Di tích - Thắng cảnh

Can Lộc: Di tích lịch sử văn hóa bến đò Thượng trụ

Từ bao đời nay nhân dân Hà Tĩnh vốn có truyền thống yêu nước cách mạng, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta người dân Hà Tĩnh luôn có mặt và đi đầu trong cuộc đấu tranh. Những năm đầu thế kỷ XX, phong trào cách mạng ở Hà Tĩnh đã có những chuyển biến sâu sắc tạo nên bối cảnh thuận lợi cho sự lần lượt ra đời các tổ chức yêu nước cách mạng, tiến tới thành lập một chính đảng vô sản đầu năm 1930.

hatinh24h

Toàn cảnh bến đò thượng tru

Khi tiếng súng của nghĩa quân Phan Đình Phùng vừa chấm dứt, ngay sau đó các hoạt động của Hội Duy Tân, phong trào Đông Du, cuộc vận động chống thuế đến hoạt động của Hội Phục Việt và đảng Tân Việt liên tục nổ ra trên đất Hà Tĩnh với những mức độ và hình thức khác nhau nhưng không bao giờ tắt. Đáng chú ý nhất trong thời kỳ này là việc thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (tháng 6 năm 1929), sự kiện này đã tác động tới những phần tử tiến bộ trong đảng Tân Việt dẫn tới Đông Dương cộng sản Liên Đoàn ra đời (tháng 6/1929), đồng thời khẳng định ưu thế của tư tưởng cộng sản trong những người yêu nước cách mạng lúc bấy giờ. Đông Dương cộng sản đảng ra đời phù hợp với yêu cầu  lịch sử và tác động mạnh mẽ tới Đông Dương cộng sản Liên Đoàn, sau đó các chi bộ của hai tổ chức đảng này được thành lập ở nhiều nơi. Đầu tiên là chi bộ Đông Dương cộng sản đảng của Trường Tiểu học Pháp – Việt thị xã Hà Tĩnh, tiếp đến các chi bộ như: Phù Việt (Thạch Hà), Hà Linh (Hương Khê), Trường Tiểu học Thịnh Xá (Hương Sơn), Trường Tiểu học Thái Yên (Đức Thọ). Đầu năm 1930 các chi bộ Đông Dương cộng sản Liên Đoàn cũng lần lượt ra đời ở Can Lộc như: chi bộ Hữu Ngoại (Thiên Lộc), Cải Lương (Hậu Lộc), Trảo Nha (Đại Lộc).vv.

Như vậy, trước ngày thành lập tỉnh Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt nam, ở Hà Tĩnh đã có hai tổ chức cộng sản: Đông Dương cộng sản Liên Đoàn và Đông Dương cộng sản Đảng. Các tổ chức cộng sản ra đời chứng tỏ phong trào cách mạng ở trong tỉnh phát triển mạnh, nhưng mặt khác cho thấy việc xuất hiện các tổ chức cộng sản tổ chức không thống nhất, rời rạc ít nhiều lại tranh giành ảnh hưởng, công kích lẫn nhau không có lợi cho mục tiêu chung. Thực tế đó đòi hỏi phải có một chính đảng lãnh đạo với đường lối cách mạng khoa học thống nhất không chỉ riêng ở Hà Tĩnh, đây là vấn đề cấp thiết với phong trào cách mạng nước nhà nhằm dẫn dắt dân tộc ta đánh đổ thực dân phong kiến giành lại độc lập cho dân tộc.

Giữa lúc các tổ chức cộng sản đang tiếp tục xây dựng ở trong nước, ngày 03/02/1930 được sự phân công của Quốc tế Cộng sản, tại Hương Cảng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hội nghị hợp nhất và quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này là bước ngoặt cho sự phát triển của cách mạng Việt Nam, với Hà Tĩnh đây là điều kiện thúc đẩy nhanh chóng việc hoàn chỉnh hệ thống tổ chức đảng các cấp và phát triển lực lượng cách mạng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời các đại biểu đã về các địa phưưong để truyền đạt, phổ biến chủ trương mới và xúc tiến việc thành lập các đảng bộ, các chi bộ ở địa phương. Trên cơ sở đó, cuối tháng 3 năm 1930 để thống nhất về tổ chức và đưa phong trào cách mạng tiến lên, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Trung Kỳ đồng chí Trần Hữu Thiều đã triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh. Hội nghị đuợc tiến hành tại Bến Đò Thượng Trụ, thành viên hội nghị bao gồm đại biểu các chi bộ thuộc Đông Dương cộng sản Đảng và Đông Dương cộng sản Liên Đoàn. Hội nghị cử ra Ban chấp hành lâm thời gồm các ủy viên: Trần Hưng, Võ Quê, Mai Kính, Hồ Tuy, Trần Xu, đồng chí Trần Hữu Thiều được bầu làm Bí thư. Hội nghị nhất trí xúc tiến nhiệm vụ về công tác tổ chức Đảng, tổ chức các đoàn thể quần chúng mà trước hết là Nông hội đỏ để tập hợp rộng rãi lực lượng trong các tầng lớp nhân dân.

Sự ra đời của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh là kết quả tất yếu của việc chủ nghĩa Mác – Lê Nin được truyền bá vào Việt Nam  mà phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh lĩnh hội được. Từ đây Đảng bộ Hà Tĩnh là một bộ phận nằm trong hệ thống tổ chức thống nhất của Đảng cộng sản Việt Nam từ trung ương đến cơ sở, công cuộc đấu tranh chống thực dân phong kiến ở Hà Tĩnh đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp bộ Đảng cộng sản Việt Nam.

Ngọc Bé

PHÒNG VĂN HÓA – THÔNG TIN

Tài liệu tham khảo từ hồ sơ di tích Bến đò Thượng Trụ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP