“Lừa người trong cùng làng”
Cơ sở Hoàng Giang Phúc tại số nhà 364, đường Trần Phú, thị trấn Hương Khê là một trong những chi nhánh của Cty Thiên Ngọc Minh Uy kinh doanh hàng đa cấp.
Tại đây Cty này đã thành lập những hệ thống “chân rết” ở nhiều thôn xã, lôi kéo được nhiều người nông dân tham gia vào.
Ông Bình trình bày với PV việc vợ mình nướng 43 triệu từ tiền bán bò và vàng vào cơ sở Hoàng Giang Phúc mà ông không hề hay biết. |
Rất nhiều xã trên địa bàn huyện dính vào mạng lưới đa cấp này. Trong đó xóm 7, xã Gia Phố là một trong những xóm có số lượng lớn người tham gia vào chi nhánh bán hàng đa cấp trên địa bàn huyện Hương Khê.
Tiếp chuyện với bà con ở xóm 7, họ kể về chị L.T.T, người cùng xóm, xưng nữ “Phó giám đốc” đã lôi kéo dân trong xóm đổ tiền bạc vào trò đa cấp này.
“Chị T. là người cùng xóm. Được lên làm “phó giám đốc” nhờ lôi kéo được nhiều người vào hệ thống. Mấy ngày trước còn khoe khoang là trời cho chị cái nghề để làm giàu, chuẩn bị mua xe ôtô 4 chỗ đấy. Ai ngờ tẻ ngửa ra là đi lừa bà con xóm làng”, cô Lê Thị Thân, người dân ở đây cho biết.
Ông Hoàng Trọng Đức (78 tuổi) là thương binh bị lừa gói dịch vụ chữa bệnh, nộp gần 12 triệu. |
Bằng rất nhiều chiêu trò lừa phỉnh ngon ngọt, bà T. đã rủ rê được rất nhiều người trong xóm tham gia.
“Nhiều người dân xóm tôi đã bị chị ta lừa gạt vào hệ thống bán hàng này, giờ đang dở khóc dở cười” – cô Thân nói tiếp.
“Vi rút” đa cấp lây lan với mức độ chóng mặt. Đa phần người dân lỡ “dính” vào đa cấp đã tiếp tục lôi kéo, dụ dỗ người thân, anh em họ hàng vô đường dây.
Ông Tin, người đã trút vào công ty đa cấp này 30 triệu nói: “Giờ nếu mất tiền tôi sẽ đến nhà mự Kh. để lấy tiền. Vì trước đó chị ta rủ tôi vào chị có nói nếu bị lừa cứ tìm đến chị ta mà hỏi tiền”.
Chị Lê Thị Thân cho biết thêm: “Chị ta (T.) rủ rê dân mỗi người đóng 10 triệu/năm để làm gói bảo hiểm. Nếu năm sau không có đóng thì coi như mất. Thằng con trai tôi cũng đóng vào đó 10 triệu bảo hiểm giờ coi như mất luôn. Trong xóm còn có một số người bị lừa tiền bảo hiểm như chị Thắm, Hài…”.
Vay ngân hàng để “đầu tư” vào đa cấp
Theo ghi nhận của PV, tính riêng trong xóm 7 đã có rất nhiều hộ gia đình tham gia vào cơ sở đa cấp này. Số tiền họ “đầu tư” vào không phải là con số nhỏ, lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Có gia đình vay ngân hàng, bán trâu bò để rót vốn vào “kinh doanh”.
Mới đây, khi sự việc vỡ lỡ, anh Nguyễn Văn Bình (thị trấn Hương Khê) mới té ngửa ra là vợ mình đã giấu gia đình dùng tiền bán bò 20 triệu đồng của gia đình để nướng vào đa cấp ở cơ sở Hoàng Giang Phúc.
Dư luận tại huyện Hương Khê đang rất trông chờ vào sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng để làm rõ, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, khiến nhiều người dân điêu đứng. |
“Ngoài khoản tiền bán bò, vòng vàng trên người vợ tôi cũng cởi bán sạch để kinh doanh đa cấp. Tổng số tiền đã nộp giờ lên tới hơn 40 triệu đồng”, anh Bình nói.
Trong số những dân nghèo mắc bẫy, có những gia đình suốt đời đi làm thợ xây, bốc vác lại rót tiền vào không ngần ngại. Như hộ anh Trần Khang (xóm 7, Gia Phố) có 4 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Người vợ hằng ngày đi phụ hồ, chồng đi bắt ếch kiếm tiền lại trút vào đó gần 70 triệu đồng.
“Nghĩ cũng buồn cười, như chú Khang trời chưa kịp sáng đã đi bắt ếch giờ bỏ tiền vô đó, gia đình chú Thu cả hai vợ chồng suốt ngày đi phụ hồ giờ vay cả ngân hàng để nộp vào. Đúng là bi hài”, cô Thảo, người dân ở đây chia sẻ.
Cô L. (xóm 6 Gia Phố, xin giấu tên) tâm sự: “Anh trai nói với tôi đây là Cty vì người nghèo, mình đóng vào đó 10 triệu đồng, sau một thời gian mình sẽ được lấy 25 triệu đồng, và nếu cứ rủ thêm được một người vào nữa mình sẽ nhận lại 1 triệu đồng nữa”.
“Cũng may là chồng và con tôi ngăn cản, chồng tôi tức lên bảo bán nhà, bán trâu cho mẹ mi đóng tiền. Còn con tôi thì bảo từ này cậu đừng có sang nhà rủ mẹ con tham gia nữa, ở nơi khác nhiều người bị lừa rồi.” – cô L. cho biết thêm.
Ông Hoàng Trọng Đức (78 tuổi) ở xóm 7 đau yếu thường xuyên, nghĩ tới bệnh tật, lại nghe nói lợi nhuận lớn về “mã” dịch vụ chữa bệnh, nên ông đã đóng gần 12 triệu đồng, giờ không biết khi nào mới được hoàn lại.
Có dấu hiệu lừa đảo Ông Lê Hữu Thái, Chủ tịch thị trấn Hương Khê cho biết, việc người dân tố cáo cơ sở Hoàng Giang Phúc lừa đảo là có cơ sở. Người dân giao dịch với Nguyễn Hồng Luy, chủ cơ sở này, nhưng hợp đồng thì lại có con dấu của Thiên Ngọc Minh Uy. “Người dân không biết Thiên Ngọc Minh Uy là ai cả, và ngoài số tiền nộp trong hợp đồng thì rất nhiều khoản tiền không hề có biên lai. Người dân chỉ nhận được lời hứa ảo, 1 vài lần chăm sóc sức khỏe và đồ dùng rẻ tiền. Biển hiệu thì ghi bán hàng kim khí điện máy, nhưng ở trong lại khám chữa bệnh, bán thuốc”, ông Thái nói. Trả lời báo chí, ông Trần Nhật Tân, GĐ Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, Sở không cấp phép cơ sở Hoàng Giang Phúc kinh doanh đa cấp. Còn ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh thì cho biết, việc cơ sở Hoàng Giang Phúc tự ý khám chữa bệnh, thu tiền của dân là trái luật vì không được cấp phép. |
Thiện Lương – Duy Tuấn / VNN