Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh: Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia bị “bức tử”

Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đền Chợ Củi thờ Thánh Mẫu Linh Từ và ông Hoàng Mười ở Hà Tĩnh, là địa chỉ tâm linh nổi tiếng cả nước, thu hút khách thập phương. Hiện nay, do tác động của nhiều yếu tố, công trình đã xuống cấp nên việc tu bổ, tôn tạo là cần thiết. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm chính là việc phế cũ xây mới mà BQL dự án “tu bổ, tôn tạo di tích đền Chợ Củi” đang làm không những đang phá vỡ không gian văn hoá cổ mà còn làm mất hết giá trị văn hoá – lịch sử gốc của di tích.

hatinh24h 01
Gỗ sau khi hạ giải không có dấu hiệu được bảo quản để tái sử dụng

Còn đâu dấu xưa?

Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đền Chợ Củi nằm dưới chân núi Ngũ Mã, bên bờ sông Lam, thuộc xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng từ thời Lê sơ. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính, được xây dựng theo kiến trúc tam tòa, mỗi tòa ba gian. Các tòa thống nhất liên kết với nhau và bố trí thành các cụm thờ, thờ Tam tòa Thánh Mẫu, tiếp đến là Ngũ Vị Tôn Ông, sau đó là cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười rồi cung Đức thánh Trần Triều. Mặt tiền hạ điện của ngôi đền có hai tầng mái trông bề thế nhưng vẫn toát lên vẻ thanh thoát, trầm mặc, uy nghiêm.

Tại Quyết định số 1177/QĐ-UBND ngày 28/4/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt “Đề án quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích đền Chợ Củi có nội dung: Giao cho gia đình thủ nhang huy động nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn công đức để triển khai tu bổ, tôn tạo di tích. Sau khi hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, gia đình thủ nhang đã tiến hành triển khai dự án giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư trên 12 tỷ đồng.

Việc tu bổ, tôn tạo di tích đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, người đảm nhiệm công việc tu bổ, tôn tạo phải lĩnh hội đầy đủ các yếu tố: Lịch sử và khảo cổ học, văn hóa và mỹ thuật, kiến trúc. Tuy nhiên, điều này không xuất hiện trong dự án tu bổ, tôn tạo đền Chợ Củi. Theo tài liệu mà chúng tôi tiếp cận được từ Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh thì đã có hội đồng thẩm định của Bộ VH-TT&DL trước khi tiến hành hạ giải một số hạng mục của đền. Và, đó cũng là cơ sở pháp lý mà BQL dự án vin vào để khẳng định rằng việc hạ giải và phế cũ, xây mới là đúng.


Đền cũ hạ giải được sắp thành đống


Sau khi hạ giải được vứt ngổn ngang

Theo quan sát của chúng tôi, tại đền Chợ Củi, toàn bộ gỗ được dỡ xuống từ đền cũ đã được sắp thành đống dưới đất không có dấu hiệu được bảo quản để tái sử dụng. Được biết, toàn bộ kiến trúc đền được làm mới vì chỉ tận dụng được 03 cột từ đền cũ, còn lại bị “thông tâm” hết nên vứt bỏ. Đền mới được dựng lên với thiết kế thay đổi như: nâng chiều cao lên 65 cm, chân cột được kê cao bằng trụ xi măng nhìn rất “hiện đại”. Rất nhiều cấu kiện kiến trúc và điêu khắc cũ còn tốt nhưng đã bị loại bỏ mà không tái sử dụng. Trong khi đó tại điểm a mục 1 Điều 34 Luật Di sản văn hóa sửa đổi về việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nêu rõ: Phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích. Vậy, phải chăng Bộ VH-TT&DL đã vẽ vòng và tự giẫm vòng?

Không chỉ có thế, khuôn viên bên trái đền bị phá bỏ, xây mới toàn bộ, cây cối bị chặt bớt cho thoáng đãng, các dây leo, rêu phong trên bức tường đền cũ đã hoàn toàn biến mất. Chỉ quan sát một chút cũng có thể thấy được rằng, khi dự án hoàn thành, khu vực đền vốn yên bình núp dưới những tán cây sẽ biến thành quang cảnh của một dãy hành lang được xây tường rào bằng bê tông kiên cố. Một người trong Ban quản lý đền tự hào khoe “mở rộng như thế này đẹp quá chi nựa, bà con khỏi chật chội chen lấn nhau khi thắp hương”.

Cần trả lại các yếu tố gốc cấu thành di tích đền Chợ Củi

Trước thực trạng tu bổ, tôn tạo đền chợ Củi, anh Công – một du khách đến từ Nghệ An chia sẻ: “Lâu lắm tôi mới trở lại đền Chợ Củi, thú thật là tôi rất ngạc nhiên về sự thay đổi hiện nay. Nhìn những cột, kèo cũ bị hạ xuống đổ đống, vứt ngổn ngang giữa lối đi tự dưng cảm giác linh thiêng về ngôi đền không còn nữa”.


Đền được dựng lại mới hoàn toàn, nâng chiều cao 65 cm

Đem những trăn trở về sự “làm mới” di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tại đền Chợ Củi chia sẻ với nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh, sau khi xem xong các bức ảnh ông không những không tỏ ra ngạc nhiên mà còn coi đó như là sự đương nhiên “phá hoại”: “Hà Tĩnh có chi nựa mô o, như đình Hội Thống (thế kỷ XVII), chùa Hương Tích còn phá đi làm lại, thậm chí các bức tượng còn được thay mới “sơn son thiếp vàng” cho hiện đại thì việc làm mới đền Chợ Củi đã được những nhà quản lý đầu ngành về văn hóa cho chủ trương thì có gì phải băn khoăn”.

Ông còn nói thêm: “O viết thì theo Luật Di sản văn hóa mà viết chứ các nhà quản lý giờ cứ ban hành văn bản sau chồng lên văn bản trước, thậm chí cứ phê duyệt hết quy hoạch này, đề án nọ nhưng quên áp dụng Luật đã ban hành trước đó. Hà Tĩnh nổi tiếng với các di tích lịch sử, văn hóa nhưng giờ chỉ còn lại Chùa Am (thế kỷ XX) là còn giữ lại được dáng dấp cổ kính, mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng làm từng phần, từng hạng mục nên nét cổ xưa vẫn còn lưu giữ được”.

Để không làm mất đi những giá trị cổ, người làm công tác bảo tồn phải có kiến thức, sự hiểu biết sâu rộng và kỹ năng làm nghề tốt. Nếu đội ngũ thi công không được trang bị kiến thức cơ bản, không hiểu về nghề bảo tồn thì càng đầu tư sẽ càng “giết” di tích.

Việc tu bổ, tôn tạo di tích, đơn vị thi công phải bảo tồn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, đảm bảo sự bền vững lâu dài cho di tích sau khi được tu bổ. Thế nhưng hiện nay, việc trùng tu tôn tạo di tích đang thiếu các chuyên gia đầu ngành, thiếu nguồn nhân lực trong công tác trùng tu, tôn tạo nên hầu hết các nét cổ xưa bị dỡ bỏ mà thay vào đó là những chạm trổ được vi tính hóa, hoặc màu sơn lòe loẹt mất đi tính uy nghiêm, trầm mặc vốn có. Đền Chợ Củi là một ví dụ điển hình về sự “làm mới” đau lòng của ngành di sản.

Tình trạng hàng loạt dấu tích cổ biến mất, không gian văn hoá cổ bị phá vỡ ồ ạt như hiện nay đòi hỏi chúng ta cần giữ lại “hồn việt” trước khi quá muộn. Lấy ví dụ cho sự lai căng này, một KTS (xin giấu tên) chia sẻ: “Đền cấp quốc gia về kiến trúc nghệ thuật mà sau khi trùng tu bỏ hết kiến trúc cổ, bỏ hết thiết kế ban đầu mà khoác cho nó một diện mạo mới thì chắc hẳn sau khi tôn tạo, tu bổ nên đề xuất thay lại giấy chứng nhận di tích cho phù hợp. Cũng như chúng ta cứ có thói quen làm lễ cầu yên, giải hạn đầu năm nhưng không mời thầy chùa mà đi mời thầy lang…”.

Tu bổ, tôn tạo di tích là việc làm cần thiết, nhất là đối với những di tích được xây dựng bằng vật liệu gỗ. Tuy vậy, việc tu bổ, tôn tạo cũng cần tuân theo Luật Di sản văn hóa, cần giữ lại yếu tố gốc của di tích. Và, một ngôi đền thiêng như đền Chợ Củi lại càng cần được gìn giữ những giá trị văn hoá, nghệ thuật ban đầu.

Tuyết Mây / Xây Dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP