Tin Hà Tĩnh

Dự án đường vành đai trăm tỷ “tắc” vì vướng ngôi đền thiêng

Dự án đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) do cẩu thả trong quá trình khảo sát quy hoạch nên đã đâm thẳng đến cổng đền, nơi có ngôi đền hơn 200 năm tuổi. Hệ lụy là dự án bị đứt đoạn, chưa thể thi công liền tuyến vì vướng chốn linh thiêng. Chính quyền tháo gỡ bằng cách tìm nhà địa lý để di chuyển cổng đền nguyên khối, song nhiều người cho rằng đây là phương án bất khả thi.

Dự án công trình đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh (đoạn từ quốc lộ 8A đến đường Tiên Sơn) có chiều dài 3.000m, rộng 30m được đầu tư với tổng mức 150 tỷ đồng. Dự án là công trình nhằm mở rộng đô thị thị xã Hồng Lĩnh về phía Tây, kết nối quốc lộ 8A với quốc lộ 1A qua tuyến đường trục chính thị xã Hồng Lĩnh, hiện đang được đầu tư từ nguồn vốn Dự án BIIG2. Đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH Như Nam. Được khởi công vào tháng 12/2020 và theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 10/2025.

Dự án đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh đang bị “tắc” vì vướng cổng ngôi đền 200 năm tuổi.


Sau 7 tháng, đến nay dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và triển khai thi công. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay tại khu vực cánh đồng thuộc tổ dân phố Thuận Hòa, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh dự án đang bị đứt đoạn, buộc phải tạm dừng thi công vì vướng phải cổng một ngôi đền thiêng, với chiều dài bị đứt gãy khoảng 100m.

Điều khá hi hữu là cổng ngôi đền này “án ngữ” ngay trên trục chính của đường vành đai nên đến nay, đơn vị thi công buộc phải thi công từ hai đầu và chừa lại phần đất thuộc khuôn viên của đền này ra để chờ chủ đầu tư đưa ra phương án giải quyết. Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, dù đã trở thành phế tích nhưng cảnh quan này vẫn rất linh thiêng, dấu tích của cổng đền hàng trăm năm tuổi vẫn còn hiện hữu và xung quanh cổng đền được bao phủ khá nhiều cây cổ thụ cao hàng chục mét.

Theo báo cáo của UBND phường Đức Thuận, ngôi đền nói trên có tên là đền Văn Thánh Vân Chàng, được lập vào khoảng giữa cuối thế kỷ XVII, còn có tên gọi khác là Văn Miếu, do người dân trong làng lập để thờ “Chí thánh tiên sư Khổng Tử” và các bậc tiên hiền của làng. Đến năm Bính Dần thời Tự Đức triều Nguyễn (1866), đền được xây mới gồm hai tòa chính miếu và một tòa nghi môn, bên phải là miếu thổ thần, bên trái nhà bia, được trồng thêm cây xanh, đào ao dẫn nước. Hằng năm, đền Văn Thánh tổ chức tế lễ vào các ngày mùng 4 và mùng 7 tháng Giêng, mùng 10 tháng 6, tế thu tháng 8 và tiễn ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch.

Toàn bộ khu đất này có diện tích 5.035,5m2, sử dụng ổn định vào mục đích tín ngưỡng từ năm 1866. Trải qua biến cố lịch sử và thời gian, đền đã trở thành phế tích. Đến nay, di tích này chỉ còn hiện hữu Cổng Tam quan, nền nhà, một số cây cổ thụ và hình hài khuôn viên. Dù vậy, hằng năm, vào các ngày rằm, lễ Tết, nhân dân vẫn thường đến đây để thắp hương, đặc biệt là các sĩ tử chuẩn bị bước vào các kì thi thường đến thắp hương để cầu may.

Quá trình khảo sát để thi công đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh, không biết do vô tình hay hữu ý mà dự án này đã quy hoạch đâm thẳng vào cổng đền, làm ảnh hưởng đến di tích đền Văn Thánh Vân Chàng với diện tích bị ảnh hưởng là 3.490,1m2. Ngay từ khi dự án chưa triển khai, ngày 16/11/2022, báo cáo với UBND thị xã Hồng Lĩnh, phường Đức Thuận đã nêu rõ sự linh thiêng của di tích, đồng thời đưa ra 2 phương án giải quyết, hoặc lập phương án bồi thường, hỗ trợ để thu hồi phần diện tích bị ảnh hưởng nói trên để thực hiện hoán đổi đất và lập lại quy hoạch khu di tích theo diện tích ban đầu; hoặc cho chủ trương giao đổi đất sản xuất nông nghiệp dự phòng do phường quản lý để phường lập quy hoạch chi tiết 1/500, làm cơ sở huy động xã hội hóa phụng dựng lại di tích. Mặc dù đề xuất là vậy, nhưng không hiểu sao, chủ đầu tư không đưa ra phương án tối ưu, để rồi khi dự án thi công đến cổng di tích thì buộc phải dừng lại vì vướng cổng đền.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện chủ đầu tư cho biết, để dự án tiếp tục được triển khai, UBND thị xã Hồng Lĩnh sẽ di chuyển cổng đền và hàng cây xanh sang khu đất bên cạnh. Hiện, UBND thị xã Hồng Lĩnh đang giao cho các phòng, ban chuyên môn xây dựng phương án di dời cổng đền mà dự án đường vành đai đang bị vướng. Chủ đầu tư cũng đang tìm đơn vị có năng lực di dời công trình nguyên khối này sang khu đất bên cạnh để bảo tồn.

Trả lời với báo chí, ông Nguyễn Huy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho rằng, về nguyên nhân thiết kế con đường đâm thẳng vào cổng đền, tại thời điểm quy hoạch do chưa đảm nhận chức Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh nên bản thân ông không nắm được hồ sơ. Theo vị chủ tịch này, thời điểm lấy ý kiến quy hoạch đường giao thông, không ai có ý kiến về việc này. Kể cả khi lấy ý kiến về phương án thiết kế đường vành đai, địa phương cũng không có ý kiến về việc vướng ngôi đền, chỉ đến khi thực tế thi công mới biết vướng cổng đền.

Đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng thị xã Hồng Lĩnh cho biết thêm, ngôi đền hiện nay đã trở thành phế tích, cũng chưa được công nhận di tích. Do đó, phương án di dời cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên, sau nhiều tháng vướng mắc, đơn vị nào sẽ đứng ra nhận nhiệm vụ di dời cổng đền này, và phương án di dời như thế nào thì chủ đầu tư vẫn đang loay hoay, đến nay chưa tìm được phương án tối ưu để thực hiện. Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan khi để xảy ra sự việc khá hi hữu nói trên cũng chưa được chủ đầu tư đề cập đến. Trong khi đó, với việc để vướng mặt bằng kéo dài, có thể ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả dự án.


Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn tin: cand.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP