Họ, người thì bỏ mạng, người tàn tật… Hệ lụy là thế, nhưng vì mưu sinh chẳng ai chùn chân!
1. Từ năm 1990, khi nghề lặn bắt đầu khởi phát tại Cẩm Lĩnh, đến nay, hầu như năm nào người dân nơi đây cũng phải đón nhận hung tin. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã có hơn 30 đàn ông – những trụ cột của gia đình đã phải bỏ mạng giữa đại dương và khoảng 50 người chịu cảnh tàn phế suốt đời.
Đã hơn 3 tháng trôi qua nhưng người dân Cẩm Lĩnh vẫn còn xót xa khi nhắc đến cái chết của 2 anh Trần Văn Thạo (SN 1992) và Phạm Đình Kiên (SN 1996) ở thôn 3. Theo những người làng đi “lơ” thuyền đã mấy năm nay nhưng Thạo và Kiên đã phải bỏ mạng giữa biển khi mới chính thức làm nghề lặn chưa đầy 1 tháng. Khi đã dày công học hỏi được những kỹ năng và kinh nghiệm lặn biển, Thạo và Kiên tưởng như chạm đến giấc mơ về cuộc sống gia đình êm ấm trong tương lai. Thế nhưng, tai ương không chọn người, thể trạng không tốt đã khiến 2 chàng trai miền biển không chịu được sức ép của nước đã nhanh chóng ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Giờ đây, thay cho niềm hạnh phúc đón con ngày trở về là nỗi đau đớn khôn nguôi của các bậc sinh thành.
Không phải đến bây giờ, mà từ hàng chục năm trước, nỗi đau này đã hiện hữu ở miền quê nghèo Cẩm Lĩnh. Kể từ sau cái chết đầu tiên của anh Phạm Trung Dũng vào năm 1998, đến nay đã có nhiều câu chuyện đau thương về “sinh nghề tử nghiệp”. Đau xót nhất có lẽ là cái chết của 2 anh em ruột Đặng Văn Thân (SN 1979) và Đặng Văn Thiết (SN 1983). Khi người em mới mãn tang thì người thân lại phải đau đớn thêm lần nữa khi nhận được tin về cái chết của người anh. Tưởng như mối nguy hiểm ấy sẽ là điều khiến những người đàn ông Cẩm Lĩnh chùn chân với nghề lặn nhưng những khó khăn trong đời sống đã khiến họ không còn sự lựa chọn nào khác. Đời thợ lặn là vậy, mỗi ngày luôn cần mẫn như những con còng biển, nhưng lưỡi hái tử thần cũng luôn rình rập bên người, chỉ cần sơ suất một tí là mất mạng như chơi.
Thợ lặn nghiệp dư chỉ được trang bị thiết bị thô sơ như thế này. Ảnh: AH
2. Không chỉ có cái chết, nỗi đau từ nghề lặn còn đeo bám đời sống của những người “ăn cơm dương gian, làm việc thủy phủ” trong những bước chân tập tễnh, thậm chí nhiều người phải nằm một chỗ suốt đời. Thuộc thế hệ đầu tiên theo nghiệp lặn của làng, may mắn đã không mỉm cười với anh Nguyễn Văn Doãn (thôn 2) khi trở về với tấm thân tàn phế. Nằm một chỗ 16 năm nay, mỗi lần nhắc đến chuyện đi lặn, anh lại ngậm ngùi: “Giá như ngày đó tôi không liều mình xuống biển khi sức khỏe không đảm bảo thì cuộc đời tôi không rơi vào hoàn cảnh đắng cay này”.
Thực tế thì thợ lặn thủ công không chỉ rơi vào hoàn cảnh tàn phế khi sức khỏe không đảm bảo mà ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sức ép của nước khi họ chỉ được chủ thuyền trang bị cho một số dụng cụ thô sơ như ống thở và chì. Hơn nữa, thợ lặn thủ công thường phải làm việc quá sức khi mỗi ngày họ phải lặn tới 6-7 tiếng thay vì chỉ 30 phút đến 1 tiếng như thợ lặn chuyên nghiệp. Và khi nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đè nặng, không ít thợ lặn bất chấp thời tiết cũng như tình trạng sức khỏe để liều mình xuống đáy đại dương. Thậm chí, một số người đã bị tàn tật nhưng đời sống kinh tế quá khó khăn lại khiến họ tập tễnh theo bạn bè ra biển, kẻ bị nặng thì làm lơ thuyền, người bị nhẹ vẫn tiếp tục lặn. Chính vì thế, hệ lụy từ nghề lặn chưa bao giờ kết thúc trong đời sống người dân Cẩm Lĩnh.
Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có hơn 500 người theo nghề lặn, chủ yếu tập trung ở thôn 1, 2, 7, 3 và 6. Trong số đó có nhiều người thực sự đổi đời từ nghề lặn nhưng cũng không ít gia đình lâm vào hoàn cảnh trớ trêu. Sớm rơi vào cảnh góa bụa do nghề lặn cướp đi người thương yêu, chị Trần Thị Hoàng (thôn 1) phải tính đến chuyện gửi lại 3 đứa con thơ dại để vào Nam kiếm sống nhưng do con cái ốm đau liên miên nên chị không đành lòng ra đi. Giờ đây, cuộc sống của 4 mẹ con chị Hoàng rất bấp bênh, chủ yếu trông chờ vào sự trợ giúp của họ hàng và bà con lối xóm. Đêm đêm, trong căn nhà trống vắng, nỗi niềm của người góa phụ cứ nức nở, trào dâng…!
Không rơi vào hoàn cảnh góa bụa nhưng chị Trần Thị Loan (thôn 2) cũng đã bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình khi người chồng trở về với đôi chân bị bại liệt. Chị Loan cho biết: “Gia đình tôi có 4 người nhưng chỉ được cấp 2 sào ruộng, đất lại chua phèn nên dù cố công chăm bón thì vẫn thiếu đói quanh năm. Khi thấy người làng đi lặn, chồng tôi cũng theo. Những tưởng cuộc sống sẽ đỡ hơn, nào ngờ số phận nghiệt ngã đã khiến chồng tôi ngã bệnh và tàn phế suốt đời. Một mình tôi vừa phải chạy vạy thuốc thang cho chồng vừa làm lụng nuôi dạy con cái nên con gái tôi dù thông minh cũng phải bỏ học giữa chừng”.
3. Chị Trần Thị Thể – Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Lĩnh cho biết: “Tại những thôn có nhiều đàn ông đi lặn biển, hoàn cảnh như chị Hoàng, chị Loan là khá phổ biến. Mặc dù, Nghị định 67 về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội cũng đã được áp dụng nhưng không thể đến được với tất cả các đối tượng nên chúng tôi cũng chỉ biết động viên, hỗ trợ các chị về tinh thần”.
Tại Cẩm Lĩnh, mỗi năm, sau dịp tết cổ truyền, người đàn ông lại lần lượt ra Bắc, vào Nam để mưu sinh theo nghiệp lặn, để lại nơi quê nhà nỗi thấp thỏm, lo âu cho người vợ, người mẹ… Chị Phạm Thị Hằng (thôn 1) cho biết: “Chồng tôi theo nghề lặn đã mấy năm nay, tuy đôi chân đã tập tễnh do hậu quả từ sức ép của nước nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, anh lại gắng gượng theo anh em, bè bạn đi biển. Những ngày mưa gió, bão bùng, mùa đông rét mướt, nằm ôm con trong chăn ấm, nghĩ đến cảnh chồng mình tàn tật lại phải dầm mình dưới nước, lòng tôi như dao cắt”.
Rời Cẩm Lĩnh khi cơn giông chiều vừa ập đến, chúng tôi không khỏi chạnh buồn khi nghĩ về những phận đời cay đắng của thợ lặn và vợ con họ. Dẫu những hệ lụy từ nghề lặn đã được báo trước nhưng mỗi năm, quê nghèo Cẩm Lĩnh lại tiễn chân những người mới theo nghiệp cha anh đến những vùng biển xa xôi bởi nếu gắn bó với đồng chua nước mặn ít ỏi nơi đây thì cái nghèo luôn đeo đẳng. Điều cần nhất bây giờ là khi họ không thể bỏ nghề vì bát cơm manh áo thì ngoài việc cần hỗ trợ cho họ những công cụ bảo hiểm như một thợ lặn chuyên nghiệp thì phải tập trung tuyên truyền để họ (và các chủ thuyền) hiểu tác hại của các dụng cụ bảo hiểm thủ công khi lặn sâu dưới đáy đại dương.
Anh Hoài – Thúy Ngọc
Báo Hà Tĩnh