Đọc loạt phóng sự điều tra Gánh nặng quê nghèo trên Báo Nông nghiệp Việt Nam từ số ra ngày 6/7/2015, tôi thốt lên câu khác và đã định dùng nó làm tên bài viết này, nhưng rồi chỉ chọn một cái tên trung tính như vậy.
Câu tôi thốt lên đành nuốt vào lòng. Vấn đề trước nhất bây giờ là phải làm rõ sự sai trái đã. Trả những đồng tiền lạm thu cho dân, đấy mới là chuyện nước sôi lửa bỏng lúc này.
Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, thời nào cũng khoan thư sức dân. Ấy là thời khuyến nông, ức công thương; ngân sách quốc gia chỉ trông chờ vào thuế nông nghiệp là chính.
Có triều, như triều đình của vua Lý Công Uẩn cứ ba năm có một năm miễn thuế, còn ở những vùng bão gió hạn hán, tha cả tô lẫn thuế thì không kể. Giảm miễn thuế nông nghiệp tức là chịu để kho rỗng, vua quan tiết giảm chi tiêu cùng dân sống khổ chờ thời.
Chỉ khi thực dân Pháp sang xâm lược và cai trị dân Việt, mới có tình trạng lạm thu, khiến chị Dậu phải bán con, bán chó để nộp thuế – thứ thuế thân vô lý và chưa từng có ở đất này, trước đó.
Dưới chính thể mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, Người luôn nhấn mạnh: Chính quyền của nước ta là của dân, do dân và vì dân.
Từ ngày Đổi mới, chủ trương CNH – HĐH đất nước phù hợp quy luật và đất nước phát triển vượt bậc, đời sống khá giả, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách khoan thư sức dân. Rồi các Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM liên tiếp ra đời, như thổi luồng sinh khí mới vào nông thôn.
Các nước phát triển, các tổ chức phi chính phủ hồ hởi đổ tiền của vào hỗ trợ khuyến nông, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, việc làm, giáo dục, tiêm chủng, phòng chống HIV, chống bạo lực gia đình…
Nghĩa là Nhà nước và các quốc gia tiến bộ trên thế giới đã không mệt mỏi trong sự nghiệp hỗ trợ đời sống nông dân Việt Nam.
Vậy mà ở xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, cán bộ xã đã ban hành những văn bản lạm thu hà bổ khiến người nông dân lâm cảnh bần cùng, khốn khó và bức xúc.
Một trong những biểu hiện tốt đẹp nhất của Đổi mới là khi thu thuế công thương nghiệp và xuất nhập khẩu, Nhà nước đã đủ tiền để có thể miễn thuế nông nghiệp như các nước tiên tiến mà không lo thâm hụt ngân sách.
Vậy nhưng xã Thường Nga vẫn thu và thu biến tướng thuế nông nghiệp: “Từ năm 2010 – 2013, UBND xã đặt ra mức thu cho từng hạng đất như sau: Đất hạng 3 thu 15 kg/sào; đất hạng 4 thu 13,5 kg/sào; đất hạng 5 và khó giao thu 11 kg/sào. Năm 2014, mức thu ấy vẫn giữ nguyên theo đầu sào, tuy thông báo của xã không ghi là hạng đất mà ghi: Phân loại đất tốt và đất trung bình”.
Nếu như việc miễn thuế nông nghiệp là biểu hiện tốt đẹp, công bằng từ Nhà nước rót xuống cho nông dân, Ủy ban xã tạo ra hệ thu mới biến tướng để xóa sạch là việc làm sai trái, nhưng dẫu sao cũng còn “sợ trên” mà biến báo đi, nhưng còn khoản thu 30.000 đ/khẩu để trả lương “cán bộ” xã, thôn như ở xã Kim Lộc hay thu 28.000 đ/sào ở xã Thanh Lộc lại vừa phi pháp vừa trắng trợn.
Hệ thống ngân sách trả lương đến Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, đó là điều ai cũng biết; vậy thì sao còn bắt dân nộp để trả thêm?
Cũng xin chỉ rõ, trước 1945, cán bộ xã như Hội đồng kỳ mục, chánh phó lý, trương tuần… không có lương rót từ trên. Họ được trả lương bằng ruộng công, gọi là công điền.
Hiện chúng ta có 5% ruộng công điền, nếu căn cơ vì dân, chính quyền xã chỉ là cán bộ chứ không biến thành hệ thống quan liêu, thì chỉ riêng 5% ruộng công là có thể tùng tiệm sống.
Nhưng ruộng công ở một số nơi đã bán hoặc “cho thuê” lợi tức thu một lần đã tiêu mất rồi, nên Nhà nước rót tiền xuống để trả lương thường xuyên. Vậy mà còn thu mỗi khẩu 30.000đ thì quá lắm.
Tôi trộm nghĩ, người nông dân làm mấy sào ruộng, thì cần gì nhiều cán bộ chỉ đạo, giáo dục? Họ có cần không? Hay chỉ là do mấy ông trên bịa ra sự cần thiết ấy để lạm thu của nông dân?
Cái khoản thu thậm vô lý “Quỹ giao thông thủy lợi phục vụ sản xuất” ở xã Thường Nga thì cán bộ xã không còn coi ai ra gì nữa. Một kiểu vô pháp vô thiên.
Là bởi vì làm đường giao thông nông thôn hay làm giao thông thủy lợi nội đồng ngoài toàn bộ xi măng Nhà nước cho thì mỗi khẩu đã đóng 200.000đ và mỗi sào đã thu 3 kg hoặc bằng tiền là 20.000đ rồi. Vậy đây đích thị là một thứ quỹ tham ô.
Hình ảnh ông Chủ tịch xã Kim Lộc Trần Văn Hữu ngồi trong phòng máy lạnh phần nào thể hiện hành trình đi và đến của những khoản thu như thế. Các khoản thu khiến người dân khánh kiệt. Nó tương phản một cách gắt gao với hình ảnh bà Lê Thị Hương khóc lóc khi kể với phóng viên cảnh cơ hàn của mình do chủ trương hà thu lạm bổ của xã đưa đến. Tôi đã không cầm nổi nước mắt trước hình ảnh ấy.
Nhưng lòng tôi càng cay đắng hơn khi đọc những dòng chữ khiến nhức nhối tâm can: “Hàng chục năm trước, mỗi lần đến chiến dịch, lúa tươi gặt về mới chỉ đến sân người ta đã ập đến gạt phần rạ đi mà xúc để đủ chỉ tiêu. Bây giờ có khá hơn là xã vận động người dân tự mang tiền lên điểm thu nộp nhưng về bản chất nhiều gia đình vẫn phải bán sạch lúa, thậm chí là vay mượn để mà đóng đậu. Em gái tôi từng nghĩ quẩn: Hay em ra đường cho xe tông chết đi để nhà ta lấy tiền đền mà nộp sản?”.
Tôi trộm nghĩ, việc khoan thư sức dân vừa là đạo lý vừa là khoa học chính trị, là nguyên tắc lãnh đạo dân, làm cho dân – nước là một, dân – vua – quan là một. Nghĩa là đoàn kết và cũng là hạt nhân của sức mạnh dân tộc.
Suốt 30 năm “kháng chiến chống hai đế quốc to”, toàn Đảng toàn Dân cùng thắt lưng buộc bụng, cả nước sống bằng niềm tin. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vững tin vào đạo lý và khoa học chính trị, được đúc kết từ Lịch sử Đại Việt và từ nhân loại cả ngàn năm.
Sách Mạnh Tử viết: Vua Tề hỏi Khổng Tử: “Ta muốn trong ba năm nước mạnh, nhưng cùng lúc không thể mạnh cả ba, là dân ấm no, binh lực mạnh và niềm tin bền vững thì phải thế nào?”. Đáp: “Thì phải từng thứ một”. “Nếu gác lại một, thì gác điều gì?”. “Bỏ quân sự”. Lại hỏi: “Nếu gác lại hai?”. Đáp: “Bỏ ấm no lại”.
Vâng! Niềm tin đã đưa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngân khố rỗng, toàn Đảng toàn Dân đói ăn khát uống và vũ khí chỉ có tầm vông giáo mác nghĩa là không có gì mà chiến thắng lẫy lừng hai đế quốc to. Tất cả chỉ bằng Niềm Tin. Cảm giác yên tâm tin tưởng thời ấy còn lại đến tận bây giờ, xin đừng coi là chuyện xưa.