Di tích - Thắng cảnh

Du khách bị chèo kéo, “chặt chém” tại lễ hội chùa Hương Tích

Tại khu vực chùa Hương Tích (Thiên Lộc – Hà Tĩnh) ngay trong ngày khai hội (mồng 6 tháng Giêng), án mạng đã xảy ra nhưng không có bộ phận y tế sơ cứu, chăm sóc nạn nhân; bộ phận làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự mỏng, kèm theo những hoạt động chèo kéo khách tự phát của dân địa phương… khiến cho hoạt động lễ hội tại đây trở nên lộn xộn.

Xảy ra thương vong, người dân phải tự đưa nạn nhân đi cấp cứu

Do có mâu thuẫn từ trước, hai nhóm thanh niên đến từ TP. Vinh – Nghệ An tình cờ gặp nhau tại Lễ khai Hội chùa Hương Tích (Thiên Lộc – Can Lộc), hai bên đã xông vào nhau “khai đao”, hậu quả là 2 người thương vong, trong đó có 01 người bị đâm vào cổ, đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Điều đáng bàn ở đây, khi xảy ra vụ xô xát, lực lượng an ninh bảo vệ chùa không kịp thời có mặt để can thiệp dẫn đến hậu quả xấu đã xảy ra. Càng đáng nói hơn, khi nạn nhân bị đâm trọng thương, không có cán bộ y tế xuất hiện làm nhiệm vụ sơ cứu. Trong lúc đó, theo ông Nguyễn Duy Đức- Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Hương Tích, thì trong buổi sáng ngày khai hội (ngày xảy ra án mạng), có 6 cán bộ y tế ở khu vực sân bãi của Ban Quản lý, tuy nhiên họ không có mặt ở khu vực chùa? Điều này lý giải tại sao khi thương vong xảy ra ở khu vực chùa (là điểm tập trung đông du khách về lễ hội), người dân và bạn bè của nạn nhân đã phải tự sơ cứu và cáng nạn nhân đi cấp cứu. Hành động tự phát, thiếu trang thiết bị và kiến thức chuyên môn đó đã ảnh hưởng không nhỏ dẫn đến hậu quả nạn nhân Hưng bị mất máu nhiều và chết trên đường đi cấp cứu.

Lực lượng giữ gìn an ninh trật tự rất ít tại khu vực chính của chùa Hương Tích.
Lực lượng giữ gìn an ninh trật tự rất ít tại khu vực chính của chùa Hương Tích.

Một người dân bán hàng lễ ở đây cũng cho biết, vài năm trước, một người kinh doanh buôn bán ở khu vực chùa bị lên cơn co giật, do không có cán bộ y tế sơ cứu kịp thời, cũng đã chết trên đường đi cấp cứu. Lý giải cho việc không có cán bộ y tế tại khu vực chùa, ông Nguyễn Duy Đức, Trưởng ban Quản lý di tích chùa Hương Tích cho biết: “Chưa có hợp đồng với cán bộ y tế để họ có mặt tại chùa trong mùa lễ hội, chỉ khi nào có sự cố điện cho họ, thì họ mới đến”?! Trong lúc đó, từ chân núi lên đến khu vực chùa, phải đi qua rất nhiều chặng, nhanh nhất là đi thuyền nhiều km mới đến ga cáp treo, rồi đi cáp treo thêm 15 phút nữa mới có thể đến khu vực chùa… Chỉ chừng đó thời gian thì khi cán bộ y tế xuất hiện tại khu vực chùa cũng đã quá muộn cho một sự cố thương tích. Đấy là chưa nói đến tình trạng ùn tắc cục bộ tại khu vực cáp treo mùa lễ hội, khiến cho việc cán bộ y tế đi lên khu vực chùa cấp cứu nạn nhân và đưa nạn nhân xuống núi cấp cứu mất rất nhiều thời gian, trong khi đó “cứu người như cứu hỏa”, chậm phút nào sẽ chuyển biến xấu chút đó!

Điều này, cho thấy sự tắc trách của đơn vị tổ chức Lễ hội chùa Hương Tích khi không hợp đồng với đơn vị y tế để có cán bộ y tế thường xuyên túc trực tại khu vực chùa, đề phòng sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt mùa lễ hội kéo dài từ đầu năm cho đến hết tháng 3.

Du khách tha hồ bị chèo kéo, “chặt chém”

Dịch vụ y tế không có, không chăm sóc, bảo vệ được sức khỏe của du khách về hành hương mùa lễ hội, nhưng ngay cả việc bảo vệ du khách trước thực trạng chèo kéo, “chặt chém” nơi đây cũng đang bị thả nổi.

Một du khách có mặt trong ngày khai hội bức xúc: “Giá vé gửi xe máy ghi rõ là 3.000đ, nhưng nhân viên giữ xe tự ý đẩy lên 5.000 đồng. Chỉ khi khách thắc mắc mới trả lại tiền thừa. Đấy là chưa nói nhiều “cò” đưa khách qua cổng soát vé một cách ngang nhiên mà không phải mua vé 10.000 đồng/người theo quy định, tuy nhiên sau đó vẫn phải đưa cho “cò” 10.000 đồng/người khi đã qua cổng soát vé”. Điều này, cho thấy tiền vé thực tế thu vào đang bị “thâm hụt” bởi nhiều du khách đã theo chân “cò” đi qua cổng soát vé một cách ngang nhiên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì những “cò” đưa khách qua cổng soát vé mà không phải mua vé này rất có thể là người nhà của bộ phận soát vé. Bởi khi được hỏi, một “cò” đã vui vẻ cho biết anh ta là người nhà của người soát vé?!

Một thực trạng đáng buồn nữa là xuất hiện bãi giữ xe tự phát của tư nhân ở cách bãi giữ xe của Ban Quản lý sâu vào phía chân núi 3km (gần với ga cáp treo), hàng ngàn xe máy đã vô tư lọt qua cổng gác rồi chạy vào đây để tiết kiệm quãng đường đi bộ 3km hoặc đi thuyền qua đập nhà Đường, rồi chấp nhận bị “chém” với giá 10.000 đồng/xe máy. Khẳng định có thực trạng này, ông Đức lý giải là do bãi xe của Ban Quản lý bị quá tải nên hình thành thêm một bãi giữ xe tự phát bên trong. Ông Đức nhấn mạnh: “Nếu mất xe ở đó thì khách tự chịu trách nhiệm với người nhận giữ xe, không liên quan đến Ban Quản lý”?

Vẫn biết, khó có thể cầu toàn trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội mùa cao điểm đầu năm, nhưng thiết nghĩ, việc hợp đồng với đơn vị y tế, tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự, siết chặt các hoạt động dịch vụ ngay từ “vòng ngoài” cũng như khu vực chính của chùa, thì những hệ lụy xấu và thực trạng “cò” chèo kéo du khách, làm giá “chặt chém” như trên ở chùa Hương Tích khó có thể xảy ra.

Thông tin từ Công an huyện Can Lộc cho biết, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 5/2 (tức mồng 6 Tết), tại khu vực miếu Cậu thuộc Di tích chùa Hương Tích, Hồ Văn Hà, sinh năm 1996, trú tại xã Nghi Kim (TP. Vinh – Nghệ An) gặp nhóm của Đinh Xuân Hưng, trú phường Hà Huy Tập (TP. Vinh). Sau khi lời qua, tiếng lại, hai bên nhảy vào nhau xô xát. Hậu quả Hưng bị Hà dùng dao nhọn mang theo người đâm 2 nhát vào cổ và ngực, chết trên đường đi cấp cứu; Nguyễn Đắc Quân  sinh năm 1995, trú tại phường Hưng Bình (TP. Vinh) bị Hà đâm một nhát vào ngực, rất may không nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi gây án, lợi dụng người đi lễ chùa đông, Hà đã thay quần áo, bịt khẩu trang hòng lẩn trốn, khi đến khu vực cáp treo thì bị lực lượng an ninh bắt giữ. Hiện CQĐT đã khởi tố, tạm giam Hà về tội giết người.

Bùi Tiến

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP