Kinh tế

Giá cả bắt đầu leo thang

Dù không bất ngờ, nhưng giá một số mặt hàng tiêu dùng hàng ngày đã bắt đầu tăng. Người tiêu dùng, nhà sản xuất đã bắt đầu “ngấm đòn” kể từ sau cú đúp giá điện, giá xăng tăng.

Giá xăng, giá điện tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng giá.

Doanh nghiệp “ngấm đòn”

Một lái xe taxi của hãng xe Thủ đô Sao than thở: Xăng tăng mà giá cước taxi không tăng nên khó khăn. Tính ra mỗi tháng bây giờ mất thêm 500.000 tiền xăng. Theo tài xế này, từ khi giá xăng tăng, chi phí bỏ ra chạy mỗi km mất thêm 400 đồng. Một tháng trước kia chỉ đổ 5.000.000 đồng tiền xăng thì nay phải mất đến 5.400.000 – 5.500.000 đồng. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá xăng đã tăng mạnh 3 lần liên tiếp với tổng mức tăng khoảng 3.500 đồng/lít, tương ứng khoảng 19%. Hiện xăng E5RON92 ở mức 20.688 đồng/lít; xăng RON95-III 22.191 đồng/lít và dầu diesel 0.05S ở mức 17.695 đồng/lít.

Nhiều ý kiến cho rằng giá xăng tăng lần thứ ba liên tiếp đã đẩy chi phí giá xăng dầu của doanh nghiệp (DN). Chi phí xăng dầu là chi phí chiếm tỷ lệ lớn và quan trọng hàng đầu cấu thành nên giá thành của các DN vận tải. Xăng tăng giá, áp lực chi phí với các DN là không nhỏ. Việc tăng giá cước vận tải cũng được nhiều DN tính tới bởi tác động cộng hưởng của lần tăng giá này đang khiến DN taxi giảm lợi nhuận tới hơn 40%.

Ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam tính toán, giá điện tăng 8,36% thì giá thép có thể tăng trên dưới 100.000 đồng/tấn. Thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng trong đó có điện năng. Do đó, giá điện tăng thì chi phí sản xuất sẽ tăng lên. Tác động của việc tăng giá điện đối với từng DN sẽ khác nhau. Cụ thể, DN sử dụng lò điện hồ quang sẽ chịu tác động nhiều nhất, sau đó là đến các DN sản xuất gang thép liên hợp và cuối cùng là các cơ sở sản xuất cán và sau cán.

Trên thị trường, giá thép tại nhiều nhà máy đã được điều chỉnh. Thép cuộn Pomina 6mm, 8mm, 10mm giá bán dao động từ 14.500 đồng/kg đến 14.840 đồng/kg (tăng 200 đồng/kg). Bên cạnh đó, các mặt hàng thép cây (thanh vằn) cũng tăng giá. Giá thép cây D10 SD390 từ 14.650 đồng/kg tăng lên 14.850 đồng/kg, D12 – D40 SD390 tăng giao động từ 14.500 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg. Giá thép D10 SD295A tăng từ 14.550 đồng/kg lên 14.750 đồng/kg, mặt hàng D12 – D20 CB300V tăng từ 14.400 đồng/kg lên 14.600 đồng/kg.

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), chịu ảnh hưởng nhiều nhất của việc tăng giá bán điện là các DN thuộc nhóm xi măng và các DN thép lò điện, bởi điện chiếm từ 10 – 15% chi phí sản xuất của họ trong khi giá bán khó có thể tăng theo chi phí đầu vào do tính chất cạnh tranh trong ngành.

Đại diện nhiều công ty sản xuất thép cho biết, giá điện tăng đẩy giá thép tăng. Thậm chí, giá xăng, giá điện tăng cũng tác động mạnh đến ngành bất động sản. Hội môi giới bất động sản Việt Nam còn đưa ra quan điểm, quý I vừa qua đã chứng kiến một loạt thay đổi về giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu và điện, điều này sẽ tác động đến giá đầu vào của bất động sản, vật liệu xây dựng, nhân công lao động sẽ tăng theo.

Trong khi đó, ngoài chợ, giá các loại rau xanh cũng tăng khá cao. Một số loại rau như: Rau dền đỏ, rau muống, rau ngót, rau cải có giá từ 8.000 – 12.000 đồng/bó, tăng 1.000 – 2.000 đồng; rau muống 4.000 đồng/bó. Các loại rau Đà Lạt như bắp cải, cà chua… giá từ 35.000 – 75.000 đồng/kg, khoai tây giá 40.000 đồng/kg, nấm các loại từ 50.000 – 100.000 đồng/kg trở lên.

Người tiêu dùng “lãnh đủ”

Với vai trò một người nội trợ, chị Hoàng Khánh Linh (Thụy Khuê – Hà Nội) nói rằng, điện tăng, xăng tăng, chỉ có lương là không tăng. Sau mấy ngày nghỉ lễ thấy người dân là nghèo nhất. “Tháng 4 vừa rồi nhà tôi dùng 397 kWh điện, trả tiền điện hết 956.111 đồng. Trong khi các tháng trước tầm 700.000 đồng. Nhà nuôi con nhỏ, xuống siêu thị mua mỗi bịch bỉm thấy cũng tăng khoảng 15.000 đồng. Chỉ có người tiêu dùng là khổ nhất” – chị Linh chia sẻ.

Còn chị Đặng Thanh Châu (Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội) cho biết, thời điểm này, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh khiến người nội trợ phải tính toán chi li. “Nào xăng tăng giá tổng cộng gần 4.000 đồng/lít, nào hóa đơn điện tăng vùn vụt, giá thịt lợn sạch mua ở siêu thị cũng tăng” – chị Châu nói.

Hiện nay, nhiều siêu thị cũng đang đứng trước áp lực tăng giá khi chủ các nhãn hàng đã bắt đầu gửi bảng báo giá sản phẩm mới. Chẳng hạn như công ty FrieslandCampina thông báo giá bán lẻ của 16 loại sữa tăng thêm 5%, hay như Vinamilk cũng đã thông báo giá mới một số sản phẩm từ tháng 4.

Cần xem lại cơ chế tính giá điện

Ngày 2/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra việc điều chỉnh giá điện và cách tính giá. Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra sau khi Bộ Công thương tăng giá điện từ ngày 20/3 thêm 8,36%. Thực tế nhiều khách hàng khẳng định họ phải trả mức tăng tiền điện cao hơn rất nhiều.

Bàn về giá điện, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ ra 3 điểm bất hợp lý của cách tính giá điện 6 bậc hiện tại. Biểu giá điện theo bậc đã được áp dụng từ năm 1994 với 3 mức, sau đó được điều chỉnh lên 6. Điểm bất cập là 6 bậc giá không còn phù hợp với thực tế tiêu thụ điện hiện nay. “Tỷ trọng lượng điện tiêu thụ ở các bậc đã dịch chuyển. Hộ tiêu dùng điện bậc một (dưới 50 kWh/tháng) năm 2014 chiếm 21,79% tổng số hộ, nhưng đến 2018 giảm chỉ còn 15%. Như vậy tỷ trọng dùng điện đã thay đổi rõ. Hộ dùng điện ít đã giảm đi. Khách hàng dùng trung bình và cao đã tăng lên rồi. Biểu 6 bậc không còn phản ánh thực tế sử dụng điện trong điều kiện hiện nay” – ông Thỏa cho hay.

Ngoài ra biểu 6 bậc gây bất cập trong quản lý, đo đếm tiêu thụ điện, thanh toán tiền điện. Biểu 6 bậc cũng gây khó khăn cho người tiêu dùng điện khi muốn kiểm tra giám sát, tính toán. Bên cạnh đó, khoảng cách về lượng tiêu thụ và chênh lệch giá giữa các bậc không hợp lý. Cụ thể khi tiêu dùng điện tăng, khách hàng phải trả những bậc giá rất cao.

Tác giả: Hồ Hương

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP