Hà Tĩnh ngày nay

Cuộc chiến “cát tặc” trên sông La

Bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý đã khiến cuộc chiến “cát tặc” trên sông La rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo” chưa có hồi kết.

“ Cát tặc”

Tám giờ sáng ngày 9-7, có mặt tại ngã ba sông – hợp lưu sông La, sông Cả và sông Lam (giáp ranh giữa hai xã Đức Vĩnh và Đức Quang (Đức Thọ – Hà Tĩnh) và Hưng Phú (Hưng Nguyên – Nghệ An) chúng tôi không khỏi bàng hoàng, xót xa vì tình trạng khai thác cát trắng trợn tại khu vực này.

Giữa sông, ba chiếc xà-lan lớn đang thi nhau hút cát tuôn xối xả vào xà-lan. Bên bờ tả sông La cũng có chín chiếc đang cắm chi chít những ống hút xuống dòng sông.

Chỉ khoảng chừng hơn tiếng đồng hồ hai chiếc xà-lan có tải trọng 100 tấn đã đầy ắp cát. Những thuyền nhỏ hơn cỡ 30 – 50 tấn thì trong vòng 30 phút đã hoàn tất công việc. Có 11 chiếc thuyền, xà-lan trên một khúc sông dài khoảng chừng 100m. Đoạn sông nhuốm màu đỏ ngầu. Bờ hữu, những công nhân thi công kè Đức Quang hướng cặp mắt giận dữ và thất vọng nhìn ra giữa sông…

Chủ tịch UBND xã Đức Quang Chu Đình Lưu bức xức: “Bất kể ngày hay đêm, mỗi khi con nước lên ở khu vực ngã ba sông này những tiếng máy hút cát nổ rền đã khiến việc học hành và sinh hoạt của người dân sống cận kề khu vực bị điên đảo. “

Theo báo cáo của ngành chức năng huyện Đức Thọ: Không chỉ ngã ba sông này mà ở một số địa phương khác nằm dọc sông La, từ xã Tùng Ảnh, thị trấn Đức Thọ… xuống Đức Vịnh có ngày đến dăm chục lượt thuyền, xà-lan của huyện Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) và Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn…(Nghệ An) thi nhau hút cát trái phép. Tuy chưa có con số báo cáo chính thức, nhưng theo ước tính, bình quân những ngày nước lên có đến vài nghìn m3 cát/ngày bị “rút ruột” đã khiến dòng chảy bị biến dạng…

Đại tá – Trưởng công an huyện Đức Thọ – Nguyễn Xuân Chính cho biết: Ngoài việc hoạt động không theo quy luật, thường lén lút hoạt động vào ban đêm, theo dõi “giám sát” lực lượng chức năng thì gần đây, cát tặc có biểu hiện chống đối một cách quyết liệt.

Đại tá Chính cho biết thêm “Trong một lần vây bắt một số thuyền khai thác cát lậu vào ban đêm, một công an viên xã Liên Minh đã bị cát tặc xô xuống sông. Rất may nhờ phát hiện kịp thời nên đã được đưa vào bờ an toàn”.

Còn tại xã Đức Quang, tháng ba vừa qua, cát tặc đã hành hung một công an viên bị thương; sau đó ít ngày lại bắt ba công viên đang thi hành công vụ làm con tin và đưa về cầu Yên Xuân… Chỉ đến khi loa phát thanh của xã ra rả thông điệp thả người vô điều kiện, bấy giờ, những công an viên này mới được tự do…

Xã Đức Quang được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ bốn chiếc xuồng gắn máy phục vụ công tác phòng chống lụt bão, nay lại thêm chức năng truy đuổi cát tặc. Đức La cũng có một chiếc; các xã còn lại hầu hết chỉ dùng thuyền nhỏ bé… nên công tác chống cát tặc lại càng trở nên mong manh hơn. Mỗi lần thấy bóng dáng lực lượng chức năng, chủ thuyền và xà-lan lập tức thu ống hút, nhổ neo rồi tăng tốc, để lại dưới sông dòng nước đục ngầu trong nỗi bất lực của người tham gia truy đuổi. Vì vậy, mỗi khi phát hiện ra cát tặc, các xã đã thông báo với công an huyện để tổ chức truy bắt.

Năm 2011, Công an huyện Đức Thọ đã bắt giữ 136 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt lên đến 640 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm đến nay đã phát hiện và bắt giữ 55 vụ vi phạm, phạt 260 triệu đồng; tịch thu 10 ống hút.

Trong lúc đó, các ngành chức năng của Hà Tĩnh hoạt động đơn lẻ, theo kiểu “mạnh ai nấy làm” không có sự phối hợp dài hơi, chủ yếu dồn lên vai lực lượng công an huyện và cảnh sát giao thông đường thuỷ.

Đại tá – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường thủy, Công an tỉnh Hà Tĩnh – Nguyễn Phúc Tiến khẳng định “Do lực lượng mỏng, kinh phí ít nên ngoài việc tuần tra, chúng tôi chỉ tập trung xử lý những trường hợp vi phạm tại các công trình trọng điểm ở các xã Liên Minh,Trường Sơn, Đức Quang… Tuyên truyền vận động vẫn là sự lựa chọn số một của chúng tôi.”. Năm 2011, lực lượng CSGT đường thủy cũng đã xử lý 178 trường hợp vi phạm phạt với số tiền 455 triệu đồng; từ đầu năm đến nay đã xử lý 164 trường hợp, phạt 325 triệu đồng.

La Giang – tuyến đê sông trọng điểm số một trong phòng chống lũ lụt của Hà Tĩnh. Cho dù hằng năm “ngốn” khá nhiều tiền ngân sách, hiện tuyến đê này đang trong giai đoạn nâng cấp với số vốn lên đến 967 tỷ đồng, song cũng đã từng nhiều lần sụt, vỡ…mà một trong những nguyên nhân chính do cát tặc. Rồi hệ thống kè Tùng Ảnh, Đức Quang, Đức Vĩnh… tổng chi phí đầu tư lên đến 50 – 70 tỷ đồng cũng bị “giảm tuổi thọ” bởi… cát tặc. Do biến đổi khí hậu, nạn chặt phá rừng đầu nguồn bừa bãi cùng với nạn cát tặc trên các dòng sông đã làm cho cuộc sống của hàng nghìn hộ dân cùng nhà cửa, vườn tược, hệ thống đê điều, thuỷ lợi bị đe doạ nghiêm trọng.

Sớm quy hoạch mỏ cát và bến bãi

Điều đáng nói là trong lúc nhu cầu tiêu thụ cát sông La ngày một lớn, có thể lên vài nghìn m3/ngày thì “Trên địa bàn toàn tỉnh, hiện chỉ có duy nhất một cơ sở khai thác cát được cấp phép, đó là đoanh nghiệp Công Tiến ở xã Đức Hòa – Đức Thọ”- Trưởng phòng Tài nguyên và Khoáng sản (Sở Tài nguyên – Môi trường Hà Tĩnh) Trần Duy Trinh thừa nhận.

Như vậy, hóa ra bấy lâu nay, việc khai thác cát trên các địa phương khác đều phải khai thác “lậu”, đều phải làm cát tặc. Một câu hỏi được đặt ra: nhu cầu tiêu thụ cát trên địa bàn là rất lớn, nhưng chỉ với một mỏ cát được cấp phép có là điều không bình thường trong quản lý tài nguyên của các cơ quan quản lý và UBND tỉnh Hà Tĩnh?

Chưa hết, theo Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ Thái Sơn Vinh khẳng định: “Dọc tuyến sông La này có 11 bãi tập kết mua bán cát. Tuy nhiên trong số đó chỉ bãi tập kết và mua bán của doanh nghiệp Công Tiến trên là có giấy phép hoạt động hợp pháp”.

Đơn cử, tại xã Tùng Ảnh có đến ba bãi tập kết cát chất cao như núi, xe cộ ra vào mua cát rầm rộ nhưng các bãi tập kết này đều đã hết hạn giấy phép vào cuối năm 2010. Mặc dù huyện Đức Thọ đã nhiều lần yêu cầu xã Tùng Ảnh “giải tán” dứt điểm các bến cát trên, tuy nhiên “trên bảo dưới không nghe”, mọi việc mua bán vẫn mặc nhiên diễn ra hàng ngày như chưa hề xảy ra chuyện gì. Điều đáng nói, hợp đồng thuê bến bãi của các hộ kinh doanh ký với UBND xã Tùng Ảnh đều hết hiệu lực đã lâu, nhưng UBND xã Tùng Ảnh vẫn cố tình thu tiền phí bến bãi để bổ sung…ngân sách xã. Cũng tại xã Tùng Ảnh, Công ty Thủy lợi Linh Cảm cũng cho thuê mặt bằng bảo vệ chân cầu Linh Cảm làm bến cát. Hàng ngày có hàng chục lượt xe tải nặng chạy ngay dưới mố cầu để chở cát, đe doạ an toàn chân cầu…

Khi cầu vượt quá cung, việc nảy sinh những việc làm khuất tất là điều tất yếu khó tránh khỏi, cát tặc là một trong số đó. Thất thoát nguồn phí tài nguyên là điều hiển nhiên và chắc chắn cuộc chiến chống cát lậu không biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Không quản lý được thì cấm – điệp khúc này đã quá quen thuộc. Như vậy, nếu chỉ ngăn chặn triệt để nạn khai thác cát một cách bừa bãi với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là có thể giải quyết được. Nhưng đó chỉ là phần ngọn vì cơ quan chức năng không thể thường xuyên có mặt. Bản chất của vấn đề là phần gốc là làm thế nào để tận thu lượng cát do thiên nhiên bồi lắng vừa khơi thông dòng chảy trên sông La; đồng thời bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đi lại và không ảnh hưởng đến các công trình phòng chống lũ lụt (hệ thống đê, kè ở dọc sông) cùng việc tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương có mỏ cát…

Đặc biệt, giải quyết việc làm là vấn đề luôn được các địa phương quan tâm. Thế nhưng trong số những đầu nậu chuyên khai thác cát trái phép có đến hàng nghìn lao động coi việc khai thác cát là mưu sinh trong cuộc sống hàng ngày nếu cơ quan chức năng và chính quyền địa phương làm quyết liệt e rằng tương lai của họ sẽ đi vờ ngõ cụt. Lớn hơn là sau họ còn cả gánh nặng phải lo toan mà họ lại chính là trụ cột trong những gia đình nhỏ bé ấy.

Quan trọng và cần thiết là vậy, thế nhưng “Những năm trước huyện chưa có quy hoạch, nhưng những năm gần đây vấn đề quy hoạch mỏ cát khai thác cũng như bến thu mua cát đã được quan tâm nhưng đó là chiến lược dài hơi còn cụ thể ở đâu và địa điểm nào chưa thể nói chính xác được”- Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đức Thọ thẳng thắn thừa nhận.

Muộn còn hơn không, các ngành chức năng của Đức Thọ và tỉnh Hà Tĩnh cần sớm vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, khẩn trương quy hoạch các mỏ khai thác tận thu và các bến bãi, cấp phép hoạt động một cách hợp pháp và tổ chức giám sát chặt chẽ… như tâm nguyện của nhiều người, kể cả các cơ quan quản lý, các chủ bến cát cà cát tặc mà chúng tôi từng tiếp xúc.

* Đê La Giang bảo vệ cho hơn 20 vạn dân, 35.000 ha đất canh tác của các huyện Đức Thọ, Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh cùng nhiều cơ sở kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng quốc gia và quốc tế.

Nhân Dân

  Từ khóa: Cuộc chiến , cát tặc , Sông La

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP