừa qua. Sau khi đăng tải, Ban Giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh đã có chỉ đạo cơ quan điều tra truy vết ngay để xử lý.

“Tôi sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm, kể cả cán bộ, doanh nghiệp liên quan đến hành vi vi phạm. Với tư cách là Thường vụ Tỉnh ủy, tôi sẽ ý kiến đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước như xã, huyện liên quan đến địa bàn để xảy ra vi phạm”, Đại tá Lê Khắc Thuyết chia sẻ.

Theo quy định tại Điều 59, Điều 64, Điều 82 luật Khoáng sản 2010, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phải được đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Trường hợp các cá nhân, tổ chức khai thác trái phép khoáng sản sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

Hành vi khai thác đá bạc nếu tùy vào số lượng và giá trị của khoáng sản làm căn cứ để các cơ quan chức năng xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Căn cứ Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định việc xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị phạt tiền lên đến 1 tỉ đồng. Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng vào cuộc xác minh nếu có đủ căn cứ, có thể khởi tố vụ án hình sự theo Điều 227 Bộ luật Hình sự (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên) với khung hình phạt tiền tới 5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng tới 7 năm.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 227 Bộ luật Hình sự quy định, người nào vi phạm quy định về khai thác tài nguyên trong đất liền, nội thủy mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Thu lợi bất chính khoáng sản trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tại Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự cũng quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500 triệu đồng trở lên; khoáng sản trị giá 1 tỉ đồng trở lên.

Tác giả: Thùy An

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP