Trong cuộc hành đạo cứu đời của mình, đại danh y Lê Hữu Trác (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đã gặp biết bao con người, với biết bao hoàn cảnh. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ với một người phụ nữ bí ẩn vào những năm cuối đời đã trở thành cuộc gặp khiến ông day dứt, băn khoăn nhất. Bởi lẽ, nó gợi lại trong ông một mối tình dang dở thời trai trẻ.
“Người xưa” rũ áo ra đi
Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn ông, là một thầy thuốc nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Sinh ra trong một dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, từ nhỏ, ông đã được định hướng theo nghiệp bút nghiên. Nhưng thế cuộc đổi dời, giang sơn loạn lạc, ông phải lánh mình về quê mẹ ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, rồi học y thuật ở đó. Năm 1781, chúa Trịnh Sâm triệu ông ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay) để chữa bệnh cho Thái tử Trịnh Cán. Trong thời gian lưu lại đây, ông có gặp lại một người phụ nữ bí ẩn mà sau này để lại trong ông những niềm day dứt khôn nguôi.
Chuyện kể rằng, khi Lê Hữu Trác còn trẻ và vẫn sống ở quê nhà Liêu Xá, cha ông là tiến sỹ Lê Hữu Mưu có hứa hôn cho ông với một người con gái quan đồng triều. Các thủ tục dạm hỏi đã hoàn tất, chỉ đợi ngày cưới là nên duyên chồng vợ. Nhưng tuổi trẻ mê công danh, hai người hứa hẹn sau này công thành doanh toại mới tổ chức lễ cưới. Tuy nhiên, một loạt biến cố lớn đã xảy ra trong đời ông. Cha qua đời, mẹ vì tránh loạn phải dời vào sống với hai người anh trai (tên là Lê Hữu Tán và Lê Hữu Đề) lúc đó đang làm quan ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Thời buổi loạn lạc, ông xếp bút nghiên để theo nghiệp binh đao, bôn tẩu khắp nơi, giúp triều đình đàn áp những cuộc khởi nghĩa nông dân. Sau, chán cảnh “nồi da xáo thịt”, ông tính chuyện về quê vui thú điền viên thì tin dữ từ Hương Sơn đưa đến. Người anh trai đột ngột qua đời để lại mẹ già, con côi không ai chăm sóc và ông phải vào đó gấp. Cũng tiện sự kiện này, Lê Hữu Trác đã từ quan để vào Hương Sơn chịu tang anh và chăm sóc mẹ. Nhưng, thu xếp thế nào với người con gái đã hứa hôn tại quê nhà, con gái quan đồng triều mới là chuyện nan giải của đại danh y này.
Thời bấy giờ, vùng đất Hương Sơn, Hà Tĩnh là vùng đất nghèo, dân sống đa phần rất khổ cực, thêm vào thời tiết lại khắc nghiệt. Trong khi, người vợ sắp cưới lại con nhà quan lại, quen sống trong yên ấm. Nay, nếu người con gái đó, vì nghĩa mà theo ông đi, cuộc sống chắc khổ sở vô cùng, chi bằng từ hôn để nàng tìm người đàn ông khác tốt hơn. Nghĩ vậy, người thanh niên Lê Hữu Trác bèn mang trầu cau sang trả lại, viện cớ phải vào Hương Sơn chịu tang anh. Câu chuyện tình yêu thuở trẻ cứ thế rơi dần vào quên lãng. Người con gái ngày xưa cũng chìm theo những năm tháng miệt mài học thuốc.
40 năm sau, tại Thăng Long, ông gặp lại người con gái của mình trong một hoàn cảnh thật đặc biệt. Điều này, được chính Lê Hữu Trác ghi lại trong tác phẩm Thượng Kinh ký sự. Ông viết: “Một ngày kia, có hai lão ni đến chỗ tôi ngụ, nói rằng: Chùa Huê Cầu đúc chuông lớn, công quả chưa thành, chúng tôi đến đây khuyến hoá. Thế rồi, một lão ni tự giới thiệu mình là trụ trì chùa núi An Tử, còn lão ni kia thì giới thiệu mình là con gái quan tả thừa ty Sơn Nam, quê ở Huê Cầu. Tôi nghe nói giật mình như tỉnh giấc mơ”.
Sau khi nghe địa danh mà người ni kia xưng, lại nhìn khuôn mặt thấy quen thân, ông ngờ rằng đó là “người xưa” của mình. Nhờ người điều tra, đại danh y thấy, đúng đó là người con gái mà năm xưa mình trả lễ. Tưởng rằng, sau khi trả lễ, người con gái đó sẽ tìm một nơi tốt hơn để gửi gắm, nhưng không ngờ lại nương thân nơi cửa Phật. Ông cũng nghe nói, người con gái đó được rất nhiều người hỏi, xin cưới làm vợ nhưng bà đều từ chối. Để tránh tai tiếng cho gia đình, bà đã xin vào chùa Huê Cầu (không rõ chùa này hiện nay ở đâu) làm ni. Nghe tin như vậy, Lê Hữu Trác vội vàng đi tìm “người xưa” để hỏi rõ mọi chuyện.
Ông viết trong tác phẩm của mình như sau: “Tôi nghe biết vậy thì tâm thần kinh loạn, than rằng: Vì ta bất cẩn trong việc này. Có thuỷ mà không có chung, khiến cho người mang hận, mà ta mang tiếng là người bạc bẽo. Ta bối rối không biết cách nào để gỡ cái mối ra, mới vội vàng đến Huê Cầu mà tìm hiểu sự việc”. Khi gặp lại, hỏi rõ nguyên do thì bà nói rằng: “Đã có người hỏi mình làm vợ thì mình (coi như) đã có chồng rồi, chẳng qua vô phận mà chồng bỏ”. Hối hận vì những điều mình làm, nay thấy “người cũ” làm ni, ông xin tặng một ngôi chùa vừa để trả ân, vừa để chuộc lỗi nhưng bà từ chối, rồi khóc mà nói rằng: “Quan nhân có hậu tình, còn tôi chẳng gặp chồng, cái thân cô khổ cũng là do số mệnh vậy, đâu có dám trách ai… Nay tôi được biết tấm lòng tốt này cũng an ủi cảnh linh lạc vậy”.
Ông Lê Hữu Quang, người trông giữ nhà thờ Lê Hữu Trác tại xã Liêu Xá, Hưng Yên.
Người cũ chỉ xin… một cỗ quan tài
Người con gái mà chàng trai Lê Hữu Trác từ hôn đã không đi lấy chồng mà ở vậy để lưu giữ một mối tình dang dở, cho thấy một tấm lòng chung thuỷ hiếm có. Lúc bấy giờ, thấy người chồng tương lai mang trả lại trầu cau thì nàng nào có hiểu cơ sự bên trong, chỉ âm thầm đau khổ vì duyên phận bẽ bàng. Thế nhưng, chàng trai Lê Hữu Trác thì sao? Ông nhanh chóng quên mối tình sắp đặt của cha mẹ để vui duyên mới hay là cũng ở vậy để giữ mối tình đó? Điều này không ai rõ, nhưng có một vài chi tiết khá thú vị. Thứ nhất, nếu quên người con gái đó, chắc hẳn ông không thể nhớ ra sau hơn 40 năm xa cách. Thế nhưng, ông lại “giật mình như tỉnh cơn mê” khi lần đầu gặp bà. Thứ nữa là tranh cãi quanh việc Lê Hữu Trác có lấy vợ hay không?
Gia phả của dòng họ Lê Hữu làng Liêu Xá chép rằng, ông có cả thảy 2 người vợ và 6 người con. Ông Lê Hữu Quang, người trông giữ nhà thờ Lê Hữu Trác tại làng Liêu Xá cho biết: “Tôi cho rằng, đại danh y Lê Hữu Trác không lấy vợ. Tất nhiên hiện nay có hai thuyết phổ biến là ông lấy vợ sau khi vào định cư ở Hương Sơn, Hà Tĩnh và thuyết nữa là ông không lấy vợ. Tôi nghiêng nhiều về thuyết ông không lấy vợ hơn, vì có những bằng chứng khá thuyết phục.
Thứ nhất là cả gia phả của họ Lê Hữu ở Liêu Xá và ở Hương Sơn đều không chép cụ thể về con cái của ông. Trong khi đó chi của hai người anh lại được chép rất tỉ mỉ cho tới tận ngày nay. Như vậy, nếu nói rằng ông có con thì chắc chắn các thế hệ sau phải được chép vào gia phả chứ. Duy nhất chỉ thấy chép được tên 6 người con của ông mà thôi, nhưng ngoài cái tên không còn tư liệu, ghi chép gì khác nữa. Khả năng cao nhất, trong trường hợp này là ông không lấy vợ, hoặc lấy vợ không có con. Bằng chứng thứ 2 là đại danh y Lê Hữu Trác là người rất nổi tiếng trong lịch sử, không những được sử sách chép lại mà ông còn để lại những tác phẩm cho đời sau. Thế nhưng, theo tra cứu của nhiều người trong dòng họ, chúng tôi cũng không tìm thấy đoạn nào viết về gia đình ông. Đây là hai nguyên nhân chính khiến tôi cho rằng, ông không lấy vợ”.
Tuy nhiên, ông Quang cũng không lý giải được nguyên nhân vì sao Lê Hữu Trác không lấy vợ. “Tôi không biết có phải liên quan tới mối tình thời trẻ hay không, nhưng chắc chắn phải có nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều này có lẽ sẽ mãi là bí mật của lịch sử” – ông Quang nói.
Chuyện cũng kể rằng, khi gặp lại “người cũ” sau hơn 40 năm xa cách, ông có hỏi bà có cần gì không thì bà trả lời rằng: “Chúng ta vì duyên cách trở mà không đến được với nhau, nhưng dù sao cũng là nghĩa vợ chồng. Khi chết đi, tôi không cầu gì, chỉ xin ông một cỗ quan tài để sau này khi xuống hoàng tuyền cũng không phải tủi hờn vì duyên phận quá bạc bẽo”. Ông nghe xong cảm động không nói nên lời. Từ đó, hai người thường xuyên qua lại khá thân thiết.
Dòng họ Lê Hữu là dòng họ khoa bảng Đại danh y Lê Hữu Trác sinh ra trong một gia đình rất nổi tiếng về khoa bảng ở Hưng Yên. Ông nội là Lê Hữu Danh, đỗ Hoàng Giáp năm 1671. Tiếp đến là cha, chú và bác ruột đều đỗ tiến sỹ, làm quan to trong triều. Trong lịch sử khoa bảng dòng họ Lê Hữu có tới 6 người đỗ đại khoa (chưa kể trung khoa và tiểu khoa) và giữ những chức vụ quan trọng bậc nhất trong triều đình. |
Phạm Văn Thiệu