“Thương nhớ ở ai” là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng, lấy bối cảnh làng quê Bắc bộ những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Cách đây 17 năm, đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng ghi dấu ấn nhất định khi chuyển thể cuốn tiểu thuyết này thành phim điện ảnh. Lần này, với phiên bản phim truyền hình, do lo ngại vấn đề sức khỏe nên ông đã chủ động đề nghị phía VFC chọn thêm một đạo diễn làm cùng với mình. Đó là lý do “Thương nhớ ở ai” được dẫn dắt bởi hai đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh.
Những cảnh diễn viên mặc chiếc áo yếm bằng lụa mỏng, để lộ vòng một đã gây tranh cãi |
Xưa mặc thế nào, nay mặc vậy?
Dù mới lên sóng vài tập nhưng phiên bản truyền hình của “Bến không chồng” nhận được phản hồi khá tích cực từ phía khán giả khi có cách kể giản dị nhưng sâu lắng và nhiều cảm xúc. Tuy nhiên, một số cảnh quay ghi lại cảnh các diễn viên nữ mặc duy nhất chiếc áo yếm bằng lụa mỏng, để lộ vòng một đã lập tức gây tranh cãi. Trong đó có thể kể đến cảnh nhân vật Hơn (con dâu nhà địa chủ) mặc mỗi chiếc áo yếm, để lộ tấm lưng trần và khuôn ngực đầy đặn khiến nhân vật bà cán bộ xã phải tức mắt mà thốt lên: “Để cái ngực thây lẩy như đi trêu tức người ta”. Hay như cảnh bà cán bộ xã mặc chiếc áo tứ cánh khoác ngoài chiếc áo yếm song cởi phăng áo ngoài ra để lộ vòng một cũng khiến nhiều người không khỏi đỏ mặt vì xấu hổ. Trong đoạn clip trích đăng một số cảnh của các tập phim tiếp theo cho thấy nhân vật bà cán bộ xã này còn có nhiều hành động “khoe” vòng một táo bạo hơn thế.
Liên quan đến câu chuyện về chiếc áo yếm, đạo diễn Lưu Trọng Ninh lý giải, phim có bối cảnh làng quê Bắc bộ giai đoạn 1954-1975 và thời đó phụ nữ Việt Nam chưa mặc áo ngực, vì thế những hình ảnh kể trên là hoàn toàn chân thực với bối cảnh xưa lúc bấy giờ, đúng kiểu “ngày xưa các cụ mặc thế nào thì bây giờ chúng ta mặc như vậy”. Vị đạo diễn này chia sẻ thêm, chính ông là người đưa ra quyết định để các nữ diễn viên chỉ mặc áo yếm khi lên phim mà không mặc áo lót bên trong. Cũng theo đạo diễn “Thương nhớ ở ai” thì điều này hết sức bình thường bởi các nhân vật chỉ mặc riêng áo yếm ở các cảnh quay trong nhà chứ không mặc thế khi đi ra đường.
Như để bảo vệ cho quyết định của mình là đúng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho rằng, ở phương Tây, cụ thể là Paris, các cô gái không mặc áo ngực khi đi ra đường và dáng đi của họ rất đẹp. Trong khi áo yếm của người phụ nữ Việt Nam là một thiết kế tuyệt tác, hiện thân cho cái đẹp vừa kín đáo, vừa tinh tế và gợi cảm thì cớ sao lại bắt phải mặc trong khuôn phép che đậy nào. Thậm chí, ông ví von việc các cô mặc áo yếm trên phim cũng giống như khi cánh mày râu mặc quần đùi đi lại trong nhà.
Tuy nhiên, phản hồi trên của đạo diễn Lưu Trọng Ninh vẫn chưa khiến nhiều người đỡ “nóng” mắt trước những cảnh “thả rông” vòng một của diễn viên nữ trong phim. Một số ý kiến cho rằng, kể cả quả thực thời xưa chị em phụ nữ có mặc độc chiếc áo yếm khi loanh quanh trong nhà chứ không ra đường nên không sợ ai nhìn thấy, nhưng một khi đã lên sóng màn ảnh nhỏ thì đương nhiên hàng triệu người thấy, trong đấy có cả đối tượng khán giả là trẻ em. Vì thế mà những hình ảnh lẽ ra chỉ kín đáo ở trong nhà lại thành phơi ra lồ lộ.
Truyền thống thì cũng cần tế nhị
Xung quanh việc này, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền kể, năm 1957 tức là trong khoảng thời gian mà bộ phim “Thương nhớ ở ai” nhắc đến, bố mẹ anh là Việt kiều Thái Lan trở về nước. Thời bấy giờ, mẹ của nhà nghiên cứu âm nhạc này đã lập tức mặc lại bộ áo yếm với áo cánh khoác ngoài vốn là trang phục truyền thống của phụ nữ miền Bắc xưa, đồng thời nhuộm răng đen cho đúng kiểu. Cũng theo nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, nếu đạo diễn Lưu Trọng Ninh bàn về chuyện tôn trọng sự chân thực về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời ấy thì phải yêu cầu các nữ diễn viên đóng phim nhuộm răng đen mới đủ.
Còn theo PGS, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, những năm đầu thập niên 1950, ông từng có thời gian dài sống ở nông thôn nên thấy rất rõ phụ nữ thời bấy giờ thường mặc áo cánh khoác ngoài áo yếm khi đi ra ngoài, còn nếu mặc yếm trần thì chỉ mặc ở trong nhà cho mát vào những ngày hè nóng bức. PGS nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho rằng, việc tái hiện hình ảnh xưa lên phim mà càng chân thực, càng làm gần với quá khứ thì càng tốt, nhưng phải đặt ống kính máy quay ở góc độ nào thì phải thật khéo léo để hình ảnh diễn viên không bị phản cảm. “Nhiều khi ống kính đặt quá gần thì gây phản cảm, cái này là do sự chỉ đạo của đạo diễn đến người quay phim”.
Trong khi đó, nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ quan điểm, chiếc áo yếm tự bản thân nó đã là một trang phục đơn giản, dung dị, duyên dáng, gợi cảm nhưng thể hiện sự nền nếp chứ không phải cái đẹp lồ lộ ra bên ngoài. Về những hình ảnh yếm trần xuất hiện trong một số cảnh phim “Thương nhớ ở ai”, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ, bà rất hiểu những người làm phim mong muốn có được điều gì đó đúng nghĩa, nhưng làm được hay không và làm thế nào lại là câu chuyện khác. Bởi đứng ở góc độ trang phục, chỉ cần sai một chút về tinh thần, nhất là trang phục truyền thống thì sẽ rất dễ khiến người khác hiểu sai. Đặc biệt, riêng với trang phục áo yếm, nhà thiết kế Minh Hạnh khẳng định, vấn đề không phải kín hay hở, mà là dung tục hay không dung tục vì nếu mặc không biết cách làm sao để thể hiện đúng tinh thần của nó thì chắc chắn sẽ trở nên dung tục.
Tác giả: Như Ý
Nguồn tin: Báo An ninh thủ đô