Xã hội

Hà Tĩnh: Bị yêu cầu di dời để xây chợ mới, 18 hộ dân viết đơn “kêu cứu”

Chưa có quy hoạch chi tiết chợ mới, chưa có phương án đền bù hỗ trợ, tái định cư... nhưng chính quyền xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đã yêu cầu 18 hộ dân, với gần 100 nhân khẩu phải di dời, trả lại mặt bằng chợ.

Đại diện các hộ dân trao đổi với phóng viên

Nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ “màn trời, chiếu đất”

Trong đơn gửi Báo PLVN, 18 hộ dân thôn Lộc Ân, xã Thạch Lưu trình bày: Năm 1994, khi bắt đầu xây dựng, hình thành chợ Thạch Lưu, UBND xã đã kêu gọi, động viên các hộ gia đình đấu thầu ốt để kinh doanh. Thời điểm đó đã có 18 hộ gia đình thuê đất để làm ốt kinh doanh với diện tích mỗi suất là 20m2 (trong đó có 2 hộ đấu thầu 2 suất nên được 40m2).

Tiếp đó, từ tháng 12/1996 đến năm 1997, UBND xã Thạch Lưu có chủ trương bán thêm đất cho các hộ kinh doanh, do đó ngoài phần đất đấu thầu thì mỗi gia đình được xã bán từ 50 - 100m2 để các hộ phát triển kinh doanh. Từ đó, các hộ dân đã xây dựng nhà cửa (nhiều nhà xây 2 tầng), xây ki ốt kiên cố, đăng kí hộ khẩu tại đây để sinh sống và kinh doanh. Đến năm 2001, chính quyền quyết định thành lập xóm Tân Tiến (nay sáp nhập thành thôn Lộc Ân) thì nhiều hộ gia đình trên đã yên tâm sinh sống lâu dài.

Nhưng từ năm 2014 đến nay, UBND xã Thạch Lưu đã nhiều lần ra thông báo yêu cầu 18 hộ dân chưa có “sổ đỏ” phải di dời để trả lại mặt bằng do hết thời hạn đấu thầu (20 năm) để xây dựng, quy hoạch lại khu vực chợ theo mô hình chuyển đổi “Chợ nông thôn mới” theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mới đây nhất, ngày 26/02/2017, xã Thạch Lưu ra thông báo yêu cầu các hộ dân tại “khu vực xung quanh” chợ Thạch Lưu trong vòng 20 ngày từ (26/02/2017 đến 16/03/2017) phải tháo dỡ tài sản và di dời.

Đồng tình với chủ trương xây chợ của xã Thạch Lưu nhưng điều người dân bức xúc là việc: khi yêu cầu di dời nhưng chính quyền địa phương không nhắc đến việc bồi thường đất, tài sản gắn liền đất, cũng như chính sách hỗ trợ đối với người dân...

Ông Nguyễn Duy Hùng (61 tuổi, một trong 18 hộ) cho biết: “Trước đây, khu vực này là đồng trũng, sâu. Chúng tôi đã phải cải tạo rất nhiều mới có được như ngày hôm nay. Nếu là xây dựng các công trình liên quan đến an ninh - quốc phòng, chúng tôi sẵn sàng di dời không yêu cầu bồi thường. Nhưng đây là xây chợ theo dạng “xã hội hóa”, tư nhân đầu tư và quản lý. Vì vậy, chúng tôi cần được biết rõ quy hoạch chợ như thế nào, do đơn vị nào đầu tư, chính sách đền bù đất, tài sản trên đất, công sức tôn tạo đất... như thế nào? Chứ đằng này, khi chưa có một cái gì cụ thể đã yêu cầu chúng tôi dời, trong khi đó có những đến 4 hộ ngoài nhà cửa ở đây thì không có đất hay nhà cửa nơi khác, thu hồi thì họ sẽ lâm cảnh “màn trời, chiếu đất”...”.

Mới có “chủ trương”, sao vội yêu cầu dân di dời?

Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Tôi năm nay 71 tuổi sống neo đơn một mình, sức khỏe yếu, hàng ngày sinh hoạt còn phải dựa nhiều vào sự giúp đỡ của hàng xóm. Nếu xã yêu cầu phá dỡ nhà mà không có chính sách đền bù thì tôi không biết sẽ sống thế nào. Tôi đồng tình với chủ trương, nhưng cần có phương án bồi thường, thông báo về quyền lợi của người dân. Chúng tôi bức xúc vì xã đánh đồng diện tích cho thuê 20m2 với toàn bộ diện tích mà chúng tôi đang sinh sống (từ 70-120m2), không thừa nhận phần đất chúng tôi đã mua thêm. Một số hộ đất phải không thuê mà được cấp theo dạng đất đổi công làm thủy lợi cho xã trước đây giờ vẫn không được hợp thức hóa...”.

Ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Lưu cho phóng viên biết: “Về việc xây chợ xã hội hóa là xu hướng hiện nay. Về quy hoạch xây chợ thì mới dừng lại ở chủ trương chứ chưa có quy hoạch cụ thể. HTX Hải An có đặt vấn đề về xây dựng chợ xã hội hóa. Trước khi hết hạn cho thuê đất, chúng tôi đã có thông báo cho các hộ dân để họ có phương án di dời, sinh sống...”.

Về việc hồ sơ đất đai liên quan đến 18 hộ dân, ông Hùng thừa nhận, UBND xã Thạch Lưu có khiếm khuyết trong việc lưu trữ giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc đấu thầu. Không có sơ đồ khu đất đấu thầu, không có biên bản bàn giao đất. Không có văn bản về việc bán hoặc đấu thầu phần diện tích đất phía sau. Tất cả tài liệu, giấy tờ phụ thuộc vào các hộ dân cung cấp để đánh giá.

“UBND xã chưa có đánh giá, kiểm đếm tài sản trên đất mà đang xin chủ trương của huyện. Tài sản gắn liền với đất của người dân, chúng tôi cũng đang xin ý kiến chỉ đạo của huyện về việc có đền bù cho các hộ dân hay không. Việc có 4/18 hộ không có nơi ở nào khác ngoài mảnh đất bị thu hồi, UBND xã sẽ ưu tiên tái định cư ở xứ Đồng Vụng, thôn Lộc Ân”- ông Hùng cho biết thêm.

Các hộ dân thì cho rằng, chỉ mới dừng lại ở “chủ trương”, sao xã lại vội vàng yêu cầu người dân di dời? Bên cạnh đó người dân rất quan tâm về việc giá đất tái định cư bao nhiêu, việc xây dựng nhà tái định cư cho dân như thế nào? Việc ưu tiên cho các hộ có ki ốt như thế nào?

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Tác giả: Phan Quyên

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP