“Được hưởng lợi đầu tiên là người dân”
Chúng tôi về xã Thường Nga, huyện Can Lộc vào một ngày cuối tháng 7 khi cả nước nói chung và huyện Can Lộc nói riêng đang long trọng chuẩn bị cho ngày lễ đền ơn đáp nghĩa thương binh liệt sỹ 27/7.
Trong những câu chuyện kể với chúng tôi, ngoài những suy tư, trầm lắng khi nói về những sự kiện liên quan đến ngày lễ ý nghĩa này, nhiều người dân cũng không khỏi băn khoăn, tâm sự về những khoản đóng góp, khoản thu của xã và thôn làm xôn xao dư luận thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Như Cầu, thôn Đông Nam, xã Thường Nga, cho biết, việc đóng góp để xây dựng NTM là chủ trương chính sách đúng đắn, được người dân chúng tôi nhất trí cao. |
Ông Nguyễn Như Cầu, thôn Đông Nam, xã Thường Nga, cho biết: “Hầu hết người dân chúng tôi thấy việc đóng góp để xây dựng NTM là chủ trương chính sách đúng đắn, được chúng tôi nhất trí. Chú thấy đó đường sá, cầu cống được như bây giờ là nhờ chủ trương, chính sách, nhờ nhân dân đóng nạp mới có được như như ngày hôm nay.
So với trước đây, hệ thống đường kênh mương nội đồng cho đến giao thông nông thôn, nhà văn hoá nay đã khang trang sạch đẹp, bộ mặt làng đã thay đổi rất nhiều. Người hưởng lợi đầu tiên đó là người dân chúng tôi. Không những thế để đưa ra các khoản đóng góp chúng tôi đều được thông qua chủ trương, đi đến biểu quyết thống nhất mới đóng nộp…”.
Chị Trần Thị Thành, xóm Đông Nam, cũng tại xã Thường Nga, thuộc diện hộ nghèo chia sẻ: Chị đã được hưởng các chính sách hộ nghèo, các khoản đóng góp khác thì gia đình chị cũng sẽ đóng như các hộ khác để góp sức tham gia xây dựng NTM. Và theo theo báo cáo của UBND xã Thường Nga, số tiền 1,6 triệu năm nay chị nộp là số tiền nợ của nhiều năm dồn lại. Trong năm 2015, hộ chị Thành đã nộp số tiền hơn 200 nghìn đồng cho xã xây dựng NTM.
Hệ thống đường giao thông nông thôn ở thôn Đông Nam, xã thường Nga được được mở rộng thông thoáng. |
Ông Ngô Nuôi – Thôn Trưởng thôn Đông Nam cho biết: “Xây dựng Nông thôn mới, nhất là trong việc làm đường và mương cần phải có sự đóng góp của dân. Thu khoản gì, đóng góp khoản gì chúng tôi cũng đưa ra chi bộ, họp thôn bàn bạc. Nếu dân thống nhất thì chúng tôi mới thu.
Chúng tôi không bắt ép, tận thu của ai. Các chú thấy đó, cách đây mấy năm về trước đường sá lầy lội, mương máng dẫn nước không đảm bảo…Bây giờ nhìn đâu cũng bê tông hoá sạch đẹp đời sống của người dân chúng tôi được nâng lên, ai cũng vui mừng. Đó chính là nhờ chương trình xây dựng NTM nên mới được như vậy…”.
“Không tránh khỏi sai sót”
Trao đổi về vấn đề vận động đóng góp xây dựng NTM ở địa phương với ông Đường Trọng Hữu – Chủ tịch UBND xã Thường Nga, ông Hữu cho biết: “Xã Thường Nga là một xã nghèo miền núi, trong những năm qua, xã đã có rất nhiều cố gắng để tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay, xã đã vận động các nguồn vốn lồng ghép hơn 23,8 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng. Năm 2005, xã đã xây dựng phương án huy động từ nhân dân số tiền 756 triệu đồng để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất; trung bình vận động mỗi hộ 652 nghìn đồng.
Để xây dựng phương án thu, UBND xã đã có “Kế hoạch dự trù khối lượng làm đường, mương năm 2015 trình cử tri” ngày 20.12.2014. Sau khi được cử tri bàn bạc, thống nhất, HĐND xã Thường Nga đã ban hành Nghị quyết số 47 ngày 09.01.2015 về xây dựng cơ bản và dự toán ngân sách năm 2015, đồng ý với mức vận động nói trên. Sau đó, UBND xã đã triển khai phổ biến kế hoạch thu vào sau vụ thu hoạch lúa Hè thu. Đến nay, toàn bộ số tiền thu đã nộp vào kho bạc theo quy định.
Ông Đường Trọng Hữu, Chủ tịch UBND xã Thường Nga trao đổi với PV Tầm nhìn về những nội dung mà các thông tin phản ánh xã đã “lạm thu” trong xây dựng NTM. |
“Các khoản thu của xã chúng tôi đều thực hiện theo quy định, với mục đích đầu tư các công trình hạ tầng, phúc lợi phục vụ nhân dân”, ông Hữu cho biết.
Về khoản “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất” mà gần đây dư luận xôn xao, ông Hữu cho biết đã được các cử tri thống nhất vận động thu theo đầu sào, vì vậy có người hiểu đây là thu thuế nông nghiệp. Thực chất đây là khoản huy động đóng góp của dân để xây dựng NTM.
Sau khi Ban Tài chính xã thực hiện kế hoạch về thu chi ngân sách và các loại quỹ hàng năm được HĐND xã thống nhất, ban hành nghị quyết UBND xã lập kế hoạch triển khai thực hiện, xã đã tổ chức từng thôn họp thông qua nhân dân bàn bạc quyết định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không tránh khỏi mắc một số sai sót. Có thể trong quá trình vận động tuyên truyền, một số cán bộ chuyên môn, cán bộ chỉ đạo thôn xóm chưa giải thích đầy đủ thấu đáo để mọi người dân hiểu rõ về mục đích cũng như nội dung trong việc huy động đóng góp của nhân dân. Mặt khác ý thức tham gia các cuộc họp của người dân chưa đầy đủ( họp chỉ mang tính đại diện hộ gia đình). Vì thế khi hỏi thì người dân trả lời là không biết và nếu có biết thì thông tin cũng thiếu chính xác…nhất là một số hộ dân không đi họp thôn.
Câu hỏi đặt ra là, việc đặt tên là “Quỹ giao thông, thuỷ lợi phục vụ sản xuất” quỹ này là đúng hay sai?
Theo tìm hiểu của PV, trong quy định không có quỹ Giao thông, Tthủy lợi phục vụ sản xuất. Thực chất quỹ này ở xã Thường Nga chính là các khoản đóng nộp của người dân về xây dựng các công trình giao thông, sửa chữa các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất (ngoài tiền tiền nước thuỷ lợi phí mà nhà nước hỗ trợ). Quỹ này chưa có tên trong các mục thu, và chính việc thu theo loại đất, năng suất cây trồng dẫn đến cơ quan báo chí và nhiều người nghĩ sai là thu thuế đất nông nghiệp.
Tuy nhiên có thể thấy việc xã Thường Nga thu theo đầu sào, theo khẩu có ruộng, nên kể cả hộ nghèo có ruộng đều thu là chưa đúng với chính sách xã hội của nhà nước hiện nay.
Đưa các vấn đề trên trao đổi với ông Võ Hữu Hào, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, qua trao đổi ông Hào cho biết: “Chủ trương xây dựng nông thôn mới huy động các nguồn vốn xã hội và sự đóng góp của dân để phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều địa phương ở Can Lộc, do đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên nguồn vốn huy động từ nhân dân chiếm tỷ lệ thấp, như ở Thường Nga là 3,03%, ở Kim Lộc là 13,3%, riêng xã Thanh Lộc đã hoàn thành 19 tiêu chí nên năm 2015 không huy động đóng góp. Việc vận động đóng góp cơ bản đúng quy trình, được nhân dân đồng thuận, tiền thu được sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn một số hạn chế, bất cập nhất định, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương khắc phục, chấn chỉnh”.
Chị Trần Thị Thành cũng tại thôn Đông Nam, khẳng định, tôi là hộ nghèo, đã được hưởng các chính sách của hộ nghèo, các khoản đóng góp khác thì tôi nghĩ cũng phải đóng như các hộ khác. |
Để làm rõ hơn vấn đề, ngày 27/7, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Lạc – Trưởng Ban kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Lạc cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, trong những năm vừa qua Hà Tĩnh đã rất nỗ lực và đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu điển hình của cả nước trong xây dựng NTM. Theo chủ trương của Thủ tướng chính phủ về xây dựng NTM là thực hiện theo công thức 4-3-2-1, tức là người dân phải đóng góp một phần trong xây dựng NTM và xác định rằng xây dựng NTM là lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể chính. Nhưng trong thực tế, so với những gì đã và đang xây dựng thì mức đóng góp của người dân trên cả địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung và huyện Can Lộc nói riêng là còn thấp so với tỷ lệ một trong công thức 4-3-2-1.
Mặc dù vậy, cũng không thể tránh khỏi những nơi này, nơi khác, có những cái chưa thật sự chính xác, đúng đắn trong các khoản thu. Sắp tới chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ trên địa bàn Hà Tĩnh để điều chỉnh những khoản thu chưa phù hợp”.
Trước đó, trong một chuyến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đã phát biểu, bỏ tiền ra cho tỉnh Hà Tĩnh rất đáng “đồng tiền bát gạo”.
Thực sự, trong những năm vừa qua Hà Tĩnh đã trở thành một điển hình tiên tiến của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đảm bảo ba tiêu chí: Nông thôn – Nông nghiệp – Nông dân, trong đó người nông dân được xác định là chủ thể. Từ đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Mặc dù vậy, chắc chắn cũng không thể không tránh khỏi những hạn chế và sơ suất trong quá trình thực hiện.
Nhóm PV/ Tầm Nhìn