Người đương thời

Hà Tĩnh: Lòng nhân ái của một nữ dân quân

Ở Hà Tĩnh thời đánh Mỹ có những bức ảnh tư liệu rất quý như ảnh:  “O du kích nhỏ dương cao súng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan, ảnh : “ Nữ anh hùng La Thị Tám đang quan sát máy bay Mỹ ở đồi 100 ngã ba Đồng Lộc” của Quang Hường. Song tấm ảnh : “ O du kích băng bó vết thương cứu sống tên giặc lái Mỹ” của phóng viên Từ là một thông điệp của lòng nhân đạo, nhân ái sâu sắc không phải dân tộc nào cũng có được.

qnhan

Đó là nữ y tá Trần Thị Sâm , sinh năm 1943, quê ở đội 9 xã Thạch Quý, huyện Thạch Hà, nay là thành phố Hà Tĩnh. Tuy thời xuân sắc đã qua do chiến tranh ác liệt và kế mưu sinh…trên khuôn mặt chị đã có nhiều nếp nhăn nhưng nét duyên quê hương đồng gió nội của cô gái Hà Tĩnh vẫn còn trong cốt cách. Câu chuyện chị kể say sưa đưa chúng tôi về với lịch sử của những năm tháng hào hùng. .. Chị Sâm thuộc người cùng thời với Nguyễn Thị Kim Lai ( người trong ảnh: O du kích nhỏ dương cao súng) nhưng khi còn đội mũ rơm ra trận địa cùng đoàn pháo cao xạ Bình Hà ở Cầu Đông, Cồn Gồ quê hương chị đi cắm lá ngụy trang. Chị đã sớm nhận thức được nhiệm vụ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam là “ Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Năm 1961 chị vào tự vệ của thị xã Hà Tĩnh. Ngày 5 / 8 / 1964 khi giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, quê chị có nhiều trận địa pháo cao xạ, 12, 7 ly, 14,5 ly. Chị và nhiều dân quân luôn có mặt tiếp lương tải đạn cho các trận địa pháo. Ngày 15 / 9 / 1972 chị Sâm đã thấy tận mắt các chiến sĩ phòng không bắn rơi chiếc máy bay Mỹ mang số hiệu IF37 trên bầu trời thị xã. Khi máy bay bốc cháy, tên phi công Mỹ đã kịp thời nhảy dù thoát khỏi khối lửa khổng lồ đang nhanh lao ra biển. Trên trời nhận được tín hiệu cấp cứu nhiều chiếc AD6 – F4H – Thủy phi cơ bay đến ứng cứu. Trên đầu chị Sâm một chiếc dù da cam và màu trắng đang xuống dần. Trong vòng đạn lửa địch bắn nghi binh loại đạn không sát thương để dọa dẫm và bảo vệ tên giặc lái. Kia rồi! Chị Sâm thấy tên phi công Mỹ ép bụng sát luống khoai, chị gọi nhanh 4 dân quân lúc ấy là Trương Quang Hiệp, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khân và Đặng Thanh An chạy đến ghì chặt 2 tay và 2 cẳng chân tên giặc lái lại. Chị Sâm còn tinh ý giật ngay chiếc bộ đàm nhỏ  để trong túi áo ngực nó nhấn xuống bùn nước để cắt liên lạc với máy bay đến cứu. Chị Sâm thấy trên đầu nó có nhiều vết thương chảy máu. Nó không nói gì chỉ ú ớ điều gì đó vì rất hoảng sợ bị đánh . Chị thấy thương hại tên giặc lái nên đã nhờ 2 dân quân kéo lê nó vào một hầm trú ẩn gần đó. Rồi chị đem bông băng cứu thương cho các trận địa pháo ta ra cấp cứu, băng bó, lau sạch mặt và vùng quanh vết thương cho nó. Hình ảnh đó được ghi lại bằng ống kính của một phóng viên quân đội nơi khói lửa ác liệt.

Có bà cụ ở thị xã đầu chít khăn tang vì bom Mỹ giết hại cả chồng lẫn con nhìn tên phi công bằng ánh mắt rực lửa căm hờn. Nhà chị Sâm cách đó mấy hôm em trai cũng bị chết vì bom , một cháu ruột bị thương nhưng chị đã bình tĩnh kiềm chế: “ Người chết đã chết, hắn cũng là nạn nhân là kẻ bị xô đẩy vào cuộc chiến phi nghĩa”. Chị Sâm nghĩ vậy. Bản tính nhân đạo của con người Việt Nam là thế: “ Lấy chí nhân thay cường bạo”, lấy ân trả oán là lẽ thường tình. Chị nhớ trong sử sách chép khi giặc đã đầu hàng về nước thì “ đường bộ ta cho lương thảo, cho ngựa, đường thủy thì ta cấp cho thuyền bè”. Trước cảnh giặc lái Mỹ vái lạy tha tội chết thì chị nỡ lòng nào không cứu giúp. Hành động của chị Sâm chắc suốt đời tên giặc lái Mỹ không bao giờ quên mà còn tuyên truyền trong nước Mỹ về chủ nghĩa nhân đạo của người Việt Nam, của một nữ dân quân thông minh, gan dạ, thảo hiền.

Nhớ lại cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, o du kích Trần Thị Sâm từ một dân quân địa phương đến năm 1965 gia nhập đội TNXP thuộc tổng đội 53 Hà Tĩnh. Năm 1967, chị Sâm về đội thanh niên quốc phòng tại K8 K10 thuộc ủy ban nhân dân Thạch Hà chuyên phục vụ đồng bào Trị Thiên – Huế tập kết ra bắc. Thời gian này ở cương vị y tá giao liên, chị Sâm đã cưu mang hàng trăm em nhỏ có nơi ăn ở tránh bom đạn Mỹ. Nhiều lần chị Sâm cùng anh Nguyễn Văn Khâm dân quân chuyển công lệnh chiến đấu trong mưa bom bão đạn ở Đồng Lộc, Thạch Ngọc, Thạch Điền…Lần đến cầu Nũi bị bom đánh sập, anh Khâm hi sinh, chị Sâm bị mảnh bom găm vào cột sống,hơn 30 năm chị vẫn bị di chứng đau đớn vì vết thương. Sau ngày thống nhất đất nước chị Sâm được chuyển về công tác tại UBND Thạch Hà và do sức khỏe chị nghi hưu ở tuổi 50, thương binh hạng 4/4. Do có nhiều công lao đóng góp chị Sâm được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng 3, huy hiệu bắt giặc lái Mỹ và nhiều bằng khen, giấy khen.

hh

Hôm chúng tôi ghé thăm chị Sâm đang điều trị cột sống tại nhà vì cột sống thoái hóa nên bệnh viện không còn phương cách điều trị cho chị. Chị lưu lại bức ảnh do một phóng viên quân đội tên là Từ chụp tặng chị sau khi đã đăng trên báo quân đội năm 1972. Sau “ Sự kiện 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” báo quân đội nhân dân đăng ảnh tên giặc lái Mỹ tên là ObriniKon được chị Sâm băng bó. Bức ảnh này được nhiều tổ chức chính trị -xã hội thành phố Hồ Chí Minh đấu giá làm quỹ từ thiện và lưu giữ tại bảo tàng quân đội.

Chia tay, chị Sâm còn kể ngày tên giặc lái bình phục chị nấu cho nó bát cơm trắng với xúp lẫn thịt và rau cải trắng mà nó nói là “ tôi cho nó ăn cỏ”. Chúng tôi không nhịn được cười. Khâm phục quá chị Sâm một nữ dân quân rất đáng khen ngợi một tấm lòng nhân ái, bao dung trước kẻ thù xâm lược đã gây ra bao nhiêu tang tóc đau thương cho nhân dân ta ./.

Thy Ngọc- Viết Tường

  Từ khóa: nữ dân quân , Lòng nhân ái

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP