Kinh tế

Hà Tĩnh: Cấm vận khoáng sản?

Cho rằng việc bán 4.500 tấn quặng là “sai với mục tiêu ban đầu của dự án”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các bên bốc hàng trở lại. Ý kiến này gây ra nhiều tranh cãi, khi cả bên bán và bên mua đều thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý.



>> Hà Tĩnh: Điều tra vụ “lén lút” bán quặng sắt ra ngoài


>> Tạm giữ tàu chở 4.500 tấn quặng sắt xuất qua cảng Vũng Áng


Không cho tàu rời cảng


Sau hai năm tìm đối tác để bán lượng quặng tồn dư giải quyết khó khăn cho Cty không được, đầu năm 2013, Cty TNHH MTV Sắt Vũ Quang (Cty sắt Vũ Quang) tìm được đối tác là Cty TNHH Anh Sơn Thủy, trụ sở tại Quảng Ninh.


Tuy nhiên, khi mọi thủ tục để bán 4.500 tấn quặng đã qua sơ chế xong xuôi, tàu chuẩn bị xuất cảng, ngày 18/5, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự yêu cầu Cty sắt Vũ Quang phải bốc dỡ hàng trở lại. Căn cứ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đưa ra là Cty sắt Vũ Quang đã thực hiện “sai với mục tiêu ban đầu của dự án là sản xuất quặng để phục vụ cho nhà máy liên hợp gang thép tại Vũng Áng”.


Được biết, năm 2008, dự án đầu tư xây dựng nhà máy liên hợp gang thép tại Khu kinh tế Vũng Áng được triển khai. Trên cơ sở đề nghị của Cty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã cấp giấy phép khai thác mỏ sắt Vũ Quang cho Cty sắt Vũ Quang để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy liên hợp gang thép của Cty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh.


Tuy nhiên đã gần 5 năm trôi qua, Khu liên hợp gang thép Vũng Áng chỉ là một đại công trường sắt gỉ (Tiền Phong phản ánh trong bài viết “Dự án thép ngàn tỷ gỉ sét, phơi sương”, ngày 5/3/2012). Cũng vì thế, sau khi sản xuất ra không bán được hàng, hơn 150 công nhân của Cty sắt Vũ Quang phải nghỉ việc.


Đúng luật?


Một lãnh đạo Sở Công thương Hà Tĩnh khẳng định, yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh là trái với Thông báo số 10369 ngày 18/12/2012 của Văn phòng Chính phủ về việc “Bãi bỏ các quy định cấm, tạm cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương”.


“Trong tỉnh không có một nhà máy luyện thép nào để họ bán hàng, buộc họ phải bán ra bên ngoài”- một lãnh đạo Sở Công thương nói.


Một lãnh đạo Cty sắt Vũ Quang cho biết, năm 2011, trước tình hình khó khăn của Cty, UBND tỉnh đã có văn bản số 252, cho Cty bán quặng cho các đơn vị trong nước để giải quyết bớt khó khăn. Hai năm trời Cty tìm đối tác không ai chịu mua.


Đầu năm 2013, để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp khai khoáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Minh Kỳ ký văn bản gửi Bộ Công Thương, đề nghị cho phép xuất khẩu số quặng tồn đọng, trong đó có hơn 51.000 tấn của Cty sắt Vũ Quang.


Ngày 18/5, các lực lượng chức năng của Hà Tĩnh có cuộc họp để xử lý sự việc. Tại cuộc họp, các lực lượng Hải quan, Sở Công thương, Cảng vụ…đều khẳng định đây là hợp đồng mua bán nội địa, các hồ sơ, thủ tục các đoàn kiểm tra đầy đủ. Số hàng này là hàng tồn kho của năm 2011 để lại.


PV Tiền Phong làm việc với nhiều lực lượng chức năng của Hà Tĩnh, cùng nhận được câu trả lời “thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự, không bình luận”.


“Hơn 100 công nhân thất nghiệp. Nợ ngân hàng, lương, bảo hiểm, thuế lên tới gần 200 tỷ đồng. Số tiền có được khi bán lô hàng đã trả ngay cho các ngân hàng. Giờ Chủ tịch UBND tỉnh bắt bốc dỡ trở lại Cty không biết lấy tiền đâu để đền bù cho đối tác”, lãnh đạo Cty sắt Vũ Quang nói.


Phó Giám đốc Cty Anh Sơn Thủy, ông Đỗ Khánh Toàn bức xúc, lực lượng chức năng của Hà Tĩnh giữ tàu nhưng không lập biên bản tạm giữ. “Chúng tôi gõ cửa ở đâu cũng nhận được câu trả lời thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh.


Hàng hóa mua hợp pháp, giờ mỗi ngày tàu bị giữ phải mất hơn 50 triệu đồng tiền phá vỡ hợp đồng với Cty cho thuê tàu. Việc này ai chịu cho chúng tôi khi tàu bị giữ nhưng không có biên bản tạm giữ”, ông Toàn bức xúc.


Văn bản 10369 của VPCP do Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam ký gửi các bộ và UBND các tỉnh, thành khẳng định: “Trong thời gian qua các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều quy định nhằm quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.


Khoáng sản là nguồn tài nguyên chung của quốc gia, cung cấp nguyên liệu cho nhiều lĩnh vực sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một số địa phương đã ban hành các văn bản về việc cấm, tạm cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương không đúng với quy định pháp luật, gây nên tình trạng khan hiếm, mất cân đối cung cầu về nguyên liệu đối với một số dự án chế biến khoáng sản.


Để khắc phục tình trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát và bãi bỏ ngay các quy định (nếu có) về việc cấm, tạm cấm vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa phương không đúng quy định của pháp luật…”.

Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP