Tin Hà Tĩnh

Đồng Lộc - ngã ba nơi 10 nữ thanh niên xung phong hóa thành bất tử

Ngã ba Đồng Lộc là nơi 10 nữ thanh niên xung phong hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu vận tải vào Nam thời chống Mỹ. Nơi đây ngày nay trở thành Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.

Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tỉnh. Nơi đây nằm gọn trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo, giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh.

Từ cuối tháng 4/1965, quốc lộ 1A bị chia cắt hoàn toàn, ngã ba Đồng Lộc trở thành con đường duy nhất để hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Từ đó, ngã ba này trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên toàn tuyến Quân khu 4 (Ảnh: Chụp lại tư liệu tại Phòng truyền thống khu di tích).

Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ tập trung mọi phương tiện đánh vào khu vực Đồng Lộc 1.863 lần. Mảnh đất nhỏ bé này phải hứng chịu một khối lượng bom khổng lồ với gần 50.000 quả các loại.

Bình quân, mỗi mét vuông đất tại Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 tấn bom. Lúc cao điểm nhất, tại ngã ba này đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom, mở đường (Ảnh: Chụp lại tư liệu tại Phòng truyền thống khu di tích).

Những hố bom ngày nay được giữ nguyên hiện trạng, khoanh vùng, đánh dấu và trở thành chứng tích chiến tranh.

Theo tư liệu, trưa 24/7/1968, Tiểu đội 4 - Thanh niên xung phong (thuộc Đại đội 2, Tổng đội 55) gồm 10 cô gái được giao nhiệm vụ san lấp hố bom và sửa đường để thông xe sau các đợt ném bom của máy bay địch. Chiều cùng ngày, trận bom thứ 15 dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi trúng cửa hầm nơi các nữ thanh niên xung phong trú ẩn. Hầm sập, các chị hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, người trẻ nhất mới 17, ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi. Trong ảnh là khu mộ 10 cô gái đã mãi mãi nằm xuống.

Câu chuyện về sự hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong, cùng anh linh của các chiến sĩ ngã xuống nơi đây đã làm nên biểu tượng về một Đồng Lộc linh thiêng, bất tử.

"Tại mảnh đất thiêng liêng này, lúc 16h ngày 24/7/1968, Tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông Hậu phương lớn với Tiền tuyến lớn, góp phần cho Tổ quốc toàn thắng. Tên tuổi 10 cô mãi mãi được nhân dân cả nước và bạn bè thế giới nhắc đến như một kỳ tích anh hùng của dân tộc Việt Nam", những dòng chữ khắc ghi tại tấm bia Tổ quốc ghi công ở khu mộ 10 cô gái.

Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Tượng đài chiến thắng được xây dựng tại đây, vị trí nằm dưới thung lũng, nơi hơn nửa thế kỷ trước chi chít hố bom.

Hai chiếc máy bay thời chiến được trưng bày trong khuôn viên khu di tích.

Tháp chuông Đồng Lộc được khánh thành ngày 2/1/2011. Tháp gồm 7 tầng, 8 mái, cao 37m, trên đỉnh tháp có treo quả chuông nặng 5,7 tấn. Công trình được xây dựng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, bồi đắp đạo lý "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Cụm tượng 10 nữ thanh niên xung phong được đặt ở vị trí gần trung tâm, trên triền núi Mũi Mác. Cụm tượng cao 7,5m, dài 15,5m, rộng 5m, diễn tả cảnh tượng 10 nữ thanh niên xung phong lao ra mặt đường san lấp các hố bom vừa bị máy bay Mỹ đánh phá.

Từ đầu tháng 7 đến nay, mỗi ngày, khu di tích Đồng Lộc đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan, dâng hương nhân dịp kỷ niệm 54 năm chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2022) và 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).

Tác giả: Dương Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP