LTS: Những con đường vừa làm xong bị ‘giết chết’ một cách không thương tiếc. Những tai nạn đau lòng do hậu quả từ ‘ổ voi’, ‘ổ trâu’, ‘con lươn’, ‘luống khoai’ trên quốc lộ. Những mối bất an mỗi khi lưu thông trên quốc lộ. Tất cả đến từ xe quá tải, quá khổ…Làm gì để ngăn chặn, ‘dẹp loạn’? Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu tất cả các tỉnh thành cần liên tục kiểm soát, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24h/ngày và 7 ngày/tuần, kiên quyết chấm dứt. Bộ trưởng GTVT đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm phải cơ bản kiểm soát được xe chở quá tải, bởi nếu không nhiều tuyến đường mới hoàn thành đưa vào sử dụng lại sẽ bị phá hỏng. Bộ GTVT thành lập 8 đoàn thanh kiểm tra tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kích thước giới hạn thùng chở hàng ôtô tải tự đổ và các biện pháp ngăn chặn ôtô chở quá tải tham gia thi công các dự án công trình giao thông tại 31 tỉnh thành trong cả nước. Đích thân Bộ trưởng, Thứ trưởng và Tổng cục trưởng của Bộ GTVT đã không dưới một lần đi ‘bắt’ xe quá tải. Nhưng, trên nhiều tuyến đường, xe quá tải vẫn tìm cách né trạm và hoạt động tinh vi, thủ đoạn hơn. Và những con đường lại tiếp tục bị ‘giết’ một cách không thương tiếc. Từ 8/9, VietNamNet khởi đăng tuyến bài “Xe quá tải giết chết những con đường”… |
“Cam kết cho hay”?
Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn Hà Tĩnh có 110 đơn vị khai thác và chế biến khoáng sản tại 121 mỏ, trong đó 90 mỏ khai thác đá xây dựng, 14 mỏ về đất san lấp.
Riêng huyện Kỳ Anh, nơi báo VietNamNet từng nhiều lần phản ánh về những đoàn xe “hổ vồ”, xe tự ý cơi nới thành thùng phá nát đường giao thông, hiện có 42 mỏ đá xây dựng, 3 mỏ đất san lấp.
Các DN khai thác mỏ ở Kỳ Anh ký cam kết sẽ không chở quá tải mới đây, nhưng dường như chỉ ký mà không thực hiện. |
Số lượng mỏ lớn kéo theo số phương tiện vận chuyển dày đặc khiến cho những tuyến đường ở Kỳ Anh luôn là điểm “nóng” về ATGT, đặc biệt là tình trạng xe chở quá tải.
Vào ngày 15/7, trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo các ban ngành tỉnh Hà Tĩnh, đại diện cho 42 doanh nghiệp khai thác mỏ trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã ký cam kết sẽ chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về khai thác mỏ, vận tải khoáng sản và vật liệu xây dựng để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Thực tế trong thời gian qua, hàng giờ, hàng ngày, xe quá tải vẫn mặc sức tung hoành tại các điểm mỏ trên đường 12C và đường 1B.
|
Thậm chí một số doanh nghiệp còn lên kế hoạch tổ chức tập huấn cho lái xe, công nhân bốc xếp để quản tải trọng ngay từ khâu bốc xếp.
Thế nhưng, đó chỉ là lời hứa trên giấy còn thực trạng thì nhiều xe tải chở đất, đá, cát xây dựng từ các mỏ vẫn chở quá tải, không phủ bạt khi chở vật liệu… vẫn ung dung hoành hoành.
Theo quan sát của PV VietNamNet, những tuyến đường trên QL 1, QL 12C, Ngã ba Cảng – Kỳ Nam, Ngã ba Kỳ Liên…đang xuống cấp từng ngày, lòng đường hình thành những đường “gồ sống trâu” do hàng trăm xe “hổ vồ” chạy suốt ngày đêm, hầu như xe nào cũng cõng 40 – 50 tấn, vượt nhiều lần. Người dân mỗi khi ra đường đều nơm nớp lo sợ, dòm trước ngó sau.
Những chiếc “hổ vồ” loại 3 chân, thiết kế trọng tải cho phép khoảng 9 tấn, thùng cao 1,5m. Tuy nhiên gần như 100% xe chở đá, cát phục vụ ở Formosa đều tăng thùng lên hơn 2m, trọng tải chở 42-45 tấn. Tăng gấp 4-5 lần.
Cơ quan chức năng bó tay?
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình trật tự ATGT 6 tháng đầu năm 2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, UBND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục thực hiện kiểm soát, duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24/24h, kiên quyết xử lý nghiêm xe chở hàng quá tải.
Địa phương nào để “lọt” xe quá tải, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm.
Chiếc xe mang BKS 37C – 07382 vừa quá tải, vừa quá khổ vẫn vô tư chạy trên đường. |
Có thể thấy, vấn đề xe quá tải đã nóng tới mức, hết bộ trưởng Thăng chỉ đạo rồi tới Phó thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh xử lý triệt. Đích thân Bộ trưởng Thăng đã bắt xe quá tải tại Hà Tĩnh.
Dù Hà Tĩnh cũng đã có 1 số biện pháp để giảm thiểu vấn nạn này, tuy nhiên xử lý kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” đã khiến những tuyến QL huyết mạch tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tiếp tục chịu cảnh xe quá tải “giày xéo” ngày lẫn đêm.
Ông Trần Xuân Hòa, Hạt phó Hạt QLĐB huyện Kỳ Anh cho biết, xe quá khổ, quá tải lưu thông lượng lớn đã tàn phá kết cấu hạ tầng giao thông. Các vệ lõm, lún, hố sâu xuất hiện ngày càng nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Người dân cũng “ngán” khi phải ra đường.
Đây là một chiếc xe tải 4 chân, đang chở chuyến hàng khoảng trên 50 tấn, trong lúc trọng tải cho phép chỉ dưới 18 tấn. |
Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng họ cũng chỉ nói sẽ quyết liệt xử lý xe quá tải.
“Chỉ những ngày có trạm cân làm việc tại đường 12C thì xe quá tải có ít hơn một tí, nhưng trạm cân rời đi xe quá tải, quá khổ lại chạy ầm ầm” – ông Hòa nói.
Các tuyến đường bị tàn phá nhiều nhất là cung đường từ km65 (thị trấn Kỳ Anh) đến km574 (xã Kỳ Thịnh), tuyến QL12C, tuyến đường Ngã ba Cảng – Vũng Áng…
“Đường hỏng chúng tôi phải sửa liên tục. Thế nhưng hôm nay sửa, ngày mai xe quá tải lại phá hỏng. Chúng tôi rất xót nhưng chẳng biết làm gì. Các DNVT luôn tìm cách đối phó, còn cơ quan chức năng lại không có biện pháp xử lý triệt để. Tới khi xử lý được xe quá tải chắc đường cũng hư rồi”, ông Hòa bức xúc.
Trung tá Nguyễn Chiến Thắng, Đội trưởng Đội CSGT phía nam Hà Tĩnh cho biết, tình trạng xe quá tải nhiều nhưng do không có trạm cân nên rất khó xử lý. Ở địa bàn huyện Kỳ Anh các xe quá tải là do chở VLXD phục vụ cho Khu kinh tế Vũng Áng.
Cũng theo Trung tá Thắng, đơn vị đã xử lý khá nhiều trường hợp xe quá tải vi phạm nhưng tình trạng xe chở quá tải, quá khổ, xe tự ý cơi nới thành thùng vẫn tràn lan trên các tuyến đường.
Còn ông Nguyễn Trần Toản – Phó chánh thanh tra sở GTVT kiêm trạm trưởng kiểm tra tải trọng xe cơ giới Hà Tĩnh xác nhận, tình trạng xe chở quá tải, xe tự cơi nới thành thùng ở huyện Kỳ Anh vẫn còn tiếp diễn.
Về nguyên nhân, ông Toản cho hay, có rất nhiều con đường từ các mỏ khai thác VLXD chạy vào khu kinh tế Vũng Áng, lực lượng liên ngành không thể kiểm soát hết.
Trước thực trạng xe quá tải, quá khổ, xe cơi nới thành thùng vẫn ung dung chạy như chỗ không người như vậy, không biết rồi đây Hà Tĩnh sẽ báo cáo như thế nào với Chính phủ về trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh?
Sau gần 4 tháng tiến hành đặt trạm cân để kiểm soát xe quá tải, quá khổ, lực lượng liên ngành Hà Tĩnh đã kiểm tra 3.467 lượt xe, qua đó lập biên bản xử lý 533 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 5 tỷ đồng, tước giấy phép hơn 500 tài xế. |
Văn Đức