Người đương thời

Hà Tĩnh: Hai anh em ruột tổ chức đám cưới trong cùng một ngày

Đó là lễ cưới rất đặc biệt của hai anh em trai Nguyễn Bảo Trung (SN 1990) và Nguyễn Bảo Nhật (SN 1992), trú tại thôn Hà Chua, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

hatinh24h 01

Hôn lễ của hai anh em Trung và Nhật được tổ chức vào ngày hôm qua (23/9) tức ngày 11/8 năm Ất Mùi. Hôm đó, ngày vui của hai anh em náo nhiệt hẳn lên khi ngoài sự chứng kiến của gia đình, người thân, bạn bè và hàng xóm còn có rất nhiều người dân tới xem. Bởi đây là một đám cưới đặc biệt nhất từ trước đến nay mà mọi người được biết.

Nhiều cụ ông, cụ bà cho biết, đây là lần đầu tiên trong đời họ tham dự một đám cưới “lạ lùng” như thế. Nhớ lại cảnh ngồi trong nhà ngó ra đám cưới của hai anh em Trung, Nhật, cụ bà Phan Thị Thuần (75 tuổi) móm mém cười: “Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi mới thấy được một đám cưới chung như thế này, thấy vui trong người lắm”.

Hà Tĩnh: Hy hữu đám cưới của hai anh em ruột trong cùng một ngày - Ảnh 1

Tấm thiếp mời “đặc biệt” của hai anh em Bảo Trung, Bảo Nhật.

Trong khi đó, người dân trong thôn cũng háo hức chờ đón đến giờ phút long trọng đón hai cô dâu về chung một nhà trong cùng một ngày. Những người thân dự đám cưới cũng không giấu được niềm vui, xúc động khi được chứng kiến ngày cưới “đặc biệt” này.

Ông Nguyễn Nhật Tiến (53 tuổi), chú ruột của hai chú rể xúc động tâm sự: “Hai cháu nó (Trung và Nhật – PV) chịu thiệt thòi từ bé. Bố mẹ bỏ nhau khi Trung lên 4 và Nhật chỉ mới 2 tuổi. Một đứa ở với bố, một đứa tôi nuôi. Đến sau này, khi bố nó đi bước nữa, mẹ kế bọn trẻ rất tốt nên mới bàn bố nó đón hai anh em về ở cùng nhau. Bởi vậy từ nhỏ hai anh em nó đã thương nhau lắm”.

“Gia đình bố mẹ nó cũng vất vả lại cùng lúc hai cháu đến tuổi muốn kết hôn. Vì thế, gia đình đã bàn bạc và đưa đến quyết định sẽ tổ chức cho hai cháu trong cùng một ngày, vừa ấm cúng lại vừa tiết kiệm được rất nhiều chi phí”, bác Tiến chia sẻ thêm.

Hà Tĩnh: Hy hữu đám cưới của hai anh em ruột trong cùng một ngày - Ảnh 2

Hôn trường đã chuẩn bị sẵn sàng để đón hai cô dâu về chung một mái nhà.

Được biết, 4 năm sau ngày ly hôn vợ, anh Nguyễn Thanh Quốc (SN 1962, bố của hai em Trung và Nhật) đã đi bước nữa với chị Trần Thị Nga (SN 1956) và cùng nhau chăm sóc hai con.

Dân gian có câu “Ai đời bánh đúc có xương/Ai đời gì ghẻ lại thương con chồng”, thế nhưng trái ngược với câu nói ấy, chị Nga đã luôn yêu thương và chăm sóc hai anh em Trung và Nhật. Suốt 18 năm làm vợ, làm mẹ, chị Nga chưa một lần phân biệt đối xử, mà ngược lại chị còn xem Trung và Nhật như con đẻ, lo lắng, chăm sóc cho Trung và Nhật nên người. Xuất phát từ tấm lòng yêu thương đó của chị Nga mà cả Trung và Nhật từ nhỏ đến nay vẫn luôn gọi chị là Mẹ.

Bà Phan Thị Huyền (SN 1973), trú cùng thôn cho biết: “Là một người mẹ kế như chị Nga quả thật rất hiếm. Tôi ở sát vách cạnh nhà nên rất rõ nó (chị Nga – PV) đối xử với hai anh em Trung và Nhật như thế nào. Bởi thế mà hai đứa nó thương mẹ Nga lắm. Hôm chứng kiến đám cưới của chúng, tôi rất xúc động”.

Trong tiếng nhạc rộn ràng của lễ cưới, nhìn nét mặt cô dâu chú rể rạng rỡ, tươi cười trong tấm ảnh cưới treo trước cổng hôn trường, dưới bàn tiệc chị Nga đang rón rén lau vội những giọt nước mắt hạnh phúc đang chực chảy xuống nơi khoé mắt. Từ đây, gia đình chị sẽ có thêm hai người con về chung sống trong niềm hạnh phúc.

Ông Cao Văn Đức, phó Chủ tịch xã Sơn Tây cho biết: “Với xu hướng xã hội phát triển như bây giờ, đâu đâu chúng ta cũng bắt gặp những buổi tiệc sang trọng, những đám cưới được tổ chức linh đình, hoành tráng… Thế nhưng, đối với tôi, hôm được chứng kiến những nụ cười, những giọt nước mắt hạnh phúc của gia đình anh Nguyễn Thanh Quốc. Tôi biết đây chính là bữa tiệc sang trọng nhất mà từ trước đến nay tôi được tham dự”.

“Đây là một đám cưới thực hiện được công tác nếp sống văn hoá, văn minh, tiết kiệm, ấm cúng. Người dân tại địa phương nên học tập và phát huy”, ông Đức nhấn mạnh.

NGÂN HÀ /ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP