Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Nghi Xuân, Hà Tĩnh đang tích cực, hăng say lao động hướng tới sự kiện lịch sử trọng đại trên quê hương cụ Nguyễn Du. Đứng trước những hoạt động trong “ vườn Nguyễn”, bất giác tôi nhớ tới câu thơ của nhà thơ Vương Trọng năm nào :
“ Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi chở đá tượng đài xây lên”.
Đất nước hết giặc dã đã nhiều năm rồi. Nhưng đến nay mới thấy được điều ước nguyện của Vương Trọng và nhiều người mê truyện Kiều . Chưa biết được những ước vọng một “vườn tượng đủ màu sắc, đủ cá tính của những nhân vật trong truyện Kiều” mà ông Bùi Tùng Phong nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân và nhiều người ấp ủ có thành hiện thực không? Nhưng câu chuyện đổi thay ở “vườn Nguyễn” cũng khá thú vị cuốn hút chúng tôi, những người làm báo ở núi Hồng sông Lam . Không rõ những giống cây cỏ được ngòi bút tài hoa của cụ Nguyễn tả cảnh sinh tình trong tác phẩm thơ nôm có một không hai này, dẫu chưa hình dung được vóc dáng “ hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”, trong không gian mở của “vườn Nguyễn” chưa thấy lê, mận, trà mi, hải đường…với ước nguyện “ vườn sinh học nghệ thuật” cùng giọng hót líu lo của “ yến” “oanh”, có lẽ vấn đề chỉ là thời gian để thực hiện quảng trường Nguyễn Du với những “lầu Ngưng Bích”, “ vườn Thúy” , “ trên cầu nước chảy trong veo”, vườn tượng nhân vật trong truyện Kiều . Một người công nhân xây dựng hỏi tôi: “ Bác thấy sân vườn đã chỉnh trang có khang trang hơn trước không?” Tôi đáp : “ Đẹp hơn nhiều, hoành tráng lắm ”. Nhiều người có chung dòng suy nghĩ , nhà nước đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng để chỉnh trang không gian mở khu lưu niệm di tích “vườn Nguyễn” mà không đổi thay hoành tráng thì coi sao được . Tuy nhiên tôi cảm thấy còn thiêu thiếu một cái gì đó trong “ vườn Nguyễn”, nơi ngày xưa là khu cộng đồng có kiến trúc đình Tiên Điền, chùa Trường Ninh, chợ Tiên đô hội cùng phố phường , cửa hiệu người Hoa kiều buôn bán.
Mặc dù đang bận “trăm công nghìn việc”, vậy mà ông Hồ Bách Khoa Trưởng Ban quản lý di tích Nguyễn Du bớt chút thời gian vàng ngọc để đón tiếp chúng tôi. Điều ấn tượng đọng lại trong lòng người làm báo là câu chuyện ông Hồ Bách Khoa kể say sưa về những hoạt động của Ban quản lý di tích đặc biệt quốc gia phối hợp các đơn vị bạn chuẩn bị vinh danh kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Câu chuyện của ông Trưởng Ban quản lý di tích kể đã cuốn hút, làm người nghe không thể không quan tâm . Đó là hoạt động chỉnh trang không gian nhà bảo tàng Nguyễn Du đảm bảo tính khoa học, tính thẩm mỹ để phục vụ du khách tham gia buổi lễ . Hai là trưng bày, giới thiệu phối hợp với trường cao đẳng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Du trưng bày bộ tranh sơn dầu cỡ lớn gồm 155 bức tranh phác họa các nhân vật trong truyện Kiều và nội dung cốt truyện Kiều. Hoạt động trưng bày, triễn lãm sẽ diễn ra trong 2 thời điểm . Thứ nhất là phục vụ hội thảo quốc tế về thân thế sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du, một trong những nhà thơ kiệt xuất của nhân loại. Thứ 2 là trưng bày, giới thiệu trong lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du, người con của quê hương xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Hồ Bách Khoa vừa nói chuyện, vừa giải thích, càng kể càng nhiều điều thú vị, cuốn hút. Hà Tĩnh đã phát động, tổ chức cuộc thi “ Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm truyện Kiều”, với đối tượng : Đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên , các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý di tích Nguyễn Du sẽ tổ chức phối hợp triễn lãm các tác phẩm viết về Nguyễn Du, các ấn phẩm nghiên cứu về truyện Kiều và phối hợp với nhà sưu tầm nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo để giới thiệu các bộ sưu tập Kiều cổ . Bên cạnh đó, sẽ tổ chức không gian trưng bày thư pháp truyện Kiều, phối hợp với các câu lạc bộ trò Kiều xã Tiên Điền và xã Xuân Liên để diễn xướng các trích đoạn, màn diễn xướng trò Kiều được dàn dựng từ nguyên tác của Đại thi hào Nguyễn Du. Phối hợp với các nhà nghiên cứu địa phương học tham gia viết tài liệu dự hội thảo về cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều. Ban quản lý di tích đặc biệt quốc gia khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để làm tốt , không phụ lòng quan khách trong lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới Đại thi hào Nguyễn Du.
Thật mừng, hôm nay điều nguyện ước của mọi người đã thành hiện thực, “ vườn xưa lối cũ” đã khác rồi , không còn cảnh “ cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”, đất đai mấp mô hoang tàn, cỏ dại mọc tràn lan nữa. Chúng tôi tản bộ trong “vườn Nguyễn”, được chiêm ngưỡng ánh hào quang một mặt trời sáng rực, “ lầu sơn gác tía” không còn hoang dại rêu phong, “ vườn Nguyễn” nay sáng sủa, hoành tráng rất nhiều so với năm xưa./.
Đặng Viết Tường – Trần Quốc Tuấn
Theo Nghi Xuân Online