… giá trị lịch sử, văn hóa
Quần thể di tích lịch sử văn hoá Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gồm: Khu mộ và tượng đài (xã Sơn Trung); Khu chùa Tượng Sơn (xã Sơn Giang); Khu nhà thờ (xã Sơn Quang). Khu nhà thờ xưa là điểm quy tụ bạn thuốc, bạn thơ bốn phương, nơi Đại danh y nghiên cứu, viết sách, trồng thuốc và chữa bệnh. Chùa Tượng Sơn cũng là một trong những nơi Hải Thượng Lãn Ông đọc sách, nghiên cứu về thuốc và soạn thảo bộ sách nổi tiếng “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”; đây cũng là cơ sở cách mạng của thanh niên yêu nước trong kháng chiến chống Pháp. Khu mộ và tượng đài là nơi an nghỉ của ông, gắn với di tích này là những câu chuyện truyền thuyết về Đại danh y còn lưu truyền đến ngày nay. Năm 2003, Bộ Y tế phê chuẩn Dự án tu bổ, tôn tạo Quần thể di tích; sau hơn 10 năm thực hiện các hạng mục, đến tháng 02/2013, Bộ Y tế bàn giao Quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cho tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn quản lý. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác từ lâu đã là nơi tham quan hấp dẫn, nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, nơi giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, đây là nơi lưu giữ, nơi giao lưu văn hóa để bạn bè bốn phương biết về mảnh đất, con người Hương Sơn và là nơi tổ chức Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông hàng năm.
Nhân dân và du khách thắp hương tại khu Mộ của Lê Hữu Trác
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Sau khi Đại danh y qua đời, hàng năm đúng ngày rằm tháng Giêng (15.1 Âm lịch) con cháu họ Lê và người dân địa phương đã tổ chức lễ tế để tưởng nhớ, tri ân một người con tài hoa đã có công lớn đối với dân, với nước, với nền y học nước nhà – Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông ra đời từ đó. Đây là loại hình lễ hội dân gian tổng hợp (lễ nghi tín ngưỡng, văn hóa lịch sử, kết hợp nghệ thuật diễn xướng, trò chơi giân gian…). Năm 2000, Bộ Văn hóa – Thông tin và Bộ Y tế, đặc biệt là Trung ương Hội Đông y Việt Nam chọn ngày mất của Đại danh y làm ngày truyền thống của ngành và tề tựu về đây mở hội để tưởng nhớ công lao to lớn của Đại danh y. Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông huyện Hương Sơn được tổ chức hàng năm đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hương Sơn nhằm tri ân công đức Đại danh y Lê Hữu Trác. Lễ hội vừa mang tính chất văn hóa nghệ thuật hấp dẫn, vừa mang yếu tố tâm linh sâu sắc, mang đến niềm vui, niềm tự hào cho người dân địa phương trong dịp đầu xuân. Đây cũng là dịp để mọi người cầu chúc năm mới có sức khỏe, gặp nhiều may mắn, cầu cho quốc thái dân an. Thông qua Lễ hội nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách về những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thương mại của Hương Sơn. Các hoạt động của Lễ hội góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc nói chung và Hương Sơn nói riêng. Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông huyện Hương Sơn được xem là một trong những lễ hội lớn ở Hà Tĩnh. Năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chọn ngày tổ chức Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông làm ngày Khai trương mùa du lịch tỉnh Hà Tĩnh, đến tháng 10/2015 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Lễ hội về quy mô tổ chức và hiệu quả thiết thực.
Một số hình ảnh Lễ hội
Đua thuyền trên Sông Ngàn Phố.
Dâng lễ
Giữ gìn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể quốc gia
Trong những năm qua công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy Quần thể di tích lịch sử văn hóa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng như việc tổ chức Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông huyện Hương Sơn đã được ngành y tế, cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và được đông đảo nhân dân ủng hộ, đóng góp tâm sức nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác quản lý, xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị quần thể di tích được chú trọng. Lễ hội hàng năm được tổ chức đúng quy định, các nghi thức diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương; phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn đã tạo được sức lan toả, lôi cuốn, góp phần thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển giá trị lịch sử, văn hóa địa phương, thể hiện niềm tôn kính, tri ân đối với Đại danh y và tình yêu đối với quê hương Hương Sơn.
Nhận rõ đặc điểm của Quần thể di tích và giá trị của Lễ Hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, để bảo vệ, tôn tạo và phát huy tác dụng, trước hết chung ta cần nâng cao nhận thức về giá trị di tích và lễ hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về Quần thể di tích và Lễ Hội Hải Thượng Lãn Ông huyện Hương Sơn; xã hội hóa nguồn lực đầu tư, khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho công tác bảo vệ tôn tạo, tu bổ các hạng mục trong Quần thể di tích; khai thác kinh nghiệm, các phong tục, tập quán tốt đẹp, kiến thức về tổ chức lễ hội hàng năm đi kèm các hoạt động liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa văn nghệ truyền thống, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian góp phần làm phong phú thêm giá trị di sản văn hóa; tổ chức hội chợ, triển lãm nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm truyền thống địa phương, thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương trong thời gian tới.
Thu Hương