Chia sẻ về 4 ngày “giải cứu” thịt heo tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty THNN An Hạ, cho biết mỗi ngày lò mổ của công ty xuất ra 50 con heo cung ứng cho các điểm bán. Lượng bán cao nhất là buổi sáng với khoảng 30 con, trưa 15 con và chiều là 5 con.
"Do lượng người đổ đến mua ngày càng đông, nhân viên làm việc với cường độ cao nên công ty phải điều chỉnh lịch bán, chỉ mở cửa vào buổi sáng và từ 17h30 chiều. Sau 4 ngày mở bán, công ty đã mổ khoảng 160 con heo”, bà Thắm nói.
Nhiều người phải đặt xếp hàng chờ đặt thịt heo để mua vào ngày hôm sau. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Cũng theo bà Thắm, chương trình bán thịt lẻ giá sỉ để giúp đỡ bà con nông dân sẽ duy trì đến khi nào giá heo trên thị trường trở lại bình thường, để người chăn nuôi tiêu thụ được sản phẩm, người tiêu dùng tiếp cận được thịt giá rẻ.
Hiện tại công ty này chỉ còn còn hợp đồng khoảng 100 con heo hơi thu mua của nông dân với giá là 25.000-27.000 đồng/kg. Sau khi bán hết số heo này sẽ nâng mức giá thu mua heo hơi cho nông dân 28.000-29.000 đồng/kg, tương ứng giá bán thịt ra thị trường cũng sẽ tăng lên.
“Tôi sẽ tăng mức bán thịt lên khoảng 3.000-5.000 đồng/kg, để tăng giá thu mua dần dần của người nông dân lên”, bà Thắm cho hay.
Có nhiều năm tham gia kinh doanh ngành hàng thịt, bà Thắm cho rằng để tránh tình trạng nông dân nuôi heo bán đổ, bán tháo, hay thị trường phải mở những đợt “giải cứu”, thì người nuôi cần lộ trình liên kết chăn nuôi cụ thể với doanh nghiệp. Nếu nông dân cứ tự nuôi, tự bán theo giá thị trường sẽ gặp nhiều rủi ro bởi đầu ra không ổn định.
“Tôi nghĩ qua đợt này, nông dân chăn nuôi nên tính lại cơ cấu đàn cho hợp lý. Những khâu trung gian mà chi phí nhiều quá làm đội giá thịt lên cao nên cắt giảm. Các doanh nghiệp cũng nên tạo chuỗi liên kết với hộ chăn nuôi, để cùng phát triển bền vững, giúp người tiêu dùng mua thịt với giá hợp lý", bà Thắm nói.
Cũng theo bà Thắm, việc liên kết giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi không chỉ giải quyết được vấn đề giá cả mà còn giải quyết được vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, việc một con heo thu mua từ nông dân sẽ được đưa đến doanh nghiệp giết mổ, phân phối thịt theo mô hình khép kín của chính doanh nghiệp đó, tránh những khâu vận chuyển, phân phối, phân loại thịt ra thị trường khó kiểm soát.
Giải cứu bí đỏ với giá 2.200 đồng/kg Bà Lê Thị Kim Liên, Giám đốc thu mua rau củ quả của hệ thống Lotte Mart Việt Nam, cho biết đơn vị này đang phối hợp cùng chính quyền huyện Ea Kar tỉnh Đắk Lắk tổ chức thu mua 20 tấn bí đỏ và sẽ phân phối tại các hệ thống siêu thị, nhằm hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Từ 7/6, bí đỏ Đắk Lắk được bán ở hệ thống siêu thị này với giá 2.200 đồng/kg. Đại diện siêu thị cũng đề xuất các giải pháp hợp tác lâu dài với địa phương, nhằm tránh lặp lại tình trạng được mùa mất giá như hiện nay. Theo đó, siêu thị đặt hàng địa phương trồng một số loại nông sản khác được thị trường tiêu thụ mạnh. Gần một tuần qua, nhiều điểm bán rau quả, cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM cũng tổ chức chương trình giải cứu bí đỏ cho nông dân, với giá 5.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch xã Cư Yang, huyện Ea Kar, toàn xã có hơn 200 hộ dân trồng bí đỏ, diện tích hơn 135 ha, sản lượng thu hoạch vụ này là hơn 2.700 tấn. Diện tích này tăng gấp đôi năm trước. Đầu vụ giá bán bí đỏ là 3.000 đồng/kg, giảm dần xuống 1.500 đồng/kg, sau đó thương lái ngừng mua, có thời điểm giá còn 300 đồng/kg. Xã còn khoảng 200-300 tấn bí chờ giải cứu. |
Tác giả: Thái Nguyễn
Nguồn tin: zing.vn