Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Lãnh đạo thôn buộc dân đóng tiền mới được nhận hỗ trợ từ Formosa

Đó là chuyện đã xảy ra tại thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Thậm chí, có những hộ gia đình đóng tiền vẫn không được hưởng hỗ trợ sau sự cố môi trường biển Fomosa. Trưởng thôn "ra giá" rồi mới cho người dân kê khai thiệt hại.

Báo Nhà báo & Công luận nhận được đơn thư của ông Nguyễn Minh Đức, thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh về việc cán bộ thôn bắt dân đóng tiền để được nhận hỗ trợ sự cố môi trường biển Formosa.

Cụ thể trong đơn thư, ông Nguyễn Minh Đức nêu: Trưởng thôn Sơn Bằng là ông Nguyễn Trọng Đậu – Phó bí thư chi bộ, Phó thôn là ông Võ Trọng Đạt – Bí thư chi bộ. Hai ông Trưởng, Phó thôn này là Đại biểu HĐND xã. Năm 2016, khi Chính phủ hỗ trợ tiền cho người dân trong sự cố biển Fomosa thì hai ông Trưởng, Phó thôn Sơn Bằng đã "ra giá" từng định mức hỗ trợ đền bù của Chính phủ để bắt người dân phải nộp tiền rồi mới phát giấy kê khai cho họ.

Ông Đức đưa ra ví dụ: Định mức đền bù gọi là 1.1: được hỗ trợ 45.000.000 đồng (Bốn mươi lăm triệu đồng) thì bắt người dân đóng 10 triệu. Định mức đền bù gọi là 1.5: Được hỗ trợ 17.500.000 đồng thì bắt người dân đóng 3 – 5 triệu đồng . Hay định mức sinh kế được hỗ trợ 8.700.000 đồng thì bắt dân đóng 1-2 triệu đồng. Nếu người dân không đóng tiền thì không cho làm chế độ.

Tuy nhiên, không phải hộ nào đóng tiền cũng được nhận hỗ trợ; có những gia đình đã đóng tiền cho Trưởng, Phó thôn nhưng vẫn không được nhận tiền hỗ trợ.

Để tìm hiểu rõ hơn về đơn thư phản ánh của ông Nguyễn Minh Đức, PV báo Nhà báo & Công luận đã về thôn Sơn Bằng.

Qua tìm hiểu, PV được biết, sau khi nhận được đơn kiến nghị của người dân về tình trạng tham nhũng, nhận hối lộ... trong kê khai đền bù thiệt hại sự cố môi trường biển trên địa bàn thôn Sơn Bằng, Đảng ủy xã Thạch Kim đã ban hành Quyết định số 51- QĐ/ĐU về việc Thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Trọng Đậu – Phó Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng thôn Sơn Bằng bằng hình thức là cách chức Phó Bí thư chi bộ, chi ủy viên chi bộ Sơn Bằng.

Tuy nhiên, việc kỷ luật này không làm người dân Sơn Bằng an lòng.

Nói trong nước mắt, người phụ nữ nghèo Nguyễn Thị Cúc cho biết, lúc đầu chị đóng 1 triệu cho chế độ 1.5 tức 17.500.000 đồng nhưng họ chê ít. Sau đó chị mang 5.000.0000 đồng lên nhà ông Đạt (Võ Trọng Đạt, Phó thôn) ông Đạt hứa nếu không làm được chế độ cho chị thì sẽ trả lại số tiền trên, lúc này có cả người làm chứng. Tuy nhiên, sau khi không làm được chế độ cho chị Cúc, ông Đạt vẫn chưa chịu trả lại số tiền đó. Chị Cúc đã gửi đơn lên UBND xã, UBND huyện, Công an huyện... nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi.

Ông Nguyễn Văn Bé, một hộ nghèo ở xóm Sơn Bằng buồn bã: Tôi mang 3 triệu đến đóng cho ông Đậu (trưởng thôn) nhưng ông Đậu nói rằng chế độ 1.5 từ sự cố môi trường biển Formosa phải đóng 5 triệu, thế là tôi phải về nhà lấy thêm 2 triệu nữa. Tuy nhiên, sau đó tôi chỉ được hưởng 8.700.000 đồng (tám triệu bảy trăm nghìn đồng). Tôi đã nhiều lần đòi lại số tiền nhưng ông Đậu không trả.

Một phụ nữ khác ở thôn Sơn Bằng cho biết, bà đã đến nhà ông Nguyễn Trọng Đạt – Phó thôn để kê khai chế độ cho con mình và đóng 3 triệu vì ông Đạt nói rằng phải đóng tiền rồi mới được kê khai hồ sơ hưởng chế độ... Tuy nhiên, sau đó con bà đã không nhận được đền bù nhưng đến nay vẫn chưa được trả lại tiền.

Được biết, hai ông Trưởng, Phó thôn xã Sơn Bằng đã thu trên 60 triệu đồng của 14 hộ dân để làm hồ sơ “trọn gói” trong sự cố môi trường biển Formosa.

Trao đổi với Pv báo Nhà báo & Công luận về vấn đề này, luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng đại diện văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý cho biết, nếu Cơ quan cảnh sát điều tra chứng minh được Trưởng, Phó thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh nhận tiền của dân rồi mới lập hồ sơ trình các cơ quan có thẩm quyền cho họ được hưởng sự cố môi trưởng biển Formosa thì hai người này có thể bị xử lý vì lội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 355 Bộ luật hiện hành bởi lẽ, Trưởng thôn mặc dù là người do dân bầu ra , không giữ chức vụ trong bộ máy hành chính Nhà nước nhưng lại được UBND xã giao cho một số chức vụ, quyền hạn nhất định.

Trong vụ việc cụ thể này, trưởng thôn Sơn Bằng có trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ xin hưởng chính sách hỗ trợ của hộ dân trong sự cố môi trường biển Formosa để trình các cơ quan có thẩm quyền, nhưng họ đã lạm dụng trách nhiệm, nghĩa vụ được giao để lấy tiền của dân là trái pháp luật và phải bị xử lý. Với số tiền chiếm đoạt tài sản của các hộ dân trên 60 triệu đồng của nhiều người thì hai vị lãnh đạo thôn này có thể đối mặt với khung hình phạt trong Khoản 2, Điều 355 Bộ luật hình sự 2015.

Cụ thể tại Điều 355 tội Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản quy định như sau:

1. Người nào lạm dụng quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 triệu đồng (hai triệu đồng) đến dưới 100.000.000 triệu đồng (một trăm triệu đồng) hoặc dưới 2.000.000 triệu đồng (hai triệu đồng) thuộc các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a, Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b, Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục I chương này chưa được xóa tích mà còn vi phạm;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt từ từ 06 năm đến 13 năm:

a, Có tổ chức;

b, Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c, Phạm tội 02 lần trở lên;

Tác giả: Trần Anh

Nguồn tin: Congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP