Cần Giúp Đỡ

Hà Tĩnh: Hơn nửa đời người sống trong nghèo khó cùng người chồng điên

Chồng tâm thần, con cái bệnh tật, cuộc sống của người đàn bà ấy như trong ‘địa ngục trần gian’, bi ai, tuyệt vọng.

Sinh ra, lớn lên rồi lập gia đình ở dãi đất miền trung, quanh năm mưa bão, lũ lụt triền miên, đất đai cằn cỗi, chưa ngày nào chị Trần Thị Hường (ở Can Lộc, Hà Tĩnh), được yên giấc ngủ. Nỗi lo lắng về cuộc sống mưu sinh cũng như nỗi đau tức tửi về cuộc sống gia đình cứ canh cánh bên lòng người đàn bà đau khổ ấy.

Chị may mắn sinh được một gái, 3 trai, đứa lớn mới vào đại học, đứa nhỏ nhất cũng hơn 10 tuổi. Có chồng, có con, người ta cứ nghĩ rằng cuộc sống chị hạnh phúc lắm, dẫu có nghèo thì tình thương yêu, bao bọc lẫn nhau vẫn có thể vượt qua được tất cả. Thế nhưng, người ta đâu phải chị, đâu có thể hiểu được gánh nặng ngày một đè lên đôi vai gầy của người đàn bà mang đậm dáng vẻ của người phụ nữ lam lũ miền Trung.

Cả 4 người con của chị, chỉ may mắn có mỗi một người con trai thứ 2 là không bệnh tật gì. Đứa con gái đầu thì bị vảy nến suốt nhiều năm qua. Bé Hữu Vương (11 tuổi),  từ ngày lột lòng đã bị bại não, không thể nói, nghe, không thể ăn uống, đi lại được, cuộc sống của em chỉ vò võ trên đôi tay của mẹ. Bé trai út của chị cũng bị còi xương, suy dinh dưỡng.

Nỗi đau lại chồng chất thêm nỗi dau, khi người chồng trụ cột trong gia đình cũng mắc bệnh tâm thần. Sau hơn 8 năm chung sống, chồng chị trở nên lẫn thẫn, thường xuyên đánh đập, chửi mắng vợ con. Nhớ lại những tháng ngày bị chồng đánh mắng, chị khóc nức nở: “ Mỗi khi phát bệnh là ông ấy lại cắt hết quần áo của vợ con, bát đũa đập hết không trừ một thứ gì”.

Hon nua doi nguoi song trong ngheo kho cung nguoi chong dien
Chị Hường cùng 2 con những ngày đi trị bệnh tại Hà Nội. Ảnh Lương Lan

Hoàn cảnh khó khăn, con cái bệnh tật nhưng kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng. Ngày ngày chị đạp xe vừa đi bán rau vừa  buôn đồng nát gom nhặt từng hào tiền lẻ để chữa bệnh cho chồng và ba đứa con.

Một mình gồng gánh nuôi 5 miệng ăn lại phải gom tiền đi chữa bệnh cho các con, nhiều đêm chị chỉ biết ôm con mà khóc, cũng vì khóc nhiều quá khiến mắt chị mờ đục. Cầm quyển số khám bệnh của con nhưng chị phải ghé sát mắt mới đọc nổi dòng chữ “ Sổ khám chữa bệnh”.

Mắt kém, chồng con lại bệnh tật chị không thể làm những công việc có thu nhập cao hơn, chỉ quanh quẩn vài sào ruộng, tranh thủ  buôn đồng nát kiếm thêm vài dồng tiền lẻ .

Tòan bộ chi phí học hành của các con, chị phải vay mượn khắp nơi: “ Vay nhà nước 20 triệu, mỗi tháng chịu lãi 130.000 đồng, nhưng không có tiền, tôi lại phải vay ông trưởng xóm trả lãi. Quần áo, sách vở đi học của các con đều xin của hàng xóm, hàng ngày chỉ biết nuốt rau muống cho qua bữa”, chị nức nở.

Khó khăn là vậy, thế mà hàng tháng chị phải đưa bé Vương bị bại não ra Bệnh viện Nhi Trung ương để khám, chữa bệnh định kỳ. Vượt quảng đường hơn 340km từ Hà Tĩnh ra Hà Nôi chữa bệnh cho con.

Bé Vương có khuôn mặt tuấn tú, đôi mắt đen sáng nhưng ngay từ khi lọt lòng đã bị bệnh não, chỉ biết nằm một chỗ, dù đã hơn 10 tuổi nhưng chỉ biết ú ớ, đôi chân  nhỏ xíu, cứ dơ ngược lên, hai tay ghì chắc lấy mẹ, không chịu rời nửa bước.

“Cứ lên cơn đau cháu lại quần quại, đập đầu vào giường, tay cào vào mặt, khóc lóc cả đêm, lúc nào tôi cũng bồng ngữa như trẻ mới lọt lòng”, chị nghẹn ngào.

Hành trang đi chữa cho còn ngoài dăm trăm nghìn, còn có vài con cá khô được gõi sẵn từ trong quê ra. Mỗi bữa ăn chỉ chỉ dám ăn một chút rồi lại gói ghém lại để dành cho buổi chiều.

Trên gương mặt nhăn nheo, chan chứa nước mắt của chị lộ rõ những lo âu “Giờ mắt mũi kém, sức lực héo mòn không biết có sống nổi để nuôi các con được nữa không!”.

Lương Lan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP