EVNNPC cho biết, các thủy điện trực thuộc đã được kiểm tra để tránh tình trạng gây bức xúc như thủy điện Hố Hô năm trước. Ảnh: TG
Đầu tư 2.300 tỷ để nâng cấp lưới chống quá tải
Đây là con số được ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) công bố với báo giới sáng ngày 17/5 tại trụ sở của đơn vị này. Ông Tuấn cho biết, việc chống quá tải là một phần trong chiến lược đầu tư nâng cấp hạ tầng của EVNNPC. Số tiền nêu trên dùng vào các khoản đầu tư nâng cấp hạ tầng, khi hạ tầng được củng cố sẽ hạn chế được tình trạng quá tải, việc cung cấp điện cho nền kinh tế được đảm bảo theo yêu cầu.
Đánh giá về tình hình cấp điện mùa khô - mùa cao điểm sắp tới, ông Hồ Mạnh Tuấn nhận định, thời tiết miền Bắc đã và đang có nhiều biến động khó lường. Năm vừa qua, mùa đông gần như không xuất hiện ở miền Bắc, miền Nam thì mưa nhiều. Năm nay, mùa mưa đã có dấu hiệu đến sớm hơn so với cùng kỳ. “Nhà đèn” miền Bắc dự báo, mùa hè năm nay nắng sẽ gay gắt cộng với sự phức tạp của địa hình 27 địa phương miền Bắc sẽ tác động không nhỏ đến việc cấp điện cho nền kinh tế.
“Chúng tôi rất ý thức về việc mùa khô sẽ có nhiều tác động cực đoan đến việc cung ứng điện. Vì vậy, EVNNPC đã tập trung đầu tư nâng cấp, củng cố lưới điện từ sớm. Giao cho các công ty điện lực địa phương dành một phần vốn không nhỏ để chống quá tải. Về đường dây cao thế, trong thời gian ngắn vừa qua đã có 18 công trình trạm biến áp 110kV, trong đó có 6 dự án lắp thêm máy biến thế, một số dự án nâng công suất để chống quá tải.
Đường trung và hạ áp đã được đầu tư thêm 1.300 trạm phân phối chống quá tải sẽ sớm đóng điện trước mùa cao điểm”, ông Tuấn cho biết. Với sự chuẩn bị kỹ càng nêu trên, ông Hồ Mạnh Tuấn công bố thông điệp: “Đến thời điểm này, chúng tôi sẵn sàng để đón nhận mùa hè có thời tiết có thể rất cực đoan. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận việc tăng nhiệt”.
Trước mùa cao điểm tới, phía địa phương, các đơn vị điện lực cũng phát đi thông điệp chuẩn bị kỹ, sẵn sàng đón nhận quá trình tăng nhiệt, tăng sản lượng đột biến. Ông Hà Văn Anh, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Điện lực Lào Cai cho biết, đơn vị này sẽ đảm bảo nguồn cung và người dân không phải chịu cảnh cắt điện luân phiên.
Cơ sở để ông Anh công bố thông tin này là do trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hệ thống thủy điện của địa phương này đã đủ để cung cấp cho nhu cầu dùng toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Anh, ở một số địa phương có nhu cầu phát triển sản lượng “nóng” như ở SaPa thì việc cung ứng điện đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do công tác giải phóng mặt bằng ở đây còn khó hơn ở... Hà Nội. Đơn vị này dẫn chứng, để giải phóng mặt bằng, lắp một trạm điện 110kV tại SaPa phải mất đến 2 năm mới xong cho khu đất diện tích có 1.200m2.
“Nếu hóa đơn tăng đột biến thì phải xác minh làm rõ”
Không cắt điện trong quý II và đầu quý III, đây là mục tiêu được Điện lực Lào Cai đặt ra trong mùa cao điểm năm nay. “Trừ các sự cố quá nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn lưới điện thì mới cắt điện vào cao điểm nắng nóng. EVNNPC đã giao cho Điện lực Lào Cai và các đơn vị trực thuộc hoàn thành công tác đầu tư, xây dựng, sửa chữa để chống quá tải trước ngày 30/4 vừa qua. Hàng loạt công tác gây ra tình trạng cắt điện như thí nghiệm định kỳ, sữa chữa, thay thế... đều phải được xử lý xong trước mùa mưa”, ông Hà Văn Anh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lào Cai cho biết.
Cũng về việc đảm bảo, không cắt điện ngày nắng nóng, ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVNNPC tái khẳng định: “Khi nhiệt độ ngoài trời trên mức 36oC thì không được cắt điện, trừ trường hợp xử lý sự cố và phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng có thẩm quyền”.
Một vấn đề mà hàng triệu khách hàng phải đối diện trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới chính là việc tăng vọt lượng điện sử dụng/tháng. Ông Hồ Mạnh Tuấn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc: “Nếu xuất hiện các hóa đơn tiền điện tăng đột biến thì điện lực địa phương phải xác minh, trả lời. Đây là chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Điện lực phải tăng cường đối thoại với khách hàng, chủ động thông tin về lịch cắt điện nếu có cho khách hàng”.
Thủy điện Hố Hô và 5 thủy điện khác nằm trong diện kiểm tra
Để tránh tình trạng xả lũ gây bức xúc cho dư luận trong mùa mưa lũ tới, EVNNPC đã đưa 6 thủy điện mà đơn vị này quản lý hoặc có cổ phần chi phối và diện kiểm tra. Ông Mai Quang Hùng, Trưởng Ban an toàn của EVNNPC cho biết, tháng 4 vừa qua, đơn vị này đã kiểm tra 6 thủy điện. Trong đó tập trung kiểm tra sâu 2 thủy điện có phương thức xả nước khác biệt là thủy điện Hố Hô ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) và thủy điện Pơ Hồ (Lào Cai).
Về tình hình ở thủy điện Hố Hô, ông Hùng cho biết, Công ty Thủy điện Hồ Bốn đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão và cứu nạn trình các cấp có thẩm quyền chờ phê duyệt. Đích thân Tổng Giám đốc EVNNPC tổ chức họp và nghe báo cáo về các phương án này. Thủy điện Hố Hô và địa phương đã ban hành quy chế phối hợp vào ngày 30/3. Khi phương án phòng chống lụt bão và cứu nạn được phê duyệt thì từ ngày 10-16/6 sẽ tổ chức diễn tập với các địa phương liên quan. Theo chỉ đạo của EVNNPC, mọi công tác ứng phó với mưa bão của thủy điện này phải hoàn thành trước ngày 30/8.
Ngày 17/5, thông tin về tình hình tai nạn liên quan đến hệ thống lưới điện, ông Mai Quang Hùng, Trưởng ban an toàn của EVNNPC cho biết, tai nạn điện trong dân đang chiếm tỷ lệ lớn. Trong tháng 4 vừa qua, theo ghi nhận đã có 6 người chết do tai nạn về điện. Nguyên nhân được ông Hùng chỉ ra là do người dân chặt cây đổ vào lưới điện, xây dựng nhà cửa, công trình gây chạm chập hoặc phóng điện. Cùng đó, việc thi công làm biển quảng cáo cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn.
Tác giả: Minh Anh
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội