Thế giới

Cựu giám đốc CIA gọi Tổng thống Putin là "món quà lớn nhất" cho NATO

Cựu giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus cho rằng, việc Tổng thống Vladimir Putin nắm quyền điều hành nước Nga đã cho NATO lý do để tồn tại với việc mở rộng hoạt động ở Đông Âu và tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở châu lục.

Cựu giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus (Ảnh: Reuters)

Cựu giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus (Ảnh: Reuters)

Theo hãng tin RT, phát biểu tại một hội thảo quốc tế ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 9/1, cựu giám đốc CIA David Petraeus nói rằng, nước Nga dưới dự lãnh đạo của Tổng thống Putin đã cho khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu lý do để tồn tạo. Ông nhấn mạnh, nước Nga đã cho NATO lý do để triển khai thêm binh sĩ và máy bay chiến đấu ở Đông Âu và các quốc gia vùng Baltic cũng như thiết lập các trụ sở trong khu vực viện cớ nhằm ngăn chặn sự "khiêu khích" của Nga trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và NATO có chiều hướng xấu đi dưới thời Tổng thống Putin.

Vị cựu quan chức này cũng cho rằng, Tổng thống Putin đã cho Mỹ cơ hội lần đầu tiên đưa một lữ đoàn thiết giáp trở lại châu Âu sau nhiều năm. Hiện lữ đoàn này đồn trú tại Ba Lan.

"Hãy nhớ là, ông Vladimir Putin là món quà lớn nhất cho NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ông ấy đã mang lại lý do mới cho NATO tồn tại. Và Mỹ tiếp tục sẽ là xương sống trong nhiều khía cạnh, không chỉ ở đó mà còn ở những nơi khác trên thế giới", ông Petraeus nói.

Cũng tại hội thảo, ông Petraeus cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao là "mối quan ngại lớn nhất".

Tướng 4 sao David Petraeus từng được coi là một trong những nhà hoạch định chính sách quân sự có ảnh hưởng nhất dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama. Trước khi được bổ nhiệm lãnh đạo CIA, ông là lãnh đạo Bộ Chỉ huy trung tâm của Mỹ.

Những bình luận của ông Petraeus đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và NATO có chiều hướng gia tăng căng thẳng. Những năm gần đây, Mỹ và các đồng minh đã tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu với lý do ngăn chặn mối đe dọa từ Nga sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014.

Nga đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích động thái mở rộng về phía đông của NATO. Giới chính khách Nga cho rằng, việc gia tăng quân sự hóa này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh của châu Âu và kéo theo bất ổn ở khu vực.

Tác giả: Minh Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP