Đó là ý kiến mà GS. VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất tại buổi góp ý sửa đổi một số điều Dự thảo Luật giáo dục, do Ủy ban này tổ chức ngày 15/12.
Miễn học phí là một cuộc “cách mạng”
Theo GS Đào Trọng Thi, trước hết cần thiết là rõ ràng nhưng hiện nay đang trong quá trình lấy ý kiến nên chưa phải lúc đánh giá mang tính chất xác định. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề dư luận đang nói nhiều.
Thứ nhất, việc miễn học phí cho học sinh THCS. Ông cho rằng, nếu nhà nước có khả năng đầu tư trên cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục thì việc miễn học phí là chủ trương mang tính "cách mạng" bởi phổ cập ngoài việc mang tính chất bắt buộc, còn là nghĩa vụ của gia đình. Tuy nhiên, nếu thu học phí thì gia đình có thể nói không có tiền để đi học.
“Ở các nước, nếu không đi học là vi phạm pháp luật. Muốn thưc hiện điều đó, Nhà nước phải miễn học phí. Tôi nghĩ nếu đã phổ cập, nên gắn với miễn học phí”, GS Thi nói.
GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Phụ cấp chỉ là “hỗ trợ”
Vấn đề thứ hai là tăng lương cho giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp, GS Thi cho biết, mình nhớ rất rõ ở Nghị quyết T.Ư 8 khóa 2 năm 1996 đã có câu này. Nhưng trên 20 năm vẫn chưa thực hiện được. Hiện đang có phụ cấp giảng dạy, tuy nhiên phụ cấp không như lương bởi lương đảm bảo tính cố định cho mọi đối tượng và tạo cho giáo viên niềm tự hào còn phụ cấp chỉ là một cách “cứu trợ, hỗ trợ”...
Ông cho hay: “Bên cạnh việc lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp thì tôi nghĩ thang bảng lương giáo viên phải là thang bảng lương đặc thù. Nhà giáo là nghề đặc thù nên thang bảng lương phải đặc thù.
Nếu các ngành khác chỉ cần một trình độ thì điểm khác của giáo viên là có nhiều trình độ, từ việc chuyển cấp dạy học phải có trình độ khác nhau. Chẳng hạn tiểu học trình độ khác, dạy ĐH phải trình độ khác. Do đó, nếu áp dụng thang bảng lương của một chuyên viên đơn thuần hành chính để áp vào đây thì không thành thang bảng lương đặc thù của nhà giáo.
Tôi nghĩ việc tăng lương cho nhà giáo có thể trở thành hiện thực bởi Nghị quyết của Đảng vẫn chưa có giá trị pháp lý vì chưa nói lúc nào thực hiện nên cần thể chế hóa và phải thực hiện bởi đây là ý chí của Đảng, của nhân dân nhưng chưa thực hiện được. Tôi kinh nghiệm nhiều cuộc vận động vừa qua, một khi Quốc hội đã đưa vào luật, Chính phủ cứ thế mà thực hiện. Do đó, tôi cho rằng đây là cuộc “cách mạng” là vì thế”.
Trả lời câu hỏi, nếu nói nhà giáo là ngành đặc thù, nhiều ngành nghề khác cũng cho như thế? GS Thi cho hay, đặc thù ở đây mang tính tự giác và lao động này không thể đo đếm bằng số lượng vì không có sự tự giác của giáo viên thì không có chất lượng. Sản phẩm trong giáo dục không phải đào tạo một loạt học sinh như dây chuyền máy móc mà đào tạo học sinh có chất lượng. Thứ hai, mỗi cấp học gắn với trình độ khác nhau. Ngoài ra, còn nhiều điều khác nữa để quyết định vì sao phải có thang bảng lương riêng cho giáo viên.
Không nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm
Trả lời phóng viên tại buổi đóng góp ý kiến, GS Thi cho hay, có một điều ông đồng ý là không nên miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Việc này đã bàn nhiều nhưng chưa thực hiện.
Ông đề xuất: “Thực ra, chúng ta không thay đổi việc miễn giảm mà mà thay vào đó bằng hình thức vay tín dụng ưu đãi. Nếu em nào hoạt động trong ngành giáo dục thời gian bao nhiêu năm thì không trả lại còn nếu không thì phả trả lại”.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí