Cầu Sông Con được đầu tư gần 30 tỷ đồng hoàn thành từ 6 năm nay |
Năm 2011, để phục vụ cho việc lưu thông qua lại thuận lợi cho bà con tại các xã phía Tây huyện Hương Sơn gồm: Quang Diệm, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh, Sơn Tây và Sơn Lâm; một dự án xây dựng cầu Sông Con bắc qua một nhánh của sông Ngàn Phố (thuộc địa phận thôn Sông Con, xã Quang Diệm) được đầu tư xây dựng.
Tổng kinh phí công trình lên đến gần 30 tỷ đồng, do UBND huyện Hương Sơn làm chủ đầu tư. Ngày cây cầu được khởi công xây dựng, người dân nơi đây vô cùng phấn khởi bởi vì đó cũng là niềm mong mỏi, mơ ước bao nhiêu năm nay để không phải đi đường vòng.
Sau thời gian xây dựng, năm 2014, cầu được hoàn thành, tuy nhiên đường dẫn hai đầu cầu chỉ là con đường đất tạm bợ rộng khoảng 2m, không thể mở rộng khiến cầu tuy lớn nhưng không thể phát huy hết tác dụng.
Từ khi cây cầu hàng chục tỷ đồng thi công xong, các phương tiện lưu thông qua đây cũng rất khổ sở vì đường quá nhỏ, mùa mưa thì lầy lội không thể đi được hoặc đi rất nguy hiểm. Dù khoảng cách đã được rút ngắn nhưng đối với các xe tải lớn chở hàng, chở vật liệu xây dựng vẫn chưa thể đi qua nên cây cầu chưa thể phát huy hết ý nghĩa lớn lao lúc triển khai xây dựng.
Một người dân địa phương cho biết, nguyên nhân là do chính quyền địa phương và những hộ dân sinh sống cạnh cây cầu chưa thống nhất được phương án đền bù để giải phóng mặt bằng (GPMB). Ban đầu chủ đầu tư thông báo không có tiền đền bù GPMB mà chỉ lấy đất đổi đất.
Hộ nào không đồng ý hiến đất thì phần đất bị lấy để mở đường sẽ được cấp cho ở vị trí khác. Tuy nhiên, do chính quyền xã bị cho là “nhập nhằng” trong việc cấp sổ đỏ cho khu đất được cấp đền bù ở địa điểm mới, nên người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng để thi công đường dẫn.
Tuyến đường dẫn lên cầu vẫn chưa thể mở rộng vì vướng giải phóng mặt bằng |
Theo ông Trần Đình Lý (59 tuổi, trú thôn Sông Con), bà con rất ủng hộ chủ trương mở rộng đường để lưu thông thuận tiện, cũng như việc nhường đất cho một dự án có ý nghĩa. Thế nhưng cũng phải giải quyết việc bồi thường dứt điểm, hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước và người dân. “Gia đình tôi đồng ý đổi khoảng 60m2 đất vườn để mở đường nhưng thủ tục cấp đổi địa phương làm mãi không xong nên cũng chưa thể tiến hành giao đất”, ông Lý nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Diệm (được nhập lại từ xã Sơn Quang và xã Sơn Diệm) cho biết, do xã mới được sáp nhập nên trước mắt đang ổn định công tác cán bộ. UBND huyện cũng giao cho ban lãnh đạo xã mới tập trung tháo gỡ vướng mắc và vận động người dân bàn giao mặt bằng để làm đường dẫn vào cầu Sông Con.
“Hai bên cầu còn khoảng 600m là chưa thể mở rộng để thi công do vướng vào đất của 21 hộ dân. Thời gian qua, xã đã vận động được 16 hộ dân đồng ý đổi đất, vẫn còn 5 hộ dân nữa vẫn chưa đồng ý vì họ yêu cầu đền bù bằng tiền. Trong thời gian tới, xã sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục vận động bà con giao đất để mở đường”, ông Sơn cho hay.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, cây cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng chưa phát huy hết hiệu quả. Huyện giao việc GPMB cho xã, tuy nhiên vẫn chưa thể bàn giao mặt bằng để mở rộng đường do nhiều hộ chưa đồng ý phương án đền bù. Sắp tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành khẩn trương hoàn thành các thủ tục giấy tờ và cấp đất đền bù cho các hộ dân để họ yên tâm và bàn giao mặt bằng làm đường.
Hy vọng, sẽ sớm có một con đường lớn lên cầu để rút gần khoảng cách về vận tải cho các xe tải lớn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng cũng như tạo bộ mặt mỹ quan cho địa phương.
Tác giả: Ngô Toàn – Minh Yên
Nguồn tin: Báo PLVN