Nơi đây, mỗi tên đất, tên làng, mỗi dòng sông, ngọn núi một thời gồng mình trong mưa bom, bão đạn của quân thù để chở che cho những đoàn quân ra trận, hôm nay đang vươn mình trỗi dậy sức sống mới với những miệt làng xanh tươi, trù phú thật ấn tượng.
Những cung đường huyền thoại
Trời tháng Bảy trong xanh vời vợi. Từ Ngã ba Lạc Thiện, con đường quốc lộ 15A năm xưa chi chít hố bom xới, đạn cày nay đã được rải nhựa phẳng phiu, như một dải lụa mềm xuyên trong ánh nắng ban mai, uốn lượn quanh co giữa những miệt làng, chạy thẳng vào ngã ba Khe Giao đấu nối với cung đường 21 trước khi hướng mình lên dãy núi Trà Sơn.
Nằm về phía Đông Trường Sơn hùng vĩ, dãy núi Trà Sơn với địa hình đồi núi nhấp nhô lượn sóng, thoải dần từ Nam ra Bắc, tạo thành thế trận vững chắc cho các lực lượng bảo vệ các tuyến đường 15A, 21, 22… huyết mạch giao thông quan trọng của đường mòn Hồ Chí Minh. Đường mòn Hồ Chí Minh dài hàng ngàn km bắt đầu từ huyện Tân Kỳ thuộc tỉnh Nghệ An đi dọc theo sườn Đông của dãy Trường Sơn qua địa phận Hà Tĩnh, Quãng Bình, Quảng Trị… kéo dài vào tỉnh Kiên Giang, sang tận hạ Lào và Campuchia. Binh đoàn Trường Sơn (đoàn 559) là đơn vị tiền phương trực tiếp chỉ huy các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để bảo đảm hoạt động của hệ thống đường này.
Theo Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, nguyên Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Quân khu 4: Năm 1959, đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn (đường 15A) được khai thông cùng với đường 21, 22 làm nên một mạng lưới giao thông chiến lược chi viện cho miền Nam và trở thành tuyến lửa mang đầy những chứng tích chiến tranh bi tráng. Cũng chính nơi đây, quân và dân Hà Tĩnh đã cùng với cả nước làm nên những chiến thắng thần kỳ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc non sông.
Hoài niệm về quá khứ, Phó chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Hà Tĩnh Võ Tá Lý – cựu TNXP một thời nếm mật, nằm gai nơi mặt trận Ngã Ba Đồng Lộc không nén nổi cảm xúc về sự khốc liệt của chiến tranh. Ông kể: Đường 15A dài khoảng hơn 100km bắt đầu từ Ngã ba Lạc Thiện đi qua Nga Lộc, Phú Lộc, Thượng Lộc, Đồng Lộc vào Ngã ba Khe Giao đi lên địa phận Hương Khê vào đến tận Quảng Bình. Đường 15A được duy trì hoạt động thông suốt cho đến những năm 67 thì bị phát hiện và địch tăng cường đánh phá ác liệt. Do đó, đường 21 và đường 22 trở thành tuyến đường tránh an toàn để chi viện cho tiền tuyến. Đường 21 chỉ dài khoảng hơn 20km, bắt đầu từ Ngã ba Khe Giao men dọc theo chân Trà Sơn vào Cẩm Xuyên và nối với đường 22 tại ngã Thình Thình. Từ Cẩm Sơn, đường 22 được phóng tuyến xuyên qua dãy núi Trà Sơn vượt vào Kỳ Thượng sang Kỳ Lâm. Rồi từ Ngã ba Kỳ Lâm, đường 22 tiếp tục rẽ phải theo hướng Tây Nam qua Kỳ Lạc vào địa phận các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị để nối với đường 9 Nam Lào.
Bấy giờ, giặc Mỹ đã đánh phá hệ thống giao thông này bằng các chiến dịch không kích hủy diệt với hàng vạn tấn bom, đạn và hóa chất diệt chủng DIOXIN. Chính vì vậy mà hệ thống đường Trường Sơn ngày càng trở nên khốc liệt. Xã Thượng Lộc (Can Lộc) là nơi cất giấu rất nhiều kho quân lương và vũ khí đạn dược vừa là trận địa tên lửa, pháo cao xạ phòng không của bộ đội được triển khai để bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc nên máy bay giặc ngày đêm quần thảo, lùng sục, dùng cả B52 đánh bom phá hủy nhà cửa, cầu cống và giết hại hàng trăm dân thường. Chỉ tính từ 1965 đến năm 1973 máy bay Mỹ đã trút xuống Thượng Lộc hơn 13.368 quả bom. Mặc bom đạn Mỹ cày xới, quân và dân Hà Tĩnh nói chung và các địa phương có đường mòn đi qua nói riêng đã không tiếc máu xương, sẵn sàng dốc hết sức người, sức của với tinh thần “ Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “ Thóc thừa cân, quân thừa người” cùng cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Ngày và đêm, từng đoàn xe tấp nập nối đuôi nhau vận chuyển hàng hoá, quân lương chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng nhiều, do đó máy bay địch càng điên cuồng lùng sục, bắn phá. Những địa chỉ như cầu Tùng Cóc, Cổ Ngựa, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Kén, Khe Giao (Can Lộc); Bến phà Địa Lợi, cầu Tân, cầu Đá Lậu (Hương Khê); Ngã ba Thình Thình, cầu Rác, sân bay dã chiến Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên); Rào Trâm, Rào Ngoốc, Ngã ba Kỳ Lâm, Kỳ Lạc ( Kỳ Anh)… đều là mục tiêu bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ, dù đến nay đã được phủ kín một màu xanh cây trái nhưng những vết hằn rỉ máu của chiến tranh vẫn còn nguyên trong từng thớ đất.
Đặc biệt, mặt trận Ngã ba Đồng Lộc được coi là túi bom, chảo lửa của những năm đánh giặc. Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta hướng về chiến trường miền Nam. Nơi này đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1968, máy bay địch địch đã trút xuống Ngã ba Đồng Lộc hơn 48.600 quả bom các loại.
Nơi đây, Trung đoàn pháo 210, các đơn vị ngành GTVT, 7/8 đại đội TNXP N 55 P 18 và nhiều lực lượng khác đã đem tuổi xuân, xương máu của mình hiến dâng cho đất nước, kiên cường, anh dũng bám đường thông xe. Tiêu biểu là Tiểu đội TNXP Võ Thị Tần và chín nữ thanh niên xung phong đã hóa thân vào khúc tráng ca bất tử cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Khúc tráng ca thổi bùng sức sống mới
Sau hơn 45 năm khói lửa chiến tranh dừng tắt, những tên đất, tên làng, những ngọn núi, dòng sông, những cung đường Trường Sơn huyền thoại một thời gồng mình lên giữa mưa bom, lửa đạn để che chở cho những đoàn quân ra trận chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc giờ đây đang trỗi dậy một màu xanh tràn đầy sức sống mới. Những chứng tích chiến trận hào hùng năm xưa thấm ướt máu đào của các Anh hùng liệt sĩ trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng với nhiều cụm di tích lịch sử được xây cất khang trang như một lời tri ân tháng Bảy.
Chúng tôi ghé Đồng Lộc, thắp nén hương tưởng niệm các nữ anh hùng liệt sĩ TNXP, hương bồ kết phảng phất đâu đây thêm bồi hồi nhịp bước chân đi. Dạo quanh các miệt làng quê vùng Thượng Can, được chứng kiến khung cảnh làm ăn sôi động của bà nông dân Thượng Lộc với những mô hình kinh tế mới thật đa dạng. Những hố bom giặc Mỹ cày xéo năm xưa đã được nhân dân san lấp cấy lúa, trồng khoai, mở mang trang trại, phát triển kinh tế hàng hóa theo hướng xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Viết Chuân cho biết: Thượng Lộc xưa nghèo kiệt quệ vì chiến tranh. Từ khi đất nước hòa bình đến nay, dưới ánh sáng đường lối mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân xã Thượng Lộc luôn bám sát Nghị quyết của Đảng, chủ động phát huy nội lực, tạo được nhiều bước đột phá mạnh mẽ, cùng với nhiều chính sách khuyến nông được đưa vào cuốc sống, góp phần không ngừng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội. Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm cơ bản được địa phương đầu tư nâng cấp khang trang phù hợp với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhờ tích cực cơ cấu, chuyển đổi cây trồng mùa vụ nên mấy năm qua, bà con nông dân Thượng Lộc liên tục được mùa, sản lượng thu hoạch nông nghiệp ngày càng tăng.
Năm 2012 tổng thu nhập của Thượng Lộc đạt gần 77 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 14 triệu đồng/năm. Chất lượng đời sống an sinh xã hội trên địa bàn ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, sau hai năm triển khai Nghị quyết tam nông, bộ mặt kinh tế nông thôn của Thượng Lộc ngày càng thay gia đổi thịt hẳn lên. Cùng với sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân mạnh dạn mở hướng đầu tư phát triển kinh tế trang trại, trồng cây ăn quả, chăn nuôi liên kết tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến thăm vườn hộ của gia đình chị Phan Thị Hiền ở xóm Anh Hùng, đi giữa những miệt vườn cam, bưởi xanh tươi mát rượi thật thích mắt. Cách đường 15 A về phía Tây khoảng chừng 5km, khu vườn của gia đình chị Hiền nằm cheo leo trên một quả đồi xanh trù phú với đủ loại cây trồng như gió trầm, tràm, keo nguyên liệu, cam, bưởi đang thỏa sức cho mùa quả ngọt. Vườn đồi của chị Hiền rộng khoảng hơn 2ha, trong đó cam là cây chủ lực chiếm gần một nửa diện tích với hơn 800 gốc. Chị Hiền chia sẻ: “Những năm qua, nhờ hiệu quả kinh tế vườn đồi cuộc sống của gia đình khởi sắc hẳn lên”.
Bình quân hằng năm, gia đình chị Hiền thu nhập gần cả tỷ bạc từ cây cam, cây bưởi và gió trầm. Riêng vụ mùa vừa qua chị Hiền đã xuất bán ra thị trường hơn 12 tấn cam thương phẩm thu về gần 400 triệu đồng. “Hiện nay, gia đình đang triển khai trồng thêm khoảng 400 gốc cam và kết hợp với chăn nuôi nhằm phát triển mô hình kinh tế tổng hợp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững”, chị Hiền cởi mở.
Gia đình anh Đặng Văn Hạnh ở xóm Sơn Bình nuôi lợn theo mô hình liên kết với tập đoàn CP, nhiều năm nay cũng cho thu nhập hàng tỷ đồng. Hiện nay, dự án chăn nuôi lợn thịt của hộ anh Hạnh đang được đầu tư nâng cấp quy mô chuồng trại để tăng đàn lên 4.000 con và dự kiến sẽ cho thu nhập gần năm tỷ đồng/ năm.
Cùng với Thượng Lộc, nơi vùng thượng Kỳ Anh, những miệt làng quanh Ngã ba Kỳ Lâm ngày xưa cũng bị bom đạn giặc Mỹ cày xới tan hoang, giờ đây đang trỗi dậy sức sống mới. Dọc tỉnh lộ 12, theo hướng Tây nam, chúng tôi ngược ngàn, xuyên nắng lên vùng thượng Kỳ Anh với tâm nguyện được thắp nén hương thơm nơi tượng đài TNXP ở Ngã ba Kỳ Lâm, để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu hy sinh để bảo vệ tuyến đường 22 – con đường chiến lược nối hậu phương với tiền tuyến. Địa bàn xã Kỳ Lâm năm xưa là nơi đóng quân của các tổng đội TNXP, các đơn vị xe máy mở đường và các binh trạm giao liên 22, 25 của Tổng cục Hậu cần. Đây cũng là nơi đơn vị pháo phòng không Nguyễn Viết Xuân đã từng lập nên những chiến công vang dội, khiến lũ giặc lái máy bay Mỹ phải khiếp vía kinh hồn.
Chiến tranh đi qua, những người con anh hùng nơi vùng đất bình nguyên của cực Nam Hà Tĩnh lại say sưa tay cuốc, tay cày cần mẫn lao động để xây đắp cuộc sống. Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Lâm Trương Quốc Việt phấn khởi chia sẻ: Các hộ gia đình sống ven trục đường 22 và đường 12 đã chủ động mở mang thêm nhiều ngành nghề dịch vụ để tạo việc làm, tăng thu nhập. Xã đã chủ động đưa Nghị quyết tam nông vào cuộc sống với nhiều chương trình hoạt động thiết thực, không ngừng cải thiện bộ mặt kinh tế nông thôn. Theo đó, nhiều mô hình kinh tế hộ được chỉ đạo chuyển hướng đầu tư phát triển trang trại, trồng cây ăn qủa, cây nguyên liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung liên kết nhằm tạo sản phẩm chủ lực để xóa đói giảm nghèo.
Tiêu biểu, mô hình vườn hộ gia đình ông Lê minh ở xóm Tân Hà đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển trồng rừng nguyên liệu, ngăn đập tạo ao nuôi cá và nuôi gà tập trung với tổng đàn hơn 2000 con, cho thu nhập hàng năm đạt gần 3-4 trăm triệu đồng. Hộ gia đình ông Lê Hồng Phong ở xóm Sơn Hà hưởng ứng phong trào làm kinh tế mô hình NTM, cũng đã bỏ vốn 280 triệu đồng để xây dựng trang tại chăn nuôi lợn tập trung, quy mô trên 200 con, vừa mới thu hoạc lứa đầu đã cho thu nhập gần cả trăm triệu đồng.
Đặc biệt, đến thăm vườn trại của gia đình chị Hoa ở xóm Đông Hà, chúng tôi càng thán phục tư duy làm ăn lớn của bà con nông dân vùng thượng ngày nay. Khu vườn hộ gia đình bà Phạm Thị Hoa rộng gần 15ha được quy hoạch trồng cây nguyên liệu, cây ăn quả, nuôi lợn rừng, hằng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Năm nay mới độ ngoài 50, thoạt nhìn chị Hoa có vẻ già hơn tuổi tác. Phụ nữ miền rừng trèo truông, lội suối, đào đất lật sỏi giỏi giang chẳng kém đấng mày râu. “Nhờ doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra, hiện nay gia đình tôi đang triển khai đầu tư 2000m2 chuồng trại để nuôi lợn liên kết với quy mô khoảng hơn 2000 con. Mô hình sản xuất liên kết đã được triển khai ở nhiều nơi cho thu nhập rất cao”, chị Hoa chia sẻ.
Chồng chị Hoa là ông Lê Viết Hừng (thương binh hạng nặng 3/4, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường B) hiện đang là Phó chủ tịch Hội nông dân xã, năm nay đã bước sang tuổi 60 nhưng vẫn rất hăng say với công việc xã hội. Thấy mô hình làm ăn của gia đình ngày càng phát huy hiệu quả, ông Hừng đã chia sẻ kinh nghiệm với các hội viên trong xã và vận động bà con mạnh dạn làm theo. Nhiều hộ gia đình được ông cho vay vốn sản xuất, làm giàu ngay trên vùng rừng một thời nghèo kiệt.
Phía đằng Tây, mặt trời đang chầm chậm gối đầu nơi đỉnh Trường Sơn. Vang vẳng đâu đây, tiếng chim rừng líu lo gọi bầy về tổ. Chia tay gia đình ông Hừng, bà Hoa, tạm biệt những miệt làng vùng thượng, chúng tôi như hòa vào cảnh sắc của cung đường Trường Sơn những năm đổi mới.
QUANG SÁNG
Nhân Dân