Xin kinh phí sửa đồng hồ Bưu Điện
Từ tháng 11/2017, Viễn Thông Hà Nội (VNPT Hà Nội) từng có văn bản gửi Thành ủy, UBND TP Hà Nội đề cập đến việc sửa chữa thay thế thiết bị của đồng hồ Bưu điện ở 75 Đinh Tiên Hoàng (đối diện hồ Hoàn Kiếm).
Theo VNPT Hà Nội, đồng hồ Bưu điện làm từ năm 1977, đến năm 1978 được đưa vào hoạt động. Qua 40 năm hoạt động, đồng hồ Bưu điện bên cạnh hồ Hoàn Kiếm trở nên thân quen với người Hà Nội và du khách.
“Đồng hồ không chỉ có ý nghĩa thuần túy như một chiếc đồng hồ Bưu điện thông thường, mà đã trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô Hà Nội”, văn bản của VNPT Hà Nội nêu rõ.
Tòa nhà Bưu điện Hà Nội bất ngờ bị "thay tên đổi họ" |
Tuy nhiên, theo thời gian, các bộ phận của đồng hồ dù được bảo dưỡng với những quy trình nghiêm ngặt nhưng đã bị xuống cấp. Nhiều bộ phận của đồng hồ đã hư hỏng cần phải được sửa chữa thay thế để đảm bảo đồng hồ tiếp tục hoạt động chính xác.
Do tháp đồng hồ có vị trí quan trọng, nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm nên VNPT Hà Nội báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội mong nhận được ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn việc sửa chữa đảm bảo đúng quy định.
Ngoài ra, VNPT Hà Nội cũng mong Hà Nội xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho công tác sửa chữa, thay thế thiết bị tháp đồng hồ. Lý do đưa ra đề xuất này vì VNPT Hà Nội biết được TP có chương trình hỗ trợ kinh phí bảo tồn cảnh quanh khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.
Trước đề xuất trên, vào tháng 3/2018, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội có văn bản báo cáo UBND TP nêu ý kiến thống nhất việc sửa chữa thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện để đảm bảo hoạt động chính xác. Nhưng phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài của đồng hồ nhằm lưu giữ hình ảnh đã có từ lâu trong tâm thức người Hà Nội.
Thời điểm đó, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng cho biết, việc hỗ trợ kinh phí sửa chữa thay thế thiết bị đồng hồ Bưu điện Hà Nội là chưa đủ cơ sở, lý do không có trong nhiệm vụ chi của TP.
Hai năm không chịu lấy lại tên “Bưu điện Hà Nội”
Ngoài tòa tháp đồng hồ Bưu điện, cái tên “Bưu điện Hà Nội” cũng rất quen thuộc và gắn liền với lịch sử, văn hóa của Thủ đô. Theo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, dù Bưu điện Hà Nội được tu sửa và xây dựng mở rộng nhiều lần, nhưng cái tên “Bưu điện Hà Nội” chưa từng thay đổi.
Tuy nhiên, từ năm 2016, người dân TP Hà Nội bất ngờ phát hiện cái tên này bị “khai tử”. Ngay thời điểm đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, dòng chữ “Bưu điện Hà Nội” đổi thành “VNPT Hà Nội” gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Cái tên VNPT Hà Nội lạ lẫm với nhiều người dân Thủ đô. (Ảnh: Toàn Vũ) |
Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đổi lại bằng dòng chữ “Bưu điện Hà Nội” trên tòa Bưu điện như trước đây.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, VNPT Hà Nội vẫn không lấy lại cái tên “Bưu điện Hà Nội” quen thuộc. Dòng chữ VNPT Hà Nội chỉ có giá trị đối với doanh nghiệp vẫn nằm dưới đồng hồ Bưu điện.
Vì vậy, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội có văn bản gửi UBND TP Hà Nội cho ý kiến với VNPT Hà Nội phục dựng lại biển tên tòa nhà “Bưu điện Hà Nội”. Vì cái tên này đã gắn liền với lịch sử, các sự kiện quen thuộc khu vực cảnh quan di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.
Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã ký văn bản gửi VNPT Hà Nội với nội dung đồng ý với đề xuất của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, trong đó đề cập đến vấn đề phục dựng lại biển tên tòa nhà “Bưu điện Hà Nội”.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội còn giao VNPT Hà Nội thực hiện đúng hướng dẫn của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội.
Năm 1946, vị trí tòa nhà Bưu điện hiện nay là một trận địa chống Pháp quyết liệt của các chiến sĩ Thủ đô và công nhân Nhà Bưu điện.
Đây là đầu mối thông tin liên lạc giữa Thủ đô với các địa phương trong cả nước, phục vụ Chính phủ và các cơ quan quân sự, an ninh trong cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Công trình đã được gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến với nội dung: “Ngày 20/12/1946 tại Bưu điện Hà Nội, các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc của tòa bưu điện được chọn là một trong số những điểm bố trí hệ thống súng phòng không để bảo vệ bầu trời Thủ đô.
Tác giả: Quang Phong
Nguồn tin: Báo Dân trí