Trong nước

Hà Tĩnh: Công bố quy hoạch chi tiết hệ thống giao cắt giữa đường sắt và đường bộ

Sáng 4/7, Sở GTVT Hà Tĩnh tiến hành công bố quy hoạch chi tiết xây dựng hệ thống đường giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuyến đường sắt thống nhất Bắc – Nam đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài 71 km, qua 22 xã thuộc 3 huyện, Đức Thọ, Vũ Quang và Hương Khê. Hiện tại, trên toàn tuyến đi qua địa bàn tỉnh có 115 vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, bình quân 1km đường sắt có 1,62 vị trí giao cắt với đường bộ.


Trong số 115 điểm giao cắt thì chỉ có 27 vị trí được cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng còn lại 88 điểm giao cắt không được cấp phép là đường ngang dân sinh do nhân dân tự mở. Thực tế cho thấy, TNGT đường sắt trong suốt thời gian qua chủ yếu xẩy ra tại các điểm giao cắt do nhân dân tự mở.


Trước thực trạng đó Bộ GTVT đã giao cho Cục đường sắt Việt Nam (ĐSVN) tổ chức quy hoạch chi tiết xây dựng hệ thống giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trên mạng ĐSVN và đã được Bộ GTVT phê duyệt tại QĐ số 348 ngày 20-02-2012. Theo đó, đoạn đi qua địa bàn Hà Tĩnh sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp xây dựng tổng cộng 39 vị trí giao cắt, trong đó sẽ giữ nguyên 7 vị trí, nâng cấp 27 vị trí và mở mới 12 vị trí.


Cụ thể nút giao không gác, có cảnh báo tự động 21 vị trí; nút giao không gác, có cắm biển báo 3 vị trí; nút giao có gác, có cần chắn 6 vị trí; nút giao có gác, có dàn chắn 2 vị trí; nút giao dạng cầu chui dân sinh 4 vị trí; còn lại 76 vị trí nút giao với đường ngang dân sinh không được quy hoạch phải đóng bỏ để bảo đảm an toàn chạy tàu.


Đoạn qua địa bàn huyện Đức Thọ hiện có 25 vị trí trong đó quy hoạch 11 vị trí còn lại 14 vị trí giao cắt phải đóng hoàn toàn. Vũ Quang hiện có 15 vị trí không phép và không quy hoạch vị trí nào nên phải đóng hoàn toàn cả 15 vị trí hiện có. Hương Khê hiện tại có 75 vị trí giao cắt, quy hoạch 28 vị trí còn lại 47 vị trí không được quy hoạch phải đóng hoàn toàn.


Theo quy hoạch, giai đoạn 2012-2015, triển khai mở các đường ngang, nâng cấp các đường ngang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, và các cống chui dân sinh. Như vậy, đoạn qua Hà Tĩnh sẽ có 12 điểm mới được mở, 3 cầu vượt và 4 cống chui được đầu tư xây dựng trong giai đoạn này.


Giai đoạn từ 2016-2019, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường ngang trên tuyến theo quy hoạch đã được duyệt.


Đức Thiện

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP