Danh Nhân

GS.VS Hồ Tôn Trinh – gương mặt tài năng, đức độ trong khoa học xã hội và nhân văn

GS.VS Hồ Tôn Trinh (bút danh Hoàng Trinh,  sinh ngày 28 tháng 9 năm 1920, mất ngày 19 tháng 3 năm 2011), nguyên quán làng Đại Nài, huyện Thạch Hà (nay là Phường Đại Nài, Tp. Hà Tĩnh). Xuất thân là cán bộ thông tin tuyên truyền ở tỉnh, rồi cán bộ tuyên huấn của Ban tuyên giáo T.Ư. Đảng, thông thạo Pháp văn, Anh văn, ông thuộc lớp cán bộ khoa học xã hội đầu tiên đặt nền móng xây dựng các viện thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Vào cuối những năm 50, đầu những năm 60, trên cương vị Thư ký khoa học, rồi phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện Văn học, GS. Hồ Tôn Trinh không chỉ là người tổ chức khoa học, hướng dẫn nhiều thế hệ cán bộ khoa học trẻ trong và ngoài viện, mà còn tự học, tự nghiên cứu. Vào những năm 80, ông đã được phong tặng giáo sư, rồi viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Hungari, là người được giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I – 1996), đã có hàng chục công trình lớn và nhiều hoạt động khoa học, văn học có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, v.v… Nhờ sự tác động tích cực của chính sách văn hóa và khoa học của nhà nước, với sự hỗ trợ của đội ngũ khoa học xã hội và nhân văn, ông đã nổ lực bền bĩ để hoàn thiện nhân cách trên hai bình diện: đức và tài. Nhìn lại sự nghiệp nghiên cứu, trước tác của giáo sư trong nhiều thập kỷ, chúng ta thấy rõ những thành công sau đây của nhà khoa học xuất sắc này.

MakeThumbnail.aspxTrước hết, đối với ông, phương pháp luận và ngoại ngữ là xương sống của nghiên cứu khoa học. Không có phương pháp luận đúng đắn và ngoại ngữ tốt thì người nghiên cứu, nhất là trong khoa học xã hội, khác nào là người lính thiếu súng và kỹ thuật chiến đấu. Phương pháp luận mà G.S cũng như nhiều nhà khoa học khác thường vận dụng là phương pháp biện chứng mác-xít trong thẩm định, đánh giá mọi hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy. Nhờ phép biện chứng mác-xít mà ông tránh được phép siêu hình trong nhận thức, hoặc không rơi vào cực đoan phía này hay phía kia trong đánh giá, kể cả những hiện tượng phức tạp nhất trong đời sống xã hội và đời sống văn học. Không nắm được phép biện chứng, thì nhà nghiên cứu dù có tài, có năng lực cảm thụ tốt, vẫn lúng túng trên đường đi tìm chân lý khoa học, thậm chí chệch hướng.

Nhờ ý thức sớm và sâu sắc phép biện chứng trong nghiên cứu khoa học xã hội mà ngay từ những năm 60, 70 ông mạnh dạn triển khai những đề tài tưởng như chưa cấp bách lắm như: Phương Tây, văn học và con người (Tập I, 1969,), (Tập II, 1971) hoặc đề tài Con người bình thường, cuộc sống bình thường trong văn học. Viết về con người và các hiện tượng văn hóa phương Tây, nhưng chưa bao giờ ông dùng chuẩn mực phương Tây là hệ quy chiếu hoặc quá đề cao cái duy lý của các khuynh hướng triết học bên đó. Những bài viết chung quanh con người bình thường, cuộc sống bình thường được ông công bố trên Tạp chí Văn học bây giờ không phải không có tiếng bấc, tiếng chì, nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan, công bằng thì ngay từ thời đó, là mặt bổ sung, là điểm xuất phát của con người anh hùng, cuộc sống anh hùng. Điều đó đúng với cả hôm qua trong chiến tranh giữ nước và cả hôm nay trong hòa bình xây dựng đất nước.

Trong nhiều năm gần đây, GS. Hồ Tôn Trinh có điều kiện nói đầy đủ hơn về phương pháp luận, nhất là sau những chuyến đi dự hội thảo quốc tế và thuyết trình tại các nước châu Âu và Mỹ. Có lần ông viết: “Những công trình lớn như Lịch sử của Arnold Toynbee (Anh), Làn sóng thứ ba của Alvin Toffler (Mỹ), Châu Âu năm 2000 (nhiều tác giả người Pháp), Những biến đổi và động thái văn hóa (Pháp) có thể gây tranh luận, nhưng về phương pháp luận thì có thể thấy các tác giả đã bám sát đến mức cao nhất những vấn đề của lịch sử, của thế giới, của thời đại, của thực tiễn nước mình” (Xem công trình Lãnh đạo và quản lý văn hóa vì sự phát triển – Đề tài KX 06.01 cấp nhà nước). Ở đây ta thấy lý luận luôn luôn đi song song với thực tiễn đời sống. Mọi thứ lý luận “chay” hoặc loại kinh nghiệm chủ quan đều xa lạ hoặc không “đứng được” với sự phát triển hôm nay. Lúc bấy giờ, ông đã cho rằng, vào những năm tới, tri thức và thực tiễn đều phải đổ vào dòng sóng hội nhập, đi đến một sự nhất thể hóa (intégration) rất cao đến mức: trong lý luận ai ai cũng thấy “dấu chân” của lịch sử và trong mọi lịch sử và trong mọi lĩnh vực của đời sống đều có vai trò động lực của tri thức. GS. Hồ Tôn Trinh còn nói đến cái lợi ích của việc huy động tri thức liên ngành (transdiciplinaire) vào những công trình lớn. Kết quả nghiên cứu bằng những phương pháp vừa nêu thường đưa lại hiệu quả nhân đôi. Tình trạng nghiên cứu biệt lập, chuyên môn nào biết chuyên môn đó, làm cho khoa học bị chia cắt, tri thức bị tán vụn, v.v… tỏ ra không đắc địa, vì vậy mà phông văn hóa đại cương ở nhà nghiên cứu cũng nghèo đi.

Có nhiều chuyện để nói về sự cần thiết của ngoại ngữ cho nghiên cứu, nhất là nghiên cứu KHXH ở nước ta. Có thể ai đó lập luận rằng: ngay cả Liên Xô (trước đây), một nước mà khoa học và văn hóa phát triển bậc nhất thế giới, mà có phải nhà khoa học nào cũng tinh thông ngoại ngữ cả đâu, thậm chí có nhà văn hóa lớn không biết một ngoại ngữ nào thì sao? Vân vân và vân vân. Đó là  một đề tài thú vị, có dịp chúng ta sẽ trở lại. Ở đây chúng tôi muốn nói đến thực trạng nghiên cứu KHXH ở Việt Nam, chúng tôi muốn truyền lại ý chí sắt đá, cái quyết tâm to lớn của một nhà khoa học ở tuổi cao niên đi tìm sự tinh thông tiếng Anh qua sự tự học, tự trau dồi, không nản chí trước khó khăn. Không có ngoại ngữ tốt, tôi tin là ông rất khó tiếp cận với văn hóa phương Tây một cách trung thực, nói chi đến việc thuyết trình trước số đông các nhà khoa học, việc tiếp nhận các thông tin về ký hiệu học, thi pháp học là những ngành khoa học mới mẻ với những tác phẩm rất khó đọc, với những tác giả có thế giới quan đầy mâu thuẫn.

IMG_1295GS.VS Hồ Tôn Trinh

Tất cả đều bắt đầu từ văn hóa dân tộc.

  1. Hồ Tôn Trinh là nhà nghiên cứu văn học có ý thức rành rẽ về điểm tựa, điểm xuất phát của khoa học nghiên cứu văn chương là nền văn hóa dân tộc. Nhờ cái nôi của văn hóa dân tộc mà bút lực của ông vươn xa; vươn được xa là nhờ ông biết bám chặt vào gốc rễ của truyền thống dân tộc mình. Dù viết: Văn học, ngọn nguồn và sáng tạo (1979), Về khoa học và nghệ thuật phê bình văn học (1980), hay Đối thoại văn học (1986), Tiếp cận văn học dưới góc độ thông tin (1990), Từ ký học đến thi pháp học (1997), Tuyển tập văn học (1998), v.v… thì G.S chỉ có một quan niệm: “Trong lịch sử văn hóa nhân loại, không một dân tộc nào tồn tại và phát triển nhờ dựa vào văn hóa nước ngoài”. Văn hóa là sức sống bên trong, là cuộc vận động trí lực và tạo tác; là lao động, sinh sống và phát triển trong cái nôi địa hình thái (geomorphique) và môi trường văn hóa xung quanh mình. Càng phát triển, bản sắc dân tộc của văn hóa càng rõ nét, đa dạng và trong xu thế giao lưu với văn hóa các nước. Bản sắc dân tộc nói chung và bản sắc văn hóa nói riêng là biểu hiện của tiềm năng sáng tạo không ngừng của dân tộc. Một nền văn hóa đóng cửa, tự giam mình trong sự tù đọng của địa phương thì trước sau cũng bị xói mòn và cuối cùng là sự suy vong của nền văn hóa ấy.

Đối với GS. Hồ Tôn Trinh, cái gì có lợi cho dân tộc thì làm, dù cái đó rất khó. Ông đã từng thử sức để bơi vào dòng xoáy của tri thức thời đại thông tin. Tôn vinh ông là “Nhà ký hiệu học tiên phong của Việt Nam” là câu đánh giá có cơ sở, bởi lẽ thì giờ vật chất mà ông để dành cho hệ thống đề tài ký hiệu học phải kể đến những năm 70: số lượng công trình bài viết, buổi thuyết trình theo hướng đề tài này phải kể đến hàng trăm. Và cái lớn hơn hết là ông đều khởi phát từ ý thức văn hóa dân tộc trên cả hai phương diện: nhận cho. Lấy cuốn Từ ký hiệu học đến thi pháp học (1992) làm ví dụ. Mở đầu cuốn sách G.S đã tự nhận mình người đam mê thơ ca dân tộc từ Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, cho đến “thơ mới”, thơ ca yêu nước và cách mạng, và cả những vần ca dạo, tục ngữ, khúc hát ru trước khi đọc thơ Pháp và những tinh hoa văn hóa nước ngoài. Khai thác những thành tựu về cách đọc thơ theo thi pháp ký hiệu học của Michael Riffaterre, của Iuri Lotman, của Henri Meschenic, G.S đã vận dụng sáng tạo vào việc phân tích, bình giảng thơ, ca dao, tục ngữ Việt Nam. Qua công trình của G.S chúng ta biết rằng, theo quan niệm của thi pháp ký hiệu học thì thơ là một dây chuyền tạo nghĩa trong đó có bề nổi và bề chìm, ngôn ngữ mô phỏng và ngôn ngữ nội hàm, có cái nói ra và cái ẩn kín. Việc vận dụng thi pháp ký hiệu học vào việc phân tích tác phẩm văn học là một phương thức trong nhiều phương thức nghiên cứu, đưa lại bổ ích, thú vị cho người đọc. Mục đích của xu hướng nghiên cứu này nằm trong trào lưu có tính quốc tế nhằm đổi mới nghiên cứu văn học, trả lại cấu trúc tác phẩm những yếu tố mà trước đây bị bỏ quên, những vùng tiềm năng của nhà văn bị coi nhẹ. Những công trình GS. Hồ Tôn Trinh được giới thiệu ở nước ngoài thường mang ý nghĩa kép: vừa giới thiệu những tinh hoa văn hóa Việt Nam giúp cho bạn đọc nước ngoài, các nhà Đông phương học, Việt Nam học hiểu được phần nào tầm vóc và quan điểm cởi mở của khoa học xã hội Việt Nam vốn sinh ra và trưởng thành trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh giải phóng; vừa thay mặt độc giả Việt Nam tiếp nhận tinh hoa của văn hóa thế giới.

hatin24h

Một tấm gương về đạo đức.

Nêu gương đạo đức của một nhà khoa học không chỉ là chuyện ghi công, mà còn là bài học cho nhiều thế hệ khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ. Xin được nêu hai phẩm chất ở G.S Hoàng Trinh. Ở ông nổi bật là tính khiêm tốn, đôi khi rụt rè, nhưng là cử chỉ rụt rè của một bậc hiền tài. Nói chuyện với ông, đồng nghiệp thường học được được tính biết mười, nói một. Khi đã ở tuổi ngoài bảy mươi, khi đã có nhiều công trình về ký hiệu học, thi pháp, v.v…, vậy mà ông vẫn coi việc mình làm chỉ để “bày tỏ nguyện vọng tha thiết của mình”, để tham khảo ý kiến và học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu thơ ca vô cùng to lớn, đứng trước nó như đứng trước “cái vô cực”, bao giờ cũng thấy mình bé nhỏ “Lực bất tòng tâm”. Vào tuổi 77, khi mà tên tuổi ông đã được tổ chức biên soạn tiểu sử danh nhân đưa vào những từ điển của mình như những Tự điển danh nhân của ABI (1992 – 1993), Ai là ai trên thế giới (who is who in the world) (1991 – 1992) ở Mỹ, Trung tâm biên soạn từ điển danh nhân Cambridge ở Anh, mà ông vẫn chưa bằng lòng, mà vẫn nguyện “luôn cố gắng làm việc thầm lặng, hăng say, đeo đuổi đến cùng sự nghiệp để có thể trở thành một chuyên gia đáng tin cậy”.

Lòng nhân ái, thái độ thông cảm đối với mọi người, trước hết là đối với đồng sự và học trò của giáo sư được nhiều người thừa nhận. Nói chuyện với những đồng nghiệp tri kỷ, ông thường phàn nàn tâm lý hẹp hòi, thói đố kỵ, ít tình người, thương nhau ít quá. Lương tâm khoa học ở một số người đó bị thay bằng những ý đồ thiếu trong sáng.

Là chủ tịch hoặc thành viên của nhiều hội đồng chấm luận án cấp nhà nước các học vị cao nhất về văn hóa học, văn học, nghệ thuật học, bao giờ G.S cũng tâm niệm một điều: những người có đủ khả năng, có đủ điều kiện thì không để người ta bị “lọt lưới”. Ở những cương vị này, nếu thiếu trung thực thì chủ nghĩa cá nhân sẽ dễ dàng len lỏi vào việc thẩm định tài năng. Sự thông cảm và đồng cảm của G.S luôn luôn được ý thức, rèn luyện. Bởi ông hiểu rằng, chấn hưng văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà thiếu nguồn lực con người coi trọng không đúng mức đội ngũ khoa học tài năng, thì đáng lo biết chừng nào, nếu không muốn nói chuyện là nói suông./.

Trích theo: Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1997.

GS.VS Hồ Sĩ Vịnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP