Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo chuyên đề về thanh tra của Bộ TN&MT tổ chức ngày 17/11 khi trả lời câu hỏi của phóng viên.
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển tại cuộc họp báo – ảnh: Xuân Hưng
– Thưa ông, tại sao năm 2015, Bộ TN&MT đã tiến hành thanh tra đối với Formosa nhưng không phát hiện sai phạm mà đến năm 2016, sau khi sự cố xảy ra lại phát hiện tới 53 sai phạm?
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường: Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường tiến hành thanh tra Formosa trong tháng 6/2015. Lúc này, công ty đang xây dựng và lò cốc số 1 đến tháng 11/2015 mới hoàn thành. Lúc đó, Formosa đang xây dựng và họ cấm không được vào công trình xây dựng. Việc Formosa đã chuyển sang xây dựng phương án dập cốc ướt khi mà theo ĐTM 2008, Bộ yêu cầu dập cốc khô thì phải sau khi đọc toàn bộ các tài liệu chúng tôi mới phát hiện ra. Dù công nghệ luyện cốc dập ướt, nước, hay khí trơ thì lượng nước thải trong quá trình rửa vẫn như nhau.
– Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, Bộ đã tiến hành thanh tra Formosa từ tháng 5 đến tháng 11/2015. Đây cũng là thời điểm mà công trình xây dựng đã hoàn thành. Vậy trong một khoảng thời gian dài như vậy tại sao đoàn thanh tra lại không phát hiện ra sai phạm của Formosa? Và Formosa ngăn cản đoàn thanh tra của Bộ như vậy có vi phạm pháp luật hay không?
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: Trên thực tế, đoàn thanh tra chỉ tiến hành thanh tra Formosa trong có 2 tuần trong tháng 5/2015 chứ không phải là thanh tra trong mấy tháng, và là thanh tra theo kế hoạch, theo chương trình chứ không phải là thanh tra tất cả, muốn thanh tra gì thì thanh tra.
Vì tại thời điểm tháng 5/2015, Formosa thi công, nhiều hạng mục chưa hoạt động nên nội dung thanh tra chỉ hạn chế một số vấn đề và không xem xét công nghệ do nhà máy đang thi công.
– Công nghệ dập cốc khô và công nghệ dập cốc ướt đều tiêu tốn một lượng nước như nhau, tức là nước thải ra như nhau, vậy tại sao hiện nay chúng ta bắt buộc Formosa phải sử dụng công nghệ dập cốc khô?
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Formosa trình cấp phép lên Bộ, Formosa báo cáo sử dụng công nghệ dập cốc khô nhưng khi thực hiện lại sử dụng công nghệ dập cốc ướt. Theo Luật Bảo vệ Môi trường, nếu dự án có thay đổi công nghệ phải báo cáo lên Bộ. Do Formosa không báo cáo nên đoàn thanh tra liên ngành sau đó phát hiện đã xử lý vi phạm này với Formosa và yêu cầu Formosa thực hiện đúng như công nghệ đã đăng ký ban đầu.
– Tại sao Trước khi xảy ra sự cố, Formosa đã 7 lần gửi văn bản báo cáo về việc vận hành các công trình trong nhà máy nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã không vào Hà Tĩnh để tiến hành kiểm tra, giám sát? Có phải đây là nguyên nhân khiến cho sự cố không được ngăn chặn kịp thời?
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2015, đối với các nhà máy, cơ sở sản xuất trước khi đi vào hoạt động phải báo cáo để Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận về công trình bảo vệ môi trường đã hoàn thành. Formosa là một khu liên hợp sản xuất có rất nhiều công trình, hạng mục công trình nhưng không phải hoàn thành một lúc, một thời điểm mà hoàn thành nhiều tổ hợp khác nhau, nhiều lúc khác nhau. Formosa đã thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ xác nhận các công trình bảo vệ môi trường đã hoàn thành trước khi đưa vào vận hành.
Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là xác nhận công trình bảo vệ môi trường xem theo ĐTM, Formosa đã hoàn thành đúng như thế chưa.
Trong thời gian trước sự cố, Formosa đã có 7 lần thông báo về việc vận hành thử nghiệm và yêu cầu Bộ phải xác nhận. Theo quy định của pháp luật, sau khi vận hành thí điểm 6 tháng thì họ sẽ thông báo và Bộ sẽ vào kiểm tra, thấy được rồi thì làm xác nhận. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì vẫn đang trong thời hạn cho phép vận hành thử thì đã xảy ra sự cố này.
Do vậy, bây giờ nói Tổng cục Môi trường sai thì không phải, nói Formosa sai thì cũng có cái sai, nhưng là đang trong giai đoạn vận hành chạy thử. Tổng cục Môi trường cũng thấy một phần trách nhiệm, nếu kịp thời hơn chắc là không để xảy ra việc đó.
Đây chính là lỗ hổng pháp luật, Bộ đã báo cáo Chính phủ và phải sửa luật để làm sao, trong quá trình vận hành thử nghiệm cũng phải được phép vào kiểm tra.
– Xin cảm ơn ông.
Thủy điện Hố Hô bi phát hiện 5 lỗi vi phạm, phạt 115,5 triệu đồng
Chánh Thanh tra Bộ TN-MT Lê Quốc Trung vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 hành vi vi phạm về quản lý tài nguyên nước của Công ty cổ phần thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) với tổng số tiền phạt là 115,5 triệu đồng.
Cụ thể, lỗi không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa theo quy định, áp dụng hình phạt tiền 35 triệu đồng; lỗi không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình, phạt 35 triệu đồng; lỗi thực hiện không đúng quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước, phạt tiền 17,5 triệu đồng; lỗi không thực hiện vận hành hồ đảm bảo dòng chảy tối thiểu sau công trình, phạt 25 triệu đồng; lỗi không thực hiện chế độ báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phạt tiền 3 triệu đồng.
Xuân Hưng