Quy định chặt chẽ, người thi hành đã thực sự mạnh tay?
Tại Điều 47, Nghị định số 36/2020/NĐ–CP quy định cụ thể: Đối với thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên – khoáng sản, mức xử phạt cao nhất lên đến 500.000.000 đồng.
Khoản 1, Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào vi phạm quy định về khai thác tài nguyên trong đất liền, nội thủy mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Thu lợi bất chính khoáng sản trị giá từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Tại Khoản 2, Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1,5-5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500 triệu đồng trở lên; khoáng sản trị giá 1 tỷ đồng trở lên.
Mặc dù, pháp luật đã có những quy định rất chặt chẽ, rõ ràng, song chính quyền, các cơ quan chức năng một số địa phương với vai trò thi hành pháp luật vẫn chưa thực sự mạnh tay.
|
Những tháng đầu năm mới 2021, Tòa soạn Sức khỏe & Môi trường liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng khai thác đất trái phép ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bắt đầu tái diễn ồ ạt trở lại. Riêng tại các xã: Sơn Lễ, Sơn Tây đã xuất hiện hàng chục chiếc xe tải và nhiều máy móc ra sức hoạt động hết công suất, băm nát những ngọn đồi trên địa bàn ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Ngay sau khi nhận được phản ánh từ người dân, phóng viên (PV) của Tòa soạn đã có mặt bám sát địa bàn trong nhiều ngày tại nhiều địa điểm khai thác đất trái phép của huyện Hương Sơn. Qua quá trình tìm hiểu, ghi nhận một số khu vực điển hình như: Km H6-765 xã Sơn Lễ và điểm khai thác tại khu vực đất quản lý của chùa Hương Sơn thuộc xã Sơn Tây (Hương Sơn), vấn nạn “đất tặc” khai thác tràn lan trong thời gian dài là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc cho người dân. Đáng nói, việc khai thác tràn lan, nham nhở trong thời gian dài như vậy lại không bị xử lý triệt để. Liệu rằng cơ quan chức năng địa phương huyện Hương Sơn có thờ ơ với thực trạng này?
Khai thác đất trái phép rầm rộ gây mất ATGT tại Km H6 -765 thuộc địa bàn xã Sơn Lễ (Hương Sơn). |
|
Tại các địa điểm khai thác lậu, sau khi “ăn đất”, hàng chục lượt xe tải hiên ngang chở ra ngoài, quy về một mối phục vụ việc san lấp mặt bằng của một công trình đang thi công tại thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ. Sự việc này diễn ra công khai trong thời gian dài, người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền nơi đây lại “như không biết”.
Điển hình, ngày 11/03/2021, theo ghi nhận của PV, trên trục đường mòn Hồ Chí Minh qua các xã Sơn Diệm, Sơn Quang cũng như xã Sơn Lễ, từng đoàn xe tải chở đầy ắp đất đổ về san lấp mặt bằng của công trình tại khu vực Thôn Khe Cò nằm trên địa bàn xã Sơn Lễ, che đậy một cách sơ sài, có dấu hiệu quá khổ, quá tải, phóng với tốc cao, rơi vãi dọc đường, đoàn xe nườm nượp “tung hoành” trên đường khiến cho các phương tiện khác gặp khó khăn khi lưu thông qua đây, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống. Đáng quan ngại là nơi đây luôn vắng bóng lực lượng chức năng xử lý.
Xe ra vào bãi đỗ tại thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ phóng nhanh vượt ẩu gây ô nhiễm môi trường mất an toàn giao thông. |
Một người dân bức xúc: “Xe chở đất qua đắp bên khu công nghiệp, gần khu vực cạnh cây xăng dầu số 52 chạy cự ly gần, nên có lúc phủ bạt, che chắn một cách sơ sài, bụi bay mù mịt. Họ làm, cơ quan nào cũng biết, nhưng lờ đi. Đất đắp ở mặt bằng đều lấy trái phép từ đó ra cả”.
|
Có hay không việc "liên hệ" giữa “đất tặc” và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng?
Khi xe của PV vừa vào đến điểm khai thác đất, ngay lập tức có một số người chặn xe để “mong giúp đỡ”. Trao đổi với chính quyền địa phương qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Duẩn - Chủ tịch UBND xã Sơn Lễ cho biết: “Chỗ đó dân làm, anh chia sẻ cho tí”. Khi PV muốn tìm hiểu sâu hơn thì vị chủ tịch này xin kiểm tra lại, nhưng sau đó thì không thể liên hệ lại được.
Trao đổi với ông Nguyễn Trường Giang– Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Sơn, vị này cho biết: “Hiện tôi chưa nắm được tình hình và sẽ cho xác minh, nếu đúng có thực trạng khai thác đất trái phép xảy ra, sẽ cho đình chỉ ngay”.
Điểm khai thác trái phép tại khu vực quản lý của chùa Hương Sơn thuộc địa bàn xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn |
Ngay sau khi phản ánh với chủ tịch UBND xã Sơn Lễ và Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Sơn, điện thoại của PV liên tục nhận được cuộc gọi từ những số lạ với gợi ý bất minh. Phải chăng, chính quyền huyện Hương Sơn và xã Sơn Lễ, xã Sơn Tây đang dung túng cho hành vi sai phạm này?
Người dân nơi đây đặt ra câu hỏi: Vì sao, thời gian qua, huyện Hương Sơn để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép mà lãnh đạo địa phương không quyết liệt xử lý? Vậy trách nhiệm của lãnh đạo địa phương như thế nào, liệu có “lợi ích nhóm” hoặc thế lực”chống lưng” nên “đất tặc” ở địa phương này mới ngang nhiên như vậy.
Nạn khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn huyện Hương Sơn đang diễn ra hết sức phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, gây mất trật tự cảnh quan, tác động tiêu cực đến môi trường sinh hoạt và sức khỏe người dân trên địa bàn. Các cơ quan chức năng của huyện Hương Sơn và tỉnh Hà Tĩnh cần sớm làm rõ, xử lý nghiêm các cá nhân, doanh nghiệp và một số địa phương đang cố tình vi phạm.
Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Tác giả: ĐẶNG ĐỨC - QUỐC KHÁNH - TRANG PHẠM
Nguồn tin: suckhoemoitruong.com.vn