Thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước phản ánh về việc trạm thu phí bủa vây khiến doanh nghiệp tỉnh này phải chịu chi phí quá lớn đang gây bức xúc trong dư luận.
Theo phản ánh của Hiệp hội, tỉnh lộ 741 là tuyến đường huyết mạch của Bình Phước, là cửa ngõ lưu thông hàng hòa từ Bình Phước đi TP.HCM và ngược lại, chỉ dài khoảng 120km nhưng có đến 6 trạm BOT.
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân khi nghe thông tin trên ngạc nhiên đến mức phải hỏi lại rồi chua chát khẳng định, nếu cứ khoảng 20km đường lại có một trạm thu phí như vậy thì quả thực đã đạt kỷ lục Guiness của Việt Nam và thế giới về BOT.
Theo quy định về đặt trạm thu phí thì khoảng cách giữa các trạm là 70km. Vì vậy, GS Đào một lần nữa ngạc nhiên không kém khi UBND tỉnh Bình Phước và Bộ GTVT chưa có biện pháp xử lý ngay.
Ông cho biết, về lịch sử, tỉnh lộ 741 là quốc lộ, không phải đường mới để địa phương và nhà đầu tư phải khai phá, mở đường. Địa phương cũng không thể vì lý do lịch sử để lại, do từng giai đoạn đầu tư mà đổ gánh nặng lên đầu người dân và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp ở Bình Phước than vì đường quá nhiều trạm thu phí. Ảnh: Tiền phong |
"Địa phương nhìn thấy sự bất hợp lý nhưng lại đòi doanh nghiệp phải chia sẻ. Không thể lấy lý do khó khăn mà đòi hỏi doanh nghiệp phải chia sẻ.
Chia sẻ là gì khi nhà đầu tư chỉ đổ một ít tiền làm đường rồi dựng trạm thu phí trong 25-30 năm rồi bắt doanh nghiệp đóng góp? Điều đó không thể chấp nhận được. Tại sao lại bắt doanh nghiệp phải chấp nhận bất cập và chịu đựng gánh nặng chi phí?
Tại nhiều địa phương, người dân khổ vì trạm BOT đã phải bức xúc phản đối, Bình Phước phải lấy đó làm bài học để đừng để xảy ra chuyện tương tự", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển chỉ rõ.
GS.TS Đặng Đình Đào dẫn lại chính tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước để chứng minh cho gánh nặng chi phí cũng như sự phi lý mà doanh nghiệp đang phải chịu đựng.
Đó là, một sản phẩm tại Bình Phước làm ra thì doanh nghiệp phải chịu 24 lần phí BOT (12 lần cho lấy nguyên liệu và 12 lần cho vận chuyển hàng hóa ra khỏi Bình Phước).
Chi phí xăng dầu chiếm khoảng 35-40% chi phí vận tải, giờ thêm chi phí qua trạm BOT ngang với chi phí xăng dầu, vậy sức nào của doanh nghiệp chịu đựng nổi? Bởi chi phí quá đắt đỏ nên vị chuyên gia khẳng định, chính điều này cũng gây bất lợi cho phát triển kinh tế của Bình Phước, doanh nghiệp không dám đầu tư.
"Chi phí logistics quá đắt đỏ sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giết chết sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong khi Chính phủ và nhiều địa phương khác đang làm hết sức để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn thì ở đây dường như lại đi ngược lại", GS.TS Đặng Đình Đào gay gắt.
Trước đó, nhiều ý kiến dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về việc dịch vụ logistics của Việt Nam có nhiều cải thiện khi tăng 25 bậc trong chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI), từ vị trí thứ 64 (năm 2016) lên vị trí 39 (năm 2018); tất cả các chỉ số đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc, trong đó, có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc), coi đó như một thành tích.
Thế nhưng, vị chuyên gia về logistics khẳng định, tất cả chỉ là trên mây khi chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao và vẫn tồn tại những đoạn đường "khủng khiếp" như doanh nghiệp Bình Phước phản ánh. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của hoạt động xuất khẩu, làm tăng chi phí hàng hóa tiêu dùng.
"Kỷ lục này cần cho các địa phương trên cả nước biết để đừng bao giờ lặp lại bài học này.
Tôi cho rằng, các cơ quan thanh tra, kiểm toán cần phải vào cuộc giám sát, kiểm tra lại xem mức đầu tư tại 6 trạm BOT trên tỉnh lộ 741 thế nào, đã hợp lý hay chưa?
Việc thu phí trong các năm qua thế nào, nếu đã đủ hoàn vốn và cho nhà đầu tư một mức lãi hợp lý thì phải ngừng thu phí, không thể để doanh nghiệp chịu đựng gánh nặng chi phí quá lớn như thế và cũng để tránh nguy cơ bùng phát những phản ứng không hay về sau", GS.TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.
Tác giả: Thành Luân
Nguồn tin: Báo Đất Việt