Năm 2010, UBND phường, thành phố nơi vợ chồng ông cư trú ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án nâng cấp đê, đồng thời triển khai bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Nhưng thật trớ trêu, đã gần 10 năm trôi qua tiền bồi thường vẫn chưa được chi trả.
Gia đình liệt sỹ mòn mỏi chờ đợi trong đau đớn
Vừa qua, báo TN&MT nhận được đơn thư phản ánh của vợ chồng ông Hồ Văn Toán (68 tuổi), trú tại phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh về việc gia đình ông bị chính quyền địa phương thu hồi 1.500m2 đất tại xứ đồng Cầu Nũi, được nhà nước giao năm 1989 nhưng không chi trả bồi thường, tái định cư theo đúng pháp luật (?).
Khu đất gia đình ông Hồ Văn Toán nhường lại cho dự án, khi chưa triển khai bồi thường thì phường Đại Nài đã tiếp tay cho Điện lực xây trạm biến áp trái luật |
Sau khi nhận được đơn thư, PV về địa phương để tìm hiểu rõ sự tình. Tại căn nhà của vợ chồng người thương binh đang ở nhờ với mẹ già có con là liệt sỹ, chúng tôi được biết sự việc kéo dài từ năm 2010 tới nay nhưng các cơ quan chính quyền từ xã lên đến tỉnh không giải quyết thấu đáo.
Cụ thể, thửa đất 1.500m2 kể trên vốn là đất hoang hóa do vợ chồng ông đầu tư thuê máy cải tạo, san lấp. Quá trình sử dụng được UBND huyện Thạch Hà (cơ quan quản lý hành chính lúc đó) cấp chứng nhận quyền sử dụng theo QĐ số 31/QĐ-UBND ngày 5/5/1989.
Qua tìm hiểu các hồ sơ pháp lý sử dụng đất của gia đình ông Hồ Văn Toán thì thửa đất được cấp có ghi rõ ranh giới đông tây tứ cận; mục đích đất được chứng nhận quyền sử dụng là đất chuyên dùng lâu dài; Quá trình sử dụng được gia đình dùng làm bãi kinh doanh vật liệu và làm nhà ở, không xảy ra tranh chấp, khiếu kiện và được chính quyền địa phương, người dân sinh sống ở đó làm chứng sử dụng hợp pháp.
Ông Hồ Văn Toán mòn mỏi chờ đợi UBND thành phố Hà Tĩnh đưa ra một phương án giải quyết hợp tình hợp lý nhưng điều đó gần mười năm nay đang bị đi ngược lại |
Đến năm 2010, sau khi có chủ trương của nhà nước về việc thu hồi đất để triển khai dự án, gia đình ủng hộ và nhất trí nhường lại diện tích 1500m2 đất để xây dựng công trình phúc lợi dân sinh. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Tĩnh (đại diện là Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án) lại mập mờ phương án bồi thường, dùng dằng giải quyết khiếu nại của người dân.
Trên khuôn mặt đầy tự tin, bản lĩnh của người lính trở về từ chiến trường, ông Hồ Văn Toán khẳng định: “Kiên quyết không nhận tiền khi nhà nước thực hiện không đúng. Giờ tôi phải nuôi mẹ già và thờ phụng liệt sỹ, vẫn luôn gương mẫu trong mọi hoạt động ở địa phương nên làm gì cũng giữ lề nếp của gia đình có truyền thống cách mạng. Nhà có chín anh chị em, anh trai đã hy sinh nằm lại chiến trường còn lại tám người đã trưởng thành mà chưa một lần nhận đất cấp của nhà nước. Vậy mà, khi thu hồi mãnh đất tôi đã bỏ bao công sức cải tạo, họ cũng không quan tâm, tạo điều kiện còn vẽ sai sự thật”.
Cụ thể, ngày 8/12/2011, UBND thành phố Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 3932/QĐ-UBND về thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư công trình cũng cố, nâng cấp Đê phía Tây bờ tả sông Phủ. Đến ngày 31/12/2011, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2770/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án. Không đồng tình phương án đền bù với số tiền là hơn 1,1 tỷ đồng nhà nước chi trả, bởi lý do Ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đã xác định không đúng thửa đất thu hồi nên áp giá sai, ông Hồ Văn Toán đã làm đơn đề nghị xác định lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho gia đình.
Quyết định giao đất của UBND huyện Thạch Hà cho gia đình ông Hồ Văn Toán |
Không những vậy, ông Toán phản ánh trước khi có quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hà Tĩnh, ngày 4/5/2010, nhân lúc ông đi dự kỷ niệm chiến thắng 30/4 và trao tặng kỷ niệm chương chiến sỹ bảo vệ Thành Cổ theo lời mời của UBND tỉnh Quảng Trị, ở quê nhà UBND phường Đại Nài đã tiếp tay, giao đất cho Điện lực Hà Tĩnh xây dựng trạm biến áp trên đất ông đang sử dụng, tự ý đào đường, chặt cây mà không có ý kiến gia đình.
Sau khi bị thu hồi đất, vợ chồng ông Toán tiếp tục tham khảo Trung tâm trợ giúp pháp lý đối với người có công, tham vấn của một số cơ quan thực thi pháp luật đều có kết quả thừa nhận đất sử dụng hợp pháp, đồng thời chỉ ra một số khuyết điểm trong phương án triển khai bồi thường của Hội đồng bồi thường, hỗi trợ và tái định cư. Dựa trên hồ sơ pháp lý của thửa đất và ý kiến trợ giúp trên cơ sở văn bản hướng dẫn thực hiện của Luật đất đai, ông Hồ Văn Toán đã nhiều lần làm đơn gửi Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, phường. Gần mười năm sau ngày UBND thành phố Hà Tĩnh ra Quyết định thu hồi 1.500 m2 đất nhưng gia đình ông Toán vẫn đang mòn mỏi chờ tiền bồi thường…!.
"Diễn trò" khi triển khai bồi thường
Theo báo cáo mới đây bằng văn bản số 146/HĐBT của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cũng cố nâng cấp đê bờ tả Cầu Phủ gửi UBND thành phố Hà Tĩnh thì hộ ông Hồ Văn Toán trong quá trình giải quyết đều cung cấp đầy đủ hồ sơ nhưng do có ý kiến thắc mắc của một số cá nhân nên UBND phường Đại Nài chưa thống nhất xác lập phương án bồi thường, hỗ trợ.
Phòng TN&MT huyện Thạch Hà xác nhận nguồn góc sử dụng đất của gia đình ông Hồ Văn Toán rõ ràng, được nhà nước giao sử dụng ổn định |
Ông Toán khiếu nại, đã thừa nhận hồ sơ được cung cấp đầy đủ tại sao không xử lý dứt điểm. Ngay cả khi Công an tỉnh vào cuộc, UBND huyện Thạch Hà(đơn vị cấp đất cho ông Hồ Văn Toán năm 1989) xác nhận, thắc mắc của một số cá nhân là không có cơ sở, hồ sơ cấp đất của ông Toán vẫn còn lưu trữ ở Phòng TN&MT huyện Thạch Hà nhưng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư vẫn không giải quyết chi trả tiền.
Để có thêm thông tin, PV đã tìm gặp ông Trần Ngọc Thơ – Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cũng cố nâng cấp đê bờ tả Cầu Phủ cung cấp hồ sơ, cho biết: Sau khi có văn bản trả lời của huyện Thạch Hà và xác minh của phường Đại Nài về nguồn góc sử dụng đất, ngày 24/8/2011, Hội đồng BT, HT và TĐC thành phố đã lập lại biên bản kiểm kê khối lượng đất thu hồi của ông Toán và được phê duyệt bồi thường tại Quyết định 2770/QĐ-UBND ngày 13/12/2011, với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Do lúc đó chưa có đủ nguồn kinh phí chi trả nên đến năm 2012, Hội đồng bồi thường lập lại bảng tính điều chỉnh giá để bồi thường với số tiền được phê duyệt là gần 1,4 tỷ đồng.
Quyết định thu hồi đất và triển khai chi trả bồi thường của UBND thành phố Hà Tĩnh năm 2011 nhưng đến nay hộ ông Hồ Văn Toán vẫn chưa được giải quyết |
Theo Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án số 2770/QĐ-UBND, ngày 13/12/2011, do chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Trần Thế Dũng ký, số hộ bị ảnh hưởng dự án là 08 hộ, kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng, đồng thời giao Ban quản lý dự án phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ khối lượng thiệt hại được phê duyệt để tiến hành chi trả cho các đối tượng. Liên quan đến dự án, hầu hết các hộ sau đó đã được giải quyết xong chi trả tiền bồi thường. Mặc dù vậy, ngày tháng trôi qua trong im lặng, mãi đến năm 2017, ông Toán nhận được giấy mời lên nhận tiền bồi thường nhưng thật trớ trêu khi đến nơi lại bị từ chối chi trả, cũng với lý do cũ một số người dân tiếp tục có ý kiến.
Ông Toán bức xúc: “Một mình tôi phải lặn lội gõ cửa đến nhiều cơ quan chức năng để xin hồ sơ, cung cấp, giải thích, chứng minh về nguồn góc sử dụng đất hợp pháp của gia đình. Cán bộ Hội đồng bồi thường thừa nhận nhưng không giải quyết, đến khi hứa giải quyết lại lấy lí do một số người dân có ý kiến phản ánh về hồ sơ nhằm trốn tránh việc thực hiện. Ngay cả việc áp giá đền bù cũng chưa đúng bởi vị trí thu hồi, trên thực địa khác với hồ sơ nhưng họ chưa chịu thừa nhận”.
"Từ nhỏ đam mê viết, lưu giữ tài liệu rất cẩn thận, kể cả những ai vay nợ cách đây 30 năm giờ vẫn còn nên khi nói gì cũng có cơ sở bằng văn bản. Thế nhưng, chính ông cũng không lường trước được mãnh đất của gia đình có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết lại bị chính những người bằng tuổi em, tuổi con mình làm rối rắm, sự việc đang bị hiểu sang một hướng khác...", ông Toán nghẹn ngào khi chia sẽ.
Báo TN&MT tiếp tục thông tin về vụ việc./.
Tác giả: Đức Cảnh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường