Lao Động - Việc Làm

Di dân Hà Tĩnh: Làm giàu trên đất mới

Gần 30 năm trước, những nông dân nghèo khó ở làng Kim Chùy, xã Tân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh do đất hẹp người đông, đã lần lượt rời bỏ làng đến vùng đất mới biên giới Tây Nam, thuộc xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Vốn liếng họ mang theo không có gì ngoài sức lao động cần cù, chịu khó và sự khát khao cháy bỏng đổi đời. Ít ai ngờ rằng trong số đó đã có những người trở thành những ông chủ chân đất giàu có.


Vợ chồng Nguyễn Danh Hùng và Nguyễn Thị Thành là một dẫn chứng. Nơi căn nhà nhà kiên cố kiểu dáng tân thời sắp hoàn tất, với kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng, anh Hùng nhớ lại: “Ngày ấy nơi đây không những đường đi còn khó khăn bụi mù về mùa khô, lầy lội về mùa mưa, mà dân cư vẫn còn thưa thớt. Phần đông là Việt kiều từ Campuchia hồi hương. Tôi từ quê vào đây với hai bàn tay trắng, vốn liếng không bao nhiêu, chỉ mua được một mảnh vườn nhỏ vừa dựng nhà ở tạm vừa làm vườn”.


Dần dà làm lụng và tích cóp, vợ chồng Hùng mua được 4 công đất trồng mì và đi làm thuê chặt mía. Cứ có vốn lại mua đất. Hùng nghĩ làm nhà nông mà không có đất thì chẳng khác nào làm nhà giáo mà không có giấy viết. Từ 4 công đất của ngày đầu, đến nay vợ chồng Hùng đã có 10 ha, trong đó 7 ha trồng cao su đã cho cạo mủ và 3 ha trồng mì. Giá 1 ha đất rẫy ở Tân Phú hiện nay từ khoảng 800 triệu đến 1 tỷ đồng.


Ở huyện Tân Phú có 3 nhà máy đường, nhưng nhà máy chế biến mì thì nhiều. Đến mùa thu hoạch mì có người đến mua ngay tại rẫy. Dù đã có của ăn của để, nhưng vợ chồng Hùng vẫn mùa nào mua bán thức ấy. Cạnh nhà mới xây Hùng xây một nhà kho để chứa mủ cao su, mua một máy kéo chở mù khi vào vụ khai thác. Hết vụ thì chở thuê mì, mía.


Cũng như Hùng, năm 1984, Nguyễn Duy Vị theo cha vào Tha La lập nghiệp. Do không đủ đất làm nên năm 1985 cha con tìm đến ấp Châu É (nay là ấp Tân Châu, xã Tân Phú) đất hoang hóa còn nhiều. Dành dụm tiền mua được vài ba công vườn để ở. Vì chưa được cải tạo nên đất ở đây trũng thấp, chỉ cấy được một vụ lúa bấp bênh. Khi nhà máy đường Bourbon xây dựng đào mương thoát nước rửa phèn, hoàn chỉnh kênh mương nội đồng, xây dựng đường sá, từ đất 1 vụ lúa, Châu É trở thành cánh đồng trồng mía rộng cho năng suất cao.


Ông Đoàn Duy Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú: Chúng tôi đánh giá rất cao ý chí của người dân Hà Tĩnh sống ở đây. Họ chịu khó, siêng năng, biết tiết kiệm và không gây thù chuốc oán. Một số người còn giỏi làm ăn hơn người dân bản xứ. Đó là chưa kế một số nguyên là lãnh đạo xã từ Đảng ủy, HĐND, MTTQ, Hội Nông dân ở những nhiệm kỳ trước. Họ đều đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của địa phương.



Vợ chồng Vị đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, đói no, lao động cật lực để từ một vài công đất ngày đầu, đến nay đã có 10 ha đất rẫy trồng mía. Ngoài việc trồng, chăm sóc mía, Vị còn hợp đồng tiêu thụ mía với nhà máy Bourbon từ mấy năm nay. Mãi cho đến năm 2011 – 2012 toàn bộ diện tích rẫy đó chuyển sang trồng cao su và mì.


Vị nói: “Vì đầu tư cho cao su tốn kém hơn mì nên vợ chồng em bước đầu chỉ trồng 4 ha cao su. Dù lợi nhuận từ cao su những năm gần đây dễ nhận thấy nhưng em vẫn không trồng hết, phần vì thiếu vốn, phần sợ… thua cái này còn có cái khác”.


Còn nhiều gương mặt biết “vượt lên chính mình” của người dân làng Kim Chùy trên đất mới xã Tân Phú. Ở họ đều có một điểm chung là tuổi đời chưa già (từ 35 – 45 tuổi), ham làm, có chí tiến thủ. Hơn thế nữa họ còn biết lo cho thế hệ con cái. Nhiều gia đình có 3 – 4 con đã và đang học đại học, cao đẳng ở TP.HCM.

Nông Nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP