Di tích - Thắng cảnh

Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Nguyễn Văn Mạo (Can Lộc)

Căn cứ vào một số tư liệu lịch sử như gia phả dòng họ Nguyễn Văn ở xóm Phúc Giang, xã Vĩnh Lộc, bản chữ Hán được soạn vào thời Tự Đức, các sắc phong của triều Tây Sơn (vua Cảnh Thịnh), triều Nguyễn (vua Gia Long, Minh Mạng) cho biết Nguyễn Văn Mạo sinh vào khoảng năm 1767, tại thôn Bào Khê, xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, nay là xóm Phúc Giang, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

hatinh (2)

Ông thuộc đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn Văn xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc. Thủy tổ là ông Nguyễn Đình Tuấn, vốn quê gốc ở huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi được vua Lê tiến cử làm chức tri huyện Thiên Lộc thời kỳ 1640-1650, ông đã chuyển cư đến ở thôn Bào Khê, xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc và trở thành thủy tổ của dòng họ Nguyễn Văn ở đây.

Upload

Nhà thờ Nguyễn Văn Mạo, xã Vĩnh Lộc

Nguyễn Văn Mạo sinh ra trong thời kỳ đất nước hết sức rối ren, chia cắt; Đàng ngoài vua Lê chúa Trịnh tranh ngôi đoạt quyền, làm cho trăm họ điêu đứng lầm than. Đàng trong chúa Nguyễn đang lớn mạnh không ngừng. Phong trào khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi trong Nam ngoài Bắc. Đặc biệt là phong trào khởi nghĩa Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo nổ ra vào năm 1771, vốn xuất phát từ một cuộc khởi nghĩa nông dân, rồi nhanh chóng phát triển trở thành một phong trào dân tộc rộng lớn, chống thù trong giặc ngoài, vừa lật đổ chế dộ chúa Nguyễn ở Đàng trong và chế độ vua Lê chúa Trịnh ở Đàng ngoài, thống nhất đất nước xóa bỏ tình trạng chía cắt đất nước kéo dài trên 2 thế kỷ, vừa tiến hành hai cuộc kháng chiến chống quân Xiêm xâm lược ở phía Nam và kháng chiến chống quân Thanh xâm lược ở phía Bắc.

Từ trong đông đảo con em Nghệ Tĩnh thời ấy hừng hực khí thế đánh giặc cứu nước, đã nổi lên những người con ưu tú xuất thân từ tầng lớp nhân dân nghèo khổ trở thành những tướng lĩnh, vị chỉ huy quân đội “áo vải cờ đào”, mà tên tuổi và những công lao đóng góp của họ  còn sống mãi với thời gian, với quê hương, đất nước. Tỉnh Hà Tĩnh có những người tiêu biểu như: Đại tư mã Ngô Văn Sở, Đô đốc Hồ Phi Chấn, Dương Văn Tào, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Đốc đồng hữu thị lang Nguyễn Huy Tự… trong số hàng vạn tân binh được tuyển mộ ở Nghệ An khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, chắc chắn có rất nhiều trai tráng tân binh người Hà Tĩnh, mà tên tuổi và sự nghiệp của họ trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm vào mùa Xuân Kỷ Dậu – 1789 đã hòa chung trong khúc khải hoàn của vua Quang Trung, rất ít được sử sách ghi danh. Hơn nữa, sau khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn Gia Long thay thế (1802) đã cố tình xóa đi dấu tích của nhà Tây Sơn tồn tại trên 30 năm (1771-1802) trên khắp đất nước ta. Nhưng thật may, trên đất Nghệ Tĩnh nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, ngày nay còn lưu giữ được một số tài liệu, các văn bản sắc phong của triều vua Quang Trung và Cảnh Thịnh thời Tây Sơn cho các nhân vật lịch sử có công đối với triều đại. Một trong số đó có Nguyễn Văn Mạo ở thôn Bào Khê, xã Bạt Trạc, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An, nay thuộc xóm Phúc Giang, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Một người đã tham gia trực tiếp vào quân đội nhà Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vua người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ, sau đó tiếp tục phục vụ trong quân đội nhà Tây Sơn cho đến ngày triều đại nhà Tây Sơn sụp đổ vào năm 1802. Ông đã được nhà Tây Sơn ghi nhận công lao và ban sắc phong. Hiện nay tại nhà thờ họ Nguyễn Văn, xóm Phúc Giang còn lưu giữ bản sắc phong của vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn phong cho Nguyễn Văn mạo. Ông mất không rõ năm, mộ an táng tại chân rú sim, sau đó được con cháu quy tập ở nghĩa trang dòng họ ở xóm Phúc Giang, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

 

Ngọc Bé

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP