Di tích - Thắng cảnh

Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Mai Thúc Loan, xã Mai Phụ

Đền thờ Mai Thúc Loan, hay còn gọi là đền thờ Mai Hắc Đế, đền vua Mai nay thuộc thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, là nơi thờ vua Mai Hắc Đế – người anh hùng dân tộc.

Đền thờ Mai Hắc Đế nhìn từ cổng chính với hai cây đa cổ thụ. Ảnh: Văn Hoàng
Đền thờ Mai Hắc Đế nhìn từ cổng chính với hai cây đa cổ thụ. Ảnh: Văn Hoàng

Mai Hắc Đế, thuở thơ ấu có tên là Mai Thúc Loan, ông được sinh ra và lớn lên ở làng Ngọc Trừng – một làng quê ở phía Tây huyện Sa Nam thuộc Châu Hoan, nay là làng Mai Lâm, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; một vùng quê vốn có truyền thống yêu nước lâu đời, trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đã tạo cho con người nơi đây đức tính cần cù, hiếu học và sáng tạo trong lao động, kiên trung bất khuất trong chiến đấu, thủy chung nghĩa tình trong cuộc sống, tự lập, tự cường vươn lên trong mọi khó khăn.

Nhờ đức tính ham học, nhờ vào bộ óc thần đồng, nhờ khí thiên giang sơn chung đúc mà Mai Thúc Loan sớm am tường chữ nghĩa, hiểu được sách vở thánh hiền. Lớn lên trong bối cảnh quê hương, đất nước đang còn chịu cảnh đô hộ của phương Bắc, chứng kiến nổi khổ cực của nhân dân với chế độ cống nạp sản vật; Mai Thúc Loan sớm nhận thức được lòng yêu nước, căm thù giặc Đường, tìm mọi cách để cứu nước, giúp dân, đạp tan chế độ đô hộ phương Bắc.

Cuộc khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo nổ ra vào tháng tư, năm Quý Sửu (713), trên đường Mai Thúc Loan cùng đoàn phu đi cống vải tại dốc Trương Bàng – một địa danh nằm ở phía Bắc huyện Nam Đàn. Trước khí thế vùng lên của dân phu, quân áp tải nhà Đường đã bị thương vong và tháo chạy thục mạng. Trong thế chủ động và bầu máu nóng của lòng yêu nước, thương dân, Mai Thúc Loan đã chỉ huy nghĩa quân xông lên đánh trả đoàn quân tiếp viện và thừa thắng đánh chiếm cả trụ sở Hoan Châu ở Sa Nam rồi lần lượt giải phóng luôn cả Châu Diễn, Châu Ái rộng lớn. Sau sự kiện này, ông được nhân dân suy tôn làm hoàng đế – Mai Hắc Đế (vua đen họ Mai).

Sau khi lên ngôi, ngoài lo việc triều chính, ông đã cho xây dựng căn cứ địa tại Sa Nam và chọn Vệ Sơn làm nơi đóng đại bản doanh. Khi đã có binh hùng tướng mạnh lại được sự liên kết của Lâm Ấp và Chân Lạp cùng sự ủng hộ của người dân vùng Đường Lâm – Ba Vì – Hà Tây, Bình Hà – Hải Dương… ông đã kéo quân ra đánh chiếm phủ Tống Bình (Hà Nội) giải phóng đất nước ra khỏi ách đô hộ của nhà Đường. Chính quyền của vua Mai Hắc Đế tồn tại được 10 năm (713-722) mới chấm dứt.

Những công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, người anh hùng Mai Hắc Đế – Mai Thúc Loan mãi là tấm gương sáng ngời trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ mai sau. Để tưởng nhớ vị lãnh tụ nghĩa quân, nhân dân ta đã lập đền thờ Mai Hắc Đế và người thân của ông ở nhiều nơi như Cầu Giấy, Quảng Bá – Hà Nội, An Lão – Hải Phòng, Nam Đàn – Nghệ An… Tưởng nhớ công lao của người anh hùng Mai Hắc Đế – Mai Thúc Loan, ngoài những nơi trên, người dân quê hương và hậu duệ dòng họ Mai đã xây dựng nhà thờ ông tại làng Mai Lâm, xã Mai Phụ. Hiện nay tại nhà thờ họ Mai ở Mai Lâm còn lưu giữ đôi câu đối về Mai Hắc Đế không rõ được lập từ bao giờ như sau:

“Đế xuất Thạch Hà khắc duyên tích tâm, cứu quốc anh hùng thiên cổ đại

Thanh danh Mai tộc tiêu quang hậu dụ, duy lân du tự thế lưu phong”

Dòng họ Mai đã định cư ở làng Mai Lâm từ lâu đời, tuy nhiên do biến động lịch sử, nhiều con cháu họ Mai đã phải đổi thành họ khác, một số phải phiêu tán đi nhiều nơi khác sinh sống.

Đền thờ vua Mai Hắc Đế được xây dựng cũng trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian nên đã xuống cấp trầm trọng và bị hủy hoại hoàn toàn. Đầu năm 2011, đền thờ Mai Hắc Đế được nhân dân và chính quyền huyện nhà đầu tư phục hổi, tu bổ tôn tạo lại trên nền đất cũ trước đây. Các hạng mục kiến trúc chính của Đền hiện có: cổng vào, tắc môn, đền thờ xây bằng gạch 1 gian đổ bia mái cong và các hiện vật thờ cúng trong đền. Đặc biệt phía trước cổng đền có hai cây đa hàng trăm năm tuổi, cành lá sum suê.

Đền thờ Mai Hắc Đế đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 3424/QĐ-UBND ngày 25/10/2011. Điều đó đã thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta trong việc ghi nhớ công ơn của Mai Thúc Loan đối với quê hương, đất nước. Đồng thời là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau về niềm tự tôn, tự hào dân tộc, biết quý trọng những giá trị lịch sử văn hóa của cha ông để lại.

   Thùy Mỹ

(Nguồn tư liệu theo Lý lịch di tích LSVH đền thờ Mai Thúc Loan, xã Mai Phụ)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP