|
Người nuôi nơm nớp tái đàn
Thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam chứng kiến tình trạng giá bán lợn giảm sâu chưa từng có khiến nhiều cơ sở chăn nuôi lao đao vì “rẻ cũng không bán được”. Nhiều hộ không đủ nguồn lực đầu tư cho thức ăn buộc phải bỏ đói hoặc thả ra để đàn lợn của chính mình “tự sinh tự diệt”.
Sau một thời gian dài tụt giá, hiện giá thịt đã nhích lên do Trung Quốc đã nhập lợn Việt Nam trở lại. Tại một số tỉnh Đông Nam Bộ, giá lợn hơi tăng từ 22.000 đồng/kg lên 42.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, Bạc Liêu giá lợn cũng tăng từ 18.000 đồng/kg lên 38.000 đồng/kg – 41.000 đồng/kg
Trong khi đó, phía Bắc các địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc…giá lợn hơi có lúc tăng lên 45.000 đồng/kg, mặc dù cũng có thời điểm giảm xuống mức 30.000 đồng – 35.000 đồng/kg…Điều này phần nào tháo gỡ khó khăn và tạo động lực cho các cơ sở chăn nuôi có thêm niềm tin để tái đàn.
Tuy nhiên, diễn biến thịt lợn trên thị trường mấy ngày vừa qua cũng bộc lộ nhiều điểm cho thấy xu hướng tăng giá không thiếu bền vững. Sự tăng – giảm không ổn định, khó dự đoán và đây là nguyên nhân khiến người chăn nuôi có nên tái đàn.
Ông Hoàng Nam – người chăn nuôi tại thị trấn Trại Cau, Thái Nguyên, cho biết: “Anh sợ rồi, vừa rồi có hơn 100 con mà bán thống bán tháo mãi không hết. Không tìm đâu ra chỗ tiêu thụ, gọi thương lái quen họ cũng lắc đầu và chỉ mua với số lượng 5-10 con/lần với tinh thần hỗ trợ nhau lúc khó khăn. Gia đình còn mổ lợn đem ra chợ bán rẻ mà hôm nào cũng thừa vì nhiều hộ cũng làm như vậy. Thế nên anh chưa sẵn sàng tái đàn như mọi năm. Còn mấy con lợn nái, lợn giống nuôi cầm chừng để có nguồn thu thôi ”.
Anh Văn Định – Bình Lục, Hà Nam cho hay: “Vợ chồng anh đang lo không biết có nên tái đàn không, vì giá lợn đúng là có nhích lên nhưng lại giảm xuống, không ổn định. Bây giờ mà tái đàn lại phải tính đến các chi phí từ vệ sinh, điện đóm, tiền thức ăn… nhiều lúc đau đầu, chẳng may lại rơi vào cảnh như vừa rồi có mà phá sản”.
Tuy nhiên, tại một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô 30 con đổ lại, người dân vẫn tái đàn bình thường do có đầu ra cũng như tận dụng được nguồn thức ăn trong dân.
Bà Chu Thị Xuyến – phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho hay: “Tôi vẫn cho tái đàn, sẵn có đôi lợn nái đẻ cũng được hơn 20 chục con. Thức ăn chủ yếu là cơm canh thừa từ quán phở, quán ăn xin về nấu lại. Chưa kể nhiều nhà cơm nguội ăn không hết họ treo ngoài cổng, mỗi buổi chiều đi lượm cũng đủ nên không phải tốn tiền mua thức ăn là mấy ”.
Theo ghi nhận tại một số cơ sở chăn nuôi vừa và nhỏ cho thấy tâm lý ngại tái đàn phục vụ thị trường cuối năm vẫn còn, người dân lưỡng lự chưa đưa ra quyết định. Các trường hợp tiếp tục tài đàn thường là do giá con giống rẻ hoặc sẵn có đàn lợn nái và tài chính đủ để “chịu nhiệt”.
Rau củ tăng giá vì bão
Ngoài giá lợn tăng cao, 1 tuần trở lại đây do ảnh hưởng của cơn bão số 2, mặc dù thời tiết miền Bắc đã nắng nóng trở lại nhưng các mặt hàng rau củ cũng đua nhau tăng giá. Tại một số chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Cầu Giấy, Thượng Đình, Phùng Khoang, Dịch Vọng… giá các loại rau, củ đã tăng phổ biến 20 -30% so với 1-2 tuần trước.
Cụ thể, cải xanh tăng từ 4.000 đồng lên 6.000 đồng/mớ; bắp cải tăng 4.000 đồng/kg từ 8.000 lên 12.000 đồng/kg; cải thảo tăng từ 12.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg, cải ngọt tăng từ 15.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, rau dền, mồng tơi giá 5.000 đồng/mớ tăng lên 10.000 đồng/mớ; rau ngót cũng tăng 3.000 đồng/mớ lên 5.000 đồng/mớ; bí xanh từ 15.000 lên 20.000 đồng/kg, mướp đắng tăng 10.000 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg...
Theo một số chủ hàng, mặc dù bão số 4 không gây ảnh hưởng nhiều đến Hà Nội, nhưng ảnh hưởng của cơn bão số 2 và 3 gây mưa to, lũ lụt, sạt lở, các vườn rau bị cuốn trôi, dập nát hoặc thối hỏng rất nhiều khiến giá rau củ tăng mạnh, nguồn cung rau củ cũng giảm. “Mưa, bão cũng khiến việc vận chuyển rau xanh từ các vùng như Mộc Châu (Sơn La), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội) về Thủ đô khó khăn hơn. Rau lại hiếm do bị hư hỏng nhiều nên giá cao. “Bên cạnh đó, đây là thời điểm cuối mùa vụ của một số loại rau củ như các loại rau muống, mồng tơi, mướp ngọt… khiến nguồn cung ứng rau thiếu hụt”, chị Thương - một tiểu thương ở chợ Dịch Vọng cho biết.
Tại nhiều vùng trồng rau ngoại thành Hà Nội như Vân Nội, Song Phương, Tây Tựu... do mưa lớn kéo dài nên rau ít nhiều bị ngập úng, hư hại. Chị Nhàn, tại xã Tây Tựu –Từ Liêm chuyên trồng sản xuất rau xanh bán buôn cho các chợ đầu mối cho biết, nhà bà trồng 5 sào rau xanh đủ các loại nhưng mấy ngày gần đây do mưa to ảnh hưởng của cơn bão số 2 nên làm cho rau trong vườn phát triển chậm và dập nát hết các luống rau mới gieo trồng. Mặc dù đã nắng nóng trở lại, nhưng cũng không có đủ nguồn cung.
Có thể thấy, nông dân từ người nuôi cho đến người trồng đều gặp phải những khó khăn hết do thời tiết lại đến cong người khiến thị trường cũng lao đao, trồi sụt. Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc định hướng và hỗ trợ để giúp bà con yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Tác giả: Bích Phương – Phan Mơ
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam