Nhiều người vẫn chưa nhận được tiền bồi thường
Tiến độ chi trả tiền bồi thường đối với nhóm đối tượng thu mua và tạm trữ thủy hải sản tại Hà Tĩnh đang diễn ra khá chậm chạp, một trong những nguyên nhân chính là do chênh lệch về số liệu kiểm kê thực và con số kê khai quá lớn. Kết quả là các bên chưa thể thống nhất con số chính thức để chi trả bồi thường cho chủ kinh doanh đông lạnh.
Hơn 116 tấn thủy hải sản (lạnh, khô) của bà Nguyệt đang tồn kho đã bị hư hỏng nặng.
Trong buổi làm việc chiều ngày 16/12/2016 tại TP. Hà Tĩnh, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã nói rõ: Yêu cầu Hà Tĩnh kiểm kê, phân loại toàn bộ kho đông lạnh để chi trả tiền bồi thường cho người dân trước Tết Nguyên Đán Đinh Dậu.
Thế nhưng do nhiều nguyên nhân dẫn đến nhóm đối tượng thu mua và tạm trữ thủy hải sản đông lạnh vẫn chưa nhận tiền đền bù. Vấn đề đặt ra là người dân sẽ được bồi thường theo số liệu tự kê khai hay là kiểm kê thực tế?
Theo quyết định của Thủ tướng, thời gian tính bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tối đa là 6 tháng (từ tháng 4 đến hết tháng 9/2016-PV). Căn cứ theo thời hạn đó, số lượng thủy hải sản tồn kho trên toàn tỉnh Hà Tĩnh được người dân kê khai là hơn 2.000 tấn, tuy nhiên, kiểm kê thực tế tại những cơ sở thu mua thì số lượng lên đến… hơn 4.000 tấn (tăng gấp đôi so với kê khai – PV).
Theo số liệu tại Sở NN&PTNT, trên toàn tỉnh Hà Tĩnh có 48 cơ sở kho đông lạnh bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Lộc Hà. Đây cũng là huyện có sự chênh lệch lớn nhất về số liệu kê khai và kiểm kê. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến kiểm kê tăng vượt mức so với kê khai ban đầu?
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt (Thạch Bằng, Lộc Hà) khi kê khai số lượng thủy hải sản tồn kho (ngày 5/9) là 94 tấn, đến ngày 30/12 cơ quan chức năng kiểm kê con số nâng lên 116 tấn. Tất nhiên, bà đề nghị bồi thường theo kiểm kê, mặc dù bà thừa nhận số lượng thủy hải sản này không hề thu mua trong thời gian được bồi thường mà do khách hàng đem trả lại hơn 20 tấn cá bà bán ra trước đó. Tổng số lượng thủy hải sản tồn đọng là từ năm ngoái đến năm nay.
Thời điểm kê khai và kiểm kê thực tế cách nhau khoảng 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12) trong khi đó các lô hàng không thể hiện ngày tháng mua vào. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến số hàng tồn kho thường cao hơn so với số liệu kê khai.
Các hộ kinh doanh thủy hải sản đông lạnh tại Hà Tĩnh đang chờ được giải quyết tiền bồi thướng sớm
Theo ông Phan Văn Nhàn, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà: “Sau khi chúng ta kê khai xong lại không chốt số liệu, chủ kinh doanh đông lạnh vẫn thu mua hải sản cho ngư dân, nhưng hàng bán ra lại rất chậm. Đây cũng là lí do hàng trong kho tăng lên”.
“Sau khi kiểm tra hồ sơ của các cơ sở, toàn bộ hồ sơ không có hóa đơn, chứng từ, ngày tháng thu mua theo hướng dẫn số 06LN/CT-NN&PTNN-TC-CTK. Vì vậy, việc áp giá đền bù cho các cơ sở có hải sản tồn kho không thể thực hiện đúng theo quy định” – ông Nhàn nói.
“Thời hạn được bồi thường tính từ tháng 4 đến tháng 9 và thời gian kê khai đến kiểm kê mất thêm 3 tháng nữa. Số lượng tồn kho được tính trong cả năm. Dẫn đến tình trạng người dân cố tình nâng số lượng hàng trong kho lên để nhận tiền đền bù. Đây là một thực tế” – một người dân tại Lộc Hà thẳng thắn nói.
Xin ý kiến Chính phủ
Theo số liệu tại huyện Lộc Hà có 26 kho đông lạnh, số lượng kê khai vào ngày 5/9 hơn 1.826 tấn, số lượng kiểm kê ngày 30/12 là hơn 2.240 tấn (chênh lệch khoảng 425 tấn). Tổng mức chi trả gần 19 tỷ đồng.
Hàng hải sản đông lạnh do tích trong kho đã lâu, quá hạn sử dụng và đổi màu, hư hỏng.
Về phía huyện Lộc Hà cũng đã trình UBND tỉnh Hà Tĩnh về phương pháp áp giá đền bù hàng thủy hải sản chênh lệch lớn. Theo đó, tạm thời ưu tiên các kho hàng có khối lượng kiểm kê thực tế và khối lượng kê khai trùng nhau và Khối lượng để tính áp giá bồi thường, hỗ trợ không vượt quá khối lượng kê khai ban đầu của các chủ cơ sở.
“Chúng tôi mong muốn được áp giá đền bù qua số liệu kiểm kê. Đề nghị tỉnh, huyện giải quyết tiền bồi thường cho những đối tượng nào số liệu tương đối chính xác rồi giải ngân cho dân, còn ai chưa chuẩn xác thì hoàn tất chi trả sau để dân lo trả nợ” – bà Nguyễn Thị Nguyệt ý kiến.
Trước những chênh lệch số lượng lớn như vậy, đại diện Sở NN&PTNN Hà Tĩnh cho biết: Sẽ thận trọng và dù là số liệu thực tế thì cũng chưa đủ căn cứ để được nhận bồi thường. Trước mắt sẽ đền bù những hộ đã ổn định về số liệu kê khai và kiểm kê, còn bộ phận còn lại khả năng phải xin ý kiến Chính phủ. Tránh sai sót trong bồi thường sự cố môi trường.
Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa chi trả bồi thường cho các cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản. Theo đánh giá của tỉnh, nhóm đối tượng thu mua, tạm trữ thủy hải sản là phức tạp nhất trong chi trả bồi thường.