Ngồi giữa sân ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa bốn bề rặng phi lao, cụ Lán vừa thoăn thoắt vá lại chiếc lưới đánh cá cho người con trai, vừa kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng đưa vợ con ra nơi cửa biển Xuân Hội dựng lều, trồng cây gây rừng chắn sóng.
Theo lời cụ Lán, sau khi rời quân ngũ, cụ tham gia vào hợp tác xã ngư nghiệp, nối nghề ông cha đi biển đánh cá mưu sinh. Hồi ấy, Hà Tĩnh liên tiếp gặp bão lụt, tuyến đê biển Xuân Hội bị vỡ, cuốn trôi nhiều nhà cửa, đất đai xuống biển. Nhiều gia đình ở thôn Hội Thành 2 đành dắt díu nhau bỏ quê, tha phương cầu thực. Hợp tác xã ngư nghiệp cũng phải giải thể, làng xóm tiêu điều hoang vắng.
Năm 1986, cụ Lán viết đơn xin chính quyền xã giao đất, sau đó vay mượn, mua trả góp 2 vạn cây phi lao về trồng trên bãi cát dọc cửa biển Xuân Hội. Nhiều người ái ngại cho rằng cụ làm cái việc dã tràng xe cát. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, cụ Lán lặng lẽ trồng cây. Mỗi ngày trồng một ít, đến nay rừng phi lao hàng vạn cây do cụ trồng đã kéo dài hơn 2 km. Nhờ rặng phi lao này, mấy chục năm qua, bãi biển Xuân Hội không bị xâm thực, làng xóm cũng an toàn hơn nhiều trong mưa bão.
Sống đời nghĩa hiệp
Dẫn chúng tôi đi dọc rặng phi lao, cụ Lán nói, khó khăn lắm mới trồng được cây, để giữ được rừng thì phải kiên trì, không ngại khó, ngại khổ. “Trước đây, ban ngày tôi đi biển đánh cá, tối về ra chòi canh giữ rặng phi lao. Vì ngăn người ta chặt phá cây mà tôi bị đánh gãy 7 chiếc răng, mất 1 đốt ngón tay út”, cụ Lán kể.
Cũng tại nơi cửa biển này, cụ Lán đã sống một cuộc đời nghĩa hiệp, tạo công ăn việc làm, nuôi sống nhiều ngư dân và cứu vớt nhiều người bị đuối nước. Theo người dân địa phương, trước đây vợ chồng cụ Lán có 3 thuyền đánh cá nên nhiều cặp vợ chồng trong làng Hội Thành 2 kéo nhau ra xin cụ cùng đi biển. Vì thế, có lúc trong túp lều và khu rừng phi lao của cụ có tới vài chục gia đình với cả trăm người đến thổi cơm chung. Ban ngày, các cặp vợ chồng để con cái cho vợ cụ Lán trông nom rồi cùng cụ ra khơi đánh cá kiếm sống. Tối đến, họ đưa con về nhà nghỉ ngơi.
Theo ông Hương, 31 năm qua, cụ Lán đã cứu sống khoảng 50 người bị đuối nước, chưa kể năm nào cũng vài ba lần cụ phát hiện, vớt xác những nạn nhân chết đuối.
“Cứ hay tin có người gặp nạn là cụ lại chạy tới cứu giúp. Cứu được nạn nhân, cụ còn dẫn họ vào túp lều, chăm sóc vài ngày rồi mới để họ trở về nhà. Trọng cái ơn nghĩa ấy, nhiều người được cứu đã nhận cụ làm cha nuôi”, ông Hương nói.
Phạm Đức